ISIS tích cực xây dựng quân đội trẻ em
Trong vùng kiểm soát của mình, ISIS đang tích cực cưỡng ép tham chiến và lạm dụng trẻ em ở độ tuổi dễ bị tổn thương nhất.
Tại thị trấn Kobani ở phía Bắc Syria, nơi dân tộc Kurd đang chịu đợt công kích dữ dội của ISIS trong suốt nhiều tuần, nhà hoạt động Mustafa Bali cho biết, ông đã thấy thi thể của 4 cậu bé, 2 trong số đó chưa đến 14 tuổi. Và có ít nhất 1 thanh niên 18 tuổi từng thực hiện một cuộc tấn công tự sát.
Tại tỉnh Aleppo của Syria, một thành viên của lực lượng Quân đội Tự do Syria cho biết, các chiến binh của tổ chức chạm trán với trẻ em khá thường xuyên trong cuộc chiến chống lại ISIS.
Rất khó để xác định cách thức ISIS chiêu mộ trẻ em trong khu vực khép kín mà nhóm khủng bố kiểm soát. Không có số liệu đáng tin cậy về số lượng trẻ em vị thành niên mà nhóm sử dụng.
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra những tội ác chiến tranh trong cuộc xung đột ở Syria của Liên Hợp Quốc, trẻ em nhập ngũ đóng một vai trò chiến đấu tích cực, nhóm khủng bố ISIS đang phạm phải tội ác chiến tranh trên quy mô lớn theo “một cách hệ thống và có tổ chức”.
ISIS “ưu tiên trẻ em như một cách thức đảm bảo sự trung thành lâu dài, tuân thủ mọi giáo điều và trở thành một lực lượng nòng cốt gồm các chiến binh tận tụy nhìn bạo lực như một cách sống”, trích dẫn trong một báo cáo gần đây của nhóm khủng bố.
Việc sử dụng trẻ em trong các cuộc xung đột không có gì mới. Trong cuộc nội chiến ở Syria, Quân đội Tự do Syria và nhóm phiến quân Nusra Front cũng tuyển mộ trẻ em để chiến đấu, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về trẻ em và xung đột vũ trang là bà Leila Zerrougui cho biết.
Nhưng không có một tổ chức nào như ISIS sử dụng trẻ em một cách có tổ chức và hệ thống như thế này. Và sức ảnh hưởng của hành động này lớn hơn nhiều vì ISIS làm chủ những khu vực rộng lớn, nơi trẻ em bị nhồi nhét giáo luật Shariah theo cách diễn giải thực dụng và đầy bạo lực của nhóm khủng bố.
“Điểm mới chính là ISIS dường như khá rõ ràng và công khai ý định cũng như việc tuyển mộ trẻ em. Trẻ em ở độ tuổi 10 – 12 tuổi đang được dùng trong rất nhiều việc, không chỉ là chiến binh, người đưa tin, gián điệp, lính gác, các em còn làm những công việc hậu cần như nấu ăn, dọn dẹp, đôi khi còn là người chăm sóc y tế”, ông Laurent Chapuis, Cố vấn Bảo vệ Trẻ em khu vực Trung Đông và Bắc Phi của UNICEF cho biết.
Trong những khu vực tại Syria và Iraq mà ISIS kiểm soát, những kẻ cực đoan Sunni đã đóng cửa các trường học hoặc thay đổi chương trình giảng dạy. Theo Liên Hợp Quốc, mục tiêu của chúng là sử dụng giáo dục như một công cụ tuyên truyền bồi dưỡng thế hệ ủng hộ mới.
Hàn Mai, Hồ Duyên – Theo Business Insider