Triều Tiên yêu cầu Mỹ phải ‘chân thành xin lỗi’ để thả hai công dân
Chính phủ Hoa Kỳ phải đưa ra lời xin lỗi chính thức đối với Triều Tiên để đổi lấy tự do cho hai công dân Mỹ, vẫn đang bị Bình Nhưỡng giam giữ, sau khi một người khác là Jeffrey Fowle đã được phóng thích trong tuần, chuyên gia pháp lý của Bắc Triều Tiên tuyên bố hôm Thứ Năm (23/10).
Mặc dù Bắc Triều đã phóng thích ông Fowle, nhưng nếu muốn hai người còn lại là Matthew Miller và Kenneth Bae được tại ngoại thì Washington cần phải có lời xin lỗi cùng yêu cầu chính thức gửi tới Bình Nhưỡng, AP dẫn lời từ hai chuyên gia pháp luật Bắc Triều Tiên thông tin.
Ông Fowle, người chưa qua xét xử tại tòa, vừa được tại ngoại và rời khỏi Bắc Triều Tiên trên chiếc phi cơ quân sự của Mỹ hôm Thứ Ba (21/10). Fowle bị Bình Nhưỡng bắt giam sáu tháng do để quên cuốn Kinh Thánh trong một hộp đêm ở thành phố Chongjin, nơi ông đã đến thăm cùng nhóm du lịch nước ngoài. Phương tiện truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên thông tin, sau những “yêu cầu lặp đi lặp lại” từ Tổng thống Barack Obama, lãnh đạo Kim Jong Un đã ban một đặc ân, cho phép ông Fowle được tại ngoại.
Hiện chưa có bất cứ thông tin gì về triển vọng trả tự do cho Miller và Bae.
“Để các tù nhân được hồi hương, Mỹ phải đưa ra lời xin lỗi chính thức kèm yêu cầu thả tự do cho những người này”, Giáo sư về luật quốc tế tại Học viện Khoa học Xã hội Bình Nhưỡng là ông Sok Won Chol thông tin.
Tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao là bà Jen Psaki đã bác bỏ yêu cầu Mỹ phải gửi lời xin lỗi chính thức tới Bắc Triều Tiên để Miller và Bae được phóng thích an toàn.
“Tôi có thể đảm bảo với mọi người rằng, sẽ không có bất cứ lời xin lỗi nào cả. Vì vậy, tôi thiết nghĩ, bất cứ ai cũng không nên mong chờ về điều này”, bà Psaki tuyên bố hôm Thứ Năm (23/10).
Công dân Fowle được thả tự do sau khi Bình Nhưỡng đưa ra lời kêu gọi Washington cần thực hiện các bước để giải quyết vấn đề trên, qua phương tiện truyền thông nhà nước của Bắc Triều Tiên. Ba người đàn ông bị Bắc Triều bắt giữ cũng được phép trao đổi một số lần với hãng thông tấn AP và các hãng truyền thông khác để đăng tải lời kêu gọi cũng như duy trì vấn đề của họ trên các kênh thông tấn của Mỹ.
Phát ngôn viên Psaki từ chối bình luận về việc có phải Tổng thống Obama đã đích thân đề nghị, hay thông qua các nhà ngoại giao được ông chỉ định, để thả tự do cho Fowle.
Miller và Bae bị cáo buộc với tội danh nghiêm trọng hơn Fowle. Họ đã bị Tòa án tối cao Bắc Triều Tiên kết án tù.
Miller tới Bắc Hàn trên một chuyến du lịch thị thực hôm 10/4. Sau đó, người này bị cáo buộc mang theo tài liệu về yêu cầu tị nạn ở sân bay Bình Nhưỡng. Chính quyền Bắc Triều Tiên thông tin, Miller có ý định tiến hành hoạt động gián điệp khi tới nước này nên đã phán án sáu năm tù giam. Trong thời gian bị giam cầm ở nhà tù từ sáu tuần trước, các công tố viên Bắc Triều nói rằng Miller thừa nhận có “tham vọng hoang dã” để được trải nghiệm cuộc sống tù đày, từ đó bí mật điều tra tình hình nhân quyền tại đây.
Hiện Miller đang thực hiện công việc đào đất 8 tiếng một ngày và bị biệt giam trong một trại lao động.
Còn ông Bae, 46 tuổi, bị bắt hồi tháng 11/2012, trong khi dẫn nhóm du lịch vào đặc khu kinh tế của Bắc Triều Tiên. Ông bị kết án 15 năm tù với tội danh “hành động thù địch”, cùng cáo buộc mang theo tài liệu lậu có tính thù địch và cố gắng thiết lập một cơ sở hoạt động chống chính quyền tại một khách sạn thành phố miền biên nước này. Ông Bae là một nhà truyền giáo người Mỹ gốc Triều. Gia đình ông tin rằng, Bae bị bắt giữ vì đức tin vào Kitô giáo.
Hiện ông Bae đang có vấn đề về sức khỏe do bệnh mãn tính.
“Đây không phải là vấn đề cá nhân. Nó mang tầm quốc gia. Mỹ và đất nước của chúng tôi không có quan hệ ngoại giao… Vì nếu có quan hệ ngoại giao giữa hai nước thì sự việc như vậy sẽ không xảy ra”, ông Ri Kyong Chol, Giáo sư luật tại một học viện cho biết.
AP dẫn lời chia sẻ của cả Miller và Bae, cơ hội duy nhất giúp họ được tự do đó là thông qua can thiệp của quan chức hay chính khách cao cấp của Mỹ.
Trong quá khứ, cựu Tổng thống Bill Clinton và Jimmy Carter đã từng đích thân tới Bình Nhưỡng để đưa những công dân Mỹ bị Bình Nhưỡng giam giữ trở về nhà.
Thiên Hà, Công Lý – Theo AP