Cảnh sát Hồng Kông gây phẫn nộ khi bạo lực với phong trào ôn hòa
Cảnh sát chống bạo động đã gây ra làn sóng phẫn nộ hôm Thứ Tư (15/10) khi đấm đá người biểu tình ôn hòa đã bị trói tay và kéo lê hàng chục người khác trong cuộc xung đột bạo lực nhất kể từ khi cuộc cách mạng dân chủ Hồng Kông khởi phát hơn hai tuần trước.
Người biểu tình bị hàng trăm cảnh sát đánh ngã xuống đường với dùi cui, hơi cay và tấm khiên. Cảnh sát cũng đã dẹp bỏ rào chắn xung quanh đường hầm bên ngoài trụ sở của chính quyền.
Xung đột diễn biến ngày càng tồi tệ và nan giải giữa chính quyền và những người biểu tình chiếm đóng các tuyến đường chính trong thành phố để ủng hộ cải cách dân chủ. “Cảnh sát Hồng Kông hôm nay như phát điên, họ lấy tư cách cá nhân để trừng phạt người khác. Giá trị và nền pháp trị của Hồng Kông đã bị hủy hoại trong tay chỉ huy lực lượng cảnh sát”, nhà lập pháp ủng hộ dân chủ là Lee Cheuk-yan bức xúc.
Công chúng phẫn nộ trước những thủ đoạn tấn công vũ lực sau khi truyền hình địa phương phát sóng hình ảnh các nhân viên cảnh sát dồn một người biểu tình vào góc tối rồi đấm đá liên tục vào người này.
Nguyên nhân vụ tấn công chưa được làm rõ. Đài truyền hình trước đó cũng công bố hình ảnh người này té nước vào cảnh sát. Người tham gia biểu tình Ken Tsang cho biết, ông bị đấm đá trong khi “đang bị trói và không có khả năng tự vệ”, sau đó ông còn bị tra tấn tại đồn cảnh sát.
Tsang là thành viên thuộc đảng chính trị ủng hộ dân chủ, ông vén chiếc áo đang mặc trên người cho phóng viên thấy những vết thương trên thân thể. Ông cũng nói đang cân nhắc để kiện các cảnh sát này ra tòa.
Phát ngôn viên cảnh sát Steve Hui thông tin, 7 nhân viên cảnh sát liên quan đến vụ việc hiện đã tạm thời bị thuyên chuyển công tác và chính quyền đang tiến hành điều tra một cách khách quan.
Cảnh sát đã bắt giữ 45 người biểu tình trong các vụ xung đột, và cho biết có 5 nhân viên bị thương. Tuy nhiên, chính quyền trung ương Trung Quốc đã lên án gay gắt cuộc biểu tình, cho đó là phi pháp, tác động xấu đến kinh tế và đi ngược lại lợi ích của Hồng Kông.
Bắc Kinh đang dần mất kiên nhẫn với phong trào dân chủ, thách thức lớn nhất kể từ khi Hương Cảng được Anh trao trả về đại lục năm 1997. Trong bài xã luận đăng trên trang nhất tờ Nhân dân Nhật báo hôm Thứ Tư (15/10), cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc chỉ trích người biểu tình và nhận định “những người này chắc chắn thất bại. Thực tế và lịch sử cho chúng ta biết loại hành động phi pháp và cực đoan theo cách này chỉ dẫn đến nhiều hoạt động phi pháp nghiêm trọng hơn, khiến tình hình càng thêm rối ren và bất ổn. Ổn định mới tạo dựng hạnh phúc, bất ổn chỉ gây phá hoại”.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh đang lên kế hoạch trực tiếp nhúng tay vào cuộc biểu tình gần như ôn hòa vốn là thách thức chưa từng có cho chính quyền.
Biểu tình diễn ra để phản đối kế hoạch của Ủy ban thân Bắc Kinh có ý định sàng lọc ứng cử viên cho cuộc bầu cử đầu tiên chọn ra Trưởng đặc khu thành phố vào năm 2017. Các nhà hoạt động cũng yêu cầu Lương Chấn Anh, lãnh đạo đương nhiệm rất mất lòng dân phải từ chức. Ông Lương, người miêu tả cuộc biểu tình là “bất kham”, nói với báo giới rằng, quan chức Hồng Kông sẵn sàng đối thoại với người biểu tình, nhưng khẳng định Bắc Kinh sẽ không thay đổi lập trường về bầu cử.
Ông Lương đã hủy phiên họp chất vấn lãnh đạo ở Hội đồng Lập pháp hôm Thứ Năm (16/10), lấy lý do để đảm bảo an ninh. Phát ngôn viên của Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon cho biết, ông không có nhận định mới nào về cuộc biểu tình này, ngoài hy vọng rằng tình hình sớm được giải quyết bằng đối thoại.
Hoạt động trấn áp qua vũ lực của cảnh sát sáng sớm Thứ Tư (15/10) diễn ra vài giờ sau khi nhiều người biểu tình phong tỏa tuyến đường hầm để mở rộng khu vực biểu tình nhằm đáp trả việc cảnh sát chặn các khu chiếm đóng và giải tán người tham gia biểu tình khỏi đại lộ chính.
Cảnh sát cho biết, người biểu tình tụ tập bất hợp pháp và gây mất trật tự công cộng, do đó cần phải giải tán, thông tin thêm, nhóm biểu tình đã sử dụng ô để tấn công người thi hành công vụ. Những chiếc ô trở thành biểu tượng của phong trào dân chủ sau khi người biểu tình dùng nó để tránh hơi cay từ cảnh sát vào tháng trước.
“Vài người chúng tôi đang ngủ trong công viên thì hơn 100 người chạy đến với đuốc cháy đùng đùng trên tay như thể họ cố làm cho chúng tôi mù. Chúng tôi không hề chuẩn bị cho tình huống tấn công dữ dằn kiểu này”, người biểu tình Simon Lam cho biết. Julie Lee nói, cô bị buộc tội chống người thi hành công vụ ngay cả khi“hai tay chỉ lên trời và mắt nhắm tịt”. Cô cho biết mình bị cảnh sát bắt lúc 3 giờ sáng khi đang ngồi bên ngoài tòa nhà văn phòng Trưởng đặc khu. Sau đó, cô thấy một nhóm khoảng 20 cảnh sát tiến lại chỗ cô, la lối như thể họ đang quẫn trí và hướng đến người biểu tình rồi quát “biến đi”.
“Chúng tôi là những người biểu tình ôn hòa và tôi muốn chứng tỏ rằng tôi không cư xử bạo lực nên đã giơ hai tay lên và nhắm mắt lại. Cảnh sát lôi tôi đi và đưa đến trung tâm giam giữ Wong Chuk Hang. Sau đó, tôi được kể là có 4 cảnh sát áp giải tôi đi, nhưng tôi không nhớ vì lúc đó quá hỗn loạn”, Julie kể lại.
Sau nỗ lực giải tán người biểu tình bằng hơi cay cách đây hai tuần, cảnh sát đã nhận được chỉ thị từng bước xóa bỏ 3 tụ điểm biểu tình bằng cách dẹp bỏ rào chắn quanh khu vực bị chiếm đóng lúc sáng sớm, thời điểm người biểu tình thưa thớt nhất.
Tuy nhiên cuộc tấn công hôm Thứ Tư (15/10) đậm chất bạo lực nhất cho tới nay, khi cảnh sát ồ ạt tấn công và kéo lê người biểu tình. Một nhân viên cảnh sát gỡ khẩu trang của người biểu tình sau đó phun hơi cay vào mặt người này, hình ảnh từ băng ghi hình đăng trên trang Nam Hoa nhật báo ghi rõ. Căng thẳng đôi bên càng gay gắt hơn kể từ thời điểm chính quyền hủy bỏ đối thoại với lý do không thấy triển vọng cho một kết quả có tính hợp tác.
Bắc Kinh nôn nóng muốn chấm dứt biểu tình để tránh kích động các nhà hoạt động cũng như những người khác ở đại lục, đối tượng được xem là mối đe dọa cho sự độc tài quyền lực của Đảng. Trương Hiểu Minh, Giám đốc Văn phòng Liên lạc của chính quyền trung ương tại Hồng Kông phát biểu trước các nhà lập pháp địa phương, phong trào biểu tình là “sự kiện chính trị, xã hội nghiêm trọng”. Ông Trương nhận định, phong trào này đang thách thức Bắc Kinh, khiến kinh tế thành phố chịu tổn thất lớn.
Cuộc vận động làm “tổn thương nền tảng pháp trị, sự phát triển dân chủ, hòa hợp xã hội, hình ảnh quốc tế và mối quan hệ của Hồng Kông với đại lục”, Trương tuyên bố, đồng thời kêu gọi chấm dứt biểu tình càng sớm càng tốt. Tuy nhiên Lam, một sinh viên biểu tình nhận định anh sẵn sàng giáp mặt với tình huống còn căng thẳng hơn khi niềm tin vào cảnh sát đã sụp đổ.
“Giờ chúng tôi cảm nhận rằng mình không tới đây để lãng phí thời gian hay chỉ ngồi yên một cách hòa bình. Chúng tôi nhận thấy cần cảnh giác hơn. Chúng tôi cần phải đoàn kết hơn để phòng thủ”, Lam cho biết.
Thiên Hà, Hàn Mai – Theo AP