Căn phòng bí mật trong Đại Kim Tự Tháp có gì?
Một robot vừa thu được những hình ảnh đầu tiên về các dấu vết trên bức tường của căn phòng nhỏ xíu trong Đại Kim Tự Tháp (Great Pyramid) ở Ai Cập sau 4.500 năm.
Điều này giúp giải đáp vấn đề được tranh cãi lâu này về thứ kim loại đầu tiên tồn tại trong kim tự tháp, và cho thấy một “cánh cửa” có thể dẫn tới một căn phòng bí mật khác. Chúng có thể là những bức tranh tường cổ do một công nhân xây dựng để lại, hoặc là những biểu tượng mang ý nghĩa tôn giáo nào đó.
Người ta tin rằng kim tự tháp này là mộ của Pharaoh Khufu, lvà là kỳ quan cuối cùng trong số 7 kỳ quan của thế giới cổ đại vẫn còn đứng vững. Nó gồm ba phòng chính: phòng Nữ hoàng (Queen’s Chamber), phòng lớn (Grand Gallery) và phòng của Vua (King’s Chamber) với những đường hầm kết nối với thế giới bên ngoài. Kỳ lạ là, có hai đường hầm với kích thước khoảng 20cmx20cm, mở ra từ bức tường phía bắc và phía nam của phòng Nữ hoàng và dừng lại ở cửa đá chứ không thông ra ngoài.
Chức năng của những đường hầm và cửa này đến nay vẫn chưa được giải thích, nhưng một số người tin rằng một hoặc cả hai loại thiết kế này có thể dẫn tới một căn hầm bí mật. Ông Zahi Hawass, Bộ trưởng các vấn đề di tích của Ai Cập, mô tả những cánh cửa này là điều bí mật cuối cùng của kim tự tháp.
Các nhà khoa học lâu nay vẫn nỗ lực khám phá những đường hầm này bằng robot. Năm 1993, một robot bò được 63m lên đường hầm ở bức tường phía Nam và khám phá ra rằng thứ trông có vẻ giống một cánh cửa bằng đá nhỏ có một số chốt bằng kim loại. Những cấu trúc khác trong kim tự tháp được biết đến cho tới nay không có chi tiết kim loại, nên khám phá này khiến nhiều người đoán rằng các mấu kim loại có thể là tay cầm của cánh cửa, hoặc là bộ phận trong hệ thống cung cấp năng lượng do người cổ đại tạo nên.
Năm 2002, một robot khác tiến hành khoan xuyên qua bức tường đá và ghi lại hình ảnh một căn phòng nhỏ được chặn bởi tảng đá lớn, nhưng không tìm thấy gì khác nữa.
Mới đây, một robot do kỹ sư Rob Richardson ở ĐH Leeds (Anh) và đồng nghiệp thiết kế bò lên theo đường hầm, mang theo một camera hình con rắn nhỏ để xem xét mọi ngóc ngách của căn phòng.
Những hình ảnh do camera này chụp lại cho thấy những bức vẽ và một số dòng kẻ trên đá bằng sơn đỏ, có thể là dấu tích để lại của những người thợ xây dựng. “Nếu những hình vẽ này được giải mã, chúng có thể giúp những nhà nghiên cứu về Ai Cập tìm ra nguyên nhân tại sao chúng được tạo nên”, Richardson nói.
“Những con số và hình vẽ bằng mực đỏ rất phổ biến ở Giza”, Peter Der Manuelian, một nhà nghiên cứu Ai Cập ở ĐH Havard và là giám đốc Bảo tàng nghệ thuật Giza ở Boston (Mỹ), nói. “Chúng thường là dấu tích của những nhóm lao động xây dựng lăng mộ, thể hiện các con số, ngày tháng hoặc tên của họ”.
Khi camera quan sát khắp các góc của căn phòng, lần đầu tiên nó xem xét được phía sau cánh cửa đá, phản bác lại những giả thuyết về những tay cầm kim loại. “Những bức ảnh mới chụp phía sau các mấu kim loại cho thấy chúng là một phần của những chiếc móc được làm rất đẹp, cho thấy có thể đó là những vật trang trí chứ không kết nối với nguồn năng lượng nào”, Shaun Whitehead, người thiết kế ra chiếc camera cho biết.
Tuy nhiên, phía sau của cánh cửa cũng được đánh bóng, chứng tỏ đây là bộ phận quan trọng. Nó trông không giống một phiến đá xù xì được dùng để chặn các mảnh vụn lọt vào đường hầm.
Theo Kate Spence, nhà nghiên cứu Ai Cập ở ĐH Cambridge, những đường hầm hẹp không phục vụ mục đích thực tế nào, và thường chỉ mang ý nghĩa biểu tượng. “Những mấu kim loại là biểu tượng của tay cầm trên cửa, đường hầm dẫn ra từ phòng nữ hoàng hướng về phía Bắc – Nam, chứ không phải Đông – Tây. Vì thế, tôi thực sự nghi ngờ rằng chức năng của chúng chỉ là biểu tượng, liên quan tới các vì sao, chứ không phải mặt trời”, Spence nói.
Trong khi phòng của vua (King’s Chamber) chứa quan tài của Khufu và có thể cả mẹ ông ấy, phòng nữ hoàng có lẽ không phải nơi đặt xác nữ hoàng, vì những người vợ của Khufu hứng thú với 3 kim tự tháp của chính họ hơn. Theo Spence, phòng nữ hoàng có thể là nơi đặt tượng “ka” của pharaoh. Nếu điều này là đúng, thì các đường hầm được xây dựng để ka, hay linh hồn của Khufu vượt qua thế giới bên kia.
Đối với cánh cửa thứ hai đằng sau căn phòng, với vẻ xù xù và chưa hoàn thành, Spence cho rằng đây có thể chỉ là điểm kết thúc của đường hầm. “Rất có thể đây là phiến đá hỗ trợ, không có căn phòng nào khác đằng sau nó, nên nó chẳng có ý nghĩa gì”.
Theo ông Hawass, không kim tự tháp nào có đường hầm và cửa giống thế này. Vì thế, ông cho rằng có thể tồn tại một căn phòng bí ẩn nào đó. “Phòng của vua có thể có một phòng giả nào khác, vì điều quan trọng nhất trong quan điểm của người Ai Cập cổ đại là phải che giấu phòng chôn cất”, ông Hawass nói.
Theo cameramienbac
Đọc thêm
>>>Atlantis – Thế giới bị lãng quên
>>>Nghi vấn về người ngoài hành tinh qua những kì quan cổ
>>>Loài hoa Ưu Đàm huyền thoại