Phát hiện hố đen ‘quái vật’ gần Trái Đất nhất, gấp 12 lần mặt trời
Một hố đen lớn gấp 12 lần Mặt Trời vừa được các nhà thiên văn học phát hiện, nó đang lặng lẽ ẩn mình cách trái đất 1.550 năm ánh sáng.
Hố đen rất khó phát hiện giữa nền đen như mực của vũ trụ, chúng là vật thể tối đến mức ánh sáng không thể thoát ra. Chúng chỉ được biết tới qua chớp sáng phát ra khi hút bụi và khí, nuốt chửng sao hoặc va chạm với nhau.
Một nhóm nhà thiên văn học muốn tìm hiểu xem có bao nhiêu hố đen đang ẩn mình trong vũ trụ, nên đã kiểm tra dữ liệu của gần 200.000 hệ sao nhị phân.
Theo tiến sĩ Sukanya Chakrabarti, trưởng nhóm nghiên cứu, những ứng cử viên hứa hẹn nhất được nghiên cứu sâu hơn thông qua đo quang phổ ánh sáng của ngôi sao, sử dụng một loạt thiết bị bao gồm Đài quan sát Keck ở Hawaii và Kính viễn vọng Magellan khổng lồ ở Chile.
Nếu có một hố đen ở đó, nhóm nghiên cứu có thể phát hiện nó qua tác động của lực hấp dẫn của hố đen tới quang phổ ánh sáng của ngôi sao trên quỹ đạo.
Sử dụng phương pháp này, họ đặc biệt chú ý tới một ngôi sao khả kiến với khối lượng nhỏ hơn Mặt Trời và quay quanh vật thể lớn gấp 12 lần Mặt Trời. Ngôi sao hoàn thành một vòng quỹ đạo sau 185 ngày.
“Lực hút của hố đen lên ngôi sao khả kiến có thể được xác định từ kết quả đo phổ học”, tiến sĩ Sukanya Chakrabarti nói và cho biết thông qua phân tích tốc độ của ngôi sao, họ có thể suy đoán độ lớn của hố đen đồng hành và thời gian quay quanh quỹ đạo.
Nhóm nghiên cứu tính toán hố đen ở cách Trái Đất 1.550 năm ánh sáng.
Hiện nay có một vật thể ở hệ sao V Puppis chỉ cách Trái Đất 960 năm ánh sáng nhưng vẫn chưa được xác nhận là hố đen.
Tiến sĩ Chakrabarti và cộng sự đã gửi kết quả nghiên cứu cho tạp chí Astrophysical Journal.
Theo New Atlas