Nghệ An: Quần áo cũ đưa lên vùng lũ quét đổ đống ‘không ai lấy’, huyện nói gì?
Mạng xã hội đang lan truyền bài viết chia sẻ về hình ảnh và câu chuyện của một đoàn thiện nguyện gửi hàng cứu trợ lên huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), nơi vừa chịu thiệt hại nặng nề bởi đợt lũ quét vừa qua, nhưng ‘bị người dân từ chối, không nhận’.
Theo đó, bài đăng chia sẻ những hình ảnh chụp rất nhiều quần áo đủ màu sắc, kích cỡ bị gom đổ một đống bên lề đường, kèm theo nội dung: “Thiện nguyện kịp thời đúng thời gian, đúng người, đúng chỗ mới ý nghĩa. Và người cần họ nhận được họ mới tôn trọng tấm lòng và công sức của người thiện nguyện. Hình ảnh dưới đây là quần áo được đưa lên huyện Kỳ Sơn tấp một đống, không ai lấy cả vì ở đây họ không cần”.
Ngay sau khi đăng tải, bài viết trên đã nhận được rất nhiều bình luận trái chiều của người đọc. Tài khoản Hoàng Tuyết cảm thán: “Buồn thật! Nghĩ mà thương cho những người đi thiện nguyện. Bỏ bao nhiêu thời gian và công sức, để rồi nhận lại cái cảnh này đây”.
“Mình thấy ở quê nhiều chỗ vùng sâu, vùng xa bà con vẫn thiếu quần áo mặc mà. Tiếc quá. Người ta đi gom vận động mới có đó. Đó là tấm lòng của người ta”, bạn Kha Thoong chia sẻ.
Trong khi đó, tài khoản Trúc Mai chỉ ra nguyên nhân khác: “Đến không đúng nơi mà. Có nhiều chỗ ở đường đi khó nên họ cũng chỉ lấy 2 – 3 cái, những cái còn đẹp. Ai mà lấy hết. Mà đa số toàn đồ cũ, có những cái giãn ra hết vẫn đem đi sẽ không ai lấy, nên lúc mọi người đem quần áo đi giúp đỡ thì nên lựa những cái không cũ quá. Thứ cần nhất vẫn là tiền và lương thực”.
Xác nhận sự việc trên với báo Tuổi Trẻ vào chiều ngày 10/10, bà Vi Thị Quyên – phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn – cho biết, hình ảnh quần áo của đoàn thiện nguyện gửi lên bị vứt bỏ bên đường như mạng xã hội đăng tải là có thật ở một số vùng bị lũ quét vừa qua.
Tuy nhiên, trường hợp quần áo đưa tới vùng lũ người dân không nhận có lẽ là vì đoàn thiện nguyện đúng là đã chọn nơi làm tình nguyện chưa phù hợp. Vì nhiều nơi giao thông không thuận tiện, chưa kịp khắc phục hậu quả sau lũ nên bà con có thể chỉ cần lấy vài ba cái để mặc tạm.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng với bà con vùng lũ lúc này, thứ quan trọng nhất vẫn là tiền và lương thực còn quần áo chỉ là thứ mặc bên ngoài nên chưa thật sự cần thiết.
Bà Quyên cũng khẳng định, với huyện nghèo biên giới Kỳ Sơn lúc này, mọi sự giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức bằng tiền mặt hay hiện vật để giúp bà con khắc phục thiệt hại do mưa lũ đều rất quý giá, trân trọng.
Theo báo Nghệ An, tính đến hết ngày 9/10 vừa qua đã có 146 tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ địa phương bị ảnh hưởng bởi trận lũ ống, lũ quét lịch sử xảy ra vào rạng sáng 2/10. Tổng số tiền mặt và hàng chục tấn hàng các loại quy đổi ra tiền là hơn 29 tỷ đồng.
Do số lượng hàng hóa khá nhiều nên huyện sẽ có kế hoạch sử dụng một cách hợp lý. Một phần sẽ chuyển đến tận các bản và toàn bộ người dân bị ảnh hưởng của trận lũ quét. Một phần huyện dự trữ tại kho, đề phòng khi có thiên tai xảy ra đột xuất sẽ cứu trợ kịp thời cho người dân.
“Trường hợp không có thiên tai, huyện sẽ tiếp tục cấp phát cho bà con vùng bị thiệt hại sử dụng. Đối với số tiền hỗ trợ, huyện sẽ khảo sát tình hình mức độ thiệt hại của từng gia đình để đưa ra mức hỗ trợ hợp lý”, bà Quyên cho biết.
Xuân Hạ (t/h)