Mỹ nghi từng “thấy khủng bố” ở VN
Các cuộc tấn công bằng máy bay bị 19 không tặc nhắm vào Tòa Tháp đôi ở New York và trụ sở Bộ Quốc phòng tại Washington hôm 11/9/2001 đã khiến Hoa Kỳ mở ‘cuộc chiến chống khủng bố’ toàn diện và họ cũng tăng cường thu thập tin tức.
Nhân kỷ niệm 10 năm các cuộc tấn công khiến hơn 3000 người thiệt mạng, BBC lược dịch trích đoạn một số điện tín mà Đại sứ quán Hoa Kỳ gửi đi từ Hà Nội kể từ ngày diễn ra thảm họa.
Các điện tín này liên quan tới cộng đồng Hồi giáo và “cuộc chiến chống khủng bố.”
Tất cả các chữ “khủng bố” đều là từ của Đại sứ quán dùng. BBC có chính sách không dùng từ này vì “kẻ khủng bố” đối với một số người lại là “người tử vì đạo” hoặc “liệt sỹ” đối với nhiều người khác.
1. Hà Nội ngày 12/10/2001: “Cộng đồng Hồi giáo ở Hà Nội dè dặt về những sự kiện gần đây”
Điện tín nói cộng đồng Hồi giáo người Việt Nam ở Hà Nội rất nhỏ, chỉ vài chục người và chỉ có một đền thờ Hồi giáo duy nhất tại thủ đô. Người quản lý đền thờ nói họ tránh các đề tài chính trị và vì thế không đề cập tới “khủng bố” hay phản ứng quốc tế đối với vấn đề này.
Ông cũng nói người Hồi giáo ở Hà Nội có nghĩ tới chuyện gửi lời chia buồn tới các nạn nhân vụ 11/9 nhưng không biết gửi cho ai.
Tùy viên chính trị của Đại sứ quán đã tới đền thờ vào ngày 12/10, sau buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu với khoảng 100 người tham gia, chủ yếu là các nhà ngoại giao và doanh gia, trong đó có người Iran và Iraq.
Có khoảng bốn hay năm người Afghanistan tham gia. Những người này đang ở Hà Nội để dạy trẻ em Hồi giáo các môn như tiếng Arab tại một trường đặc biệt ở Đại sứ quán Libya.
Khi Tham tán Chính trị gặp quan chức quản lý đại sứ quán nước ngoài của Bộ Công an, họ không biết về chuyện có người Afghanistan ở Việt Nam.
Người quản lý đền thờ duy nhất tại Hà Nội nói không có ai trong số người Hồi giáo Việt Nam ở Hà Nội từng tham gia hành hương tới Mecca, chủ yếu do không đủ tiền đi.
Người này nói khoảng 100 người Hồi giáo từ thành phố Hồ Chí Minh, nơi có cộng đồng người Hồi giáo lớn hơn, tham gia cuộc hành hương này mỗi năm.
2. Hà Nội ngày 15/11/2001: “Công an xuất bản sách chống lại Bin Laden”
Đại sứ quán nhận được một cuốn sách của Nhà xuất bản Công an Nhân dân, được in trong khoảng thời gian kể từ ngày 11/9, với tựa đề “Cuộc đời trùm khủng bố Osama Bin Laden (Nhiều bí mật)”.
Sách bao gồm cả ảnh của các nghi phạm khủng bố có liên quan tới các vụ không tặc 11/9, lời kể về cuộc sống và hoạt động của Bin Laden từ năm 1979.
“Đây là điều đáng chú ý vì bộ máy an ninh đã xuất bản sách với cách viết thẳng thắn và chỉ trích Bin Laden và vai trò của ông ta trong khủng bố quốc tế.“
Đây là điều đáng chú ý vì bộ máy an ninh đã xuất bản sách với cách viết thẳng thắn và chỉ trích Bin Laden và vai trò của ông ta trong khủng bố quốc tế.
Động thái này có ích trong việc thông báo với người dân Việt Nam về kiểu khủng bố này.
Đại sứ quán không có đủ nhân lực để dịch toàn bộ cuốn sách nhưng sẽ chuyển một cuốn tới Bộ Ngoại giao nếu có yêu cầu.
3. Hà Nội ngày 15/11/2001. “Tùy viên đối ngoại bàn về cách báo chí đưa tin về chiến dịch chống khủng bố với quan chức phụ trách báo chí cao cấp của Đảng Cộng sản”
Tùy viên đối ngoại ở Hà Nội đã nói chuyện với Tiến sỹ Vũ Duy Thông, Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương về cách truyền thông Việt Nam đưa tin sau 11/9.
Không khí của cuộc gặp là dễ chịu.
Tùy viên nói Hoa Kỳ đánh giá cao các động thái của Việt Nam nhằm ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố, trong đó có việc tăng cường an ninh cho đại sứ quán, đối chiếu danh sách nghi phạm khủng bố tại cửa khẩu và chỉ thị cho các ngân hàng điều tra tài sản của các tổ chức khủng bố.
Cùng lúc Hoa Kỳ lo ngại truyền thông Việt Nam khi dẫn nguồn từ các hãng thông tấn hay truyền hình nước ngoài đã quá chú ý tới các thương vong cho dân thường dựa vào tuyên bố của Taliban, nhất là trong các tít báo và các cuộc biểu tình nhỏ ở một số nước phản đối hành động của liên quân được xem như đại diện cho số đông.
Tùy viên đề nghị truyền thông Việt Nam đưa ra bức tranh cân bằng hơn và để ý tới việc Hoa Kỳ và đối tác cố gắng để tránh thương vong cho dân thường chừng nào có thể, khác với al-Qaeda, nhóm cố tình tấn công dân thường.
Tiến sỹ Thông nói theo luật báo chí Việt Nam, truyền thông nằm dưới sự quản lý của nhà nước nhưng “tự do”; mỗi tổng biên tập có thể quyết định đưa tin gì và như thế nào.
Ông nói Việt Nam không có phóng viên tại Afghanistan xa lạ và phải dựa vào các hãng thông tấn, CNN và các nguồn nước ngoài khác.
Người Việt Nam coi trọng tính mạng con người và đã từng chịu nhiều đau khổ trong chiến tranh.
Người Việt Nam ủng hộ việc chống khủng bố nhưng muốn làm như vậy mà không dẫn tới thương vong hay nạn đói cho dân thường.
Ông nói Việt Nam cũng là nạn nhân của khủng bố và nhắc tới các sự cố gần đây trong đó người gốc Việt đặt bom ở đại sứ quán Việt Nam ở Đông Nam Á (không gây ra thương vong).
Tùy viên giải thích cuộc chiến chống khủng bố không phải bắt đầu từ 11/9 mà từ vụ đánh bom World Trade Center hồi năm 1993. Hoa Kỳ đã cố gắng không dùng các biện pháp quân sự.
Nhưng khi al-Qaeda tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt và gây ra các cuộc tấn công trong tháng Chín vào Hoa Kỳ, thế giới không có cách nào khác là tấn công lại nếu không muốn chịu những tội ác tồi tệ hơn.
Tùy viên đề nghị báo chí Việt Nam không chấp nhận hoàn toàn những tuyên bố về con số thương vong mà Taliban đưa ra và cần nêu rõ chính sách mà Hoa Kỳ đã luôn lặp lại là không nhắm vào dân thường.
Trong thế giới truyền thông bị kiểm soát về tư tưởng ở Việt Nam, Tiến sỹ Thông, nhân viên và các cấp trên của ông là những người gác cổng. Khi ông nói, các tổng biên tập sẽ nghe.
Phần cuối điện tín có đoạn ghi chú nói ông Thông trông khoảng 50 tuổi, nói rằng ông đã học ở Nga ba năm nhưng không đáp lại bằng tiếng Nga khi người của sứ quán nói bằng ngôn ngữ này. Ông cũng nói ông có vài năm ở Trung Quốc. Vốn tiếng Anh của ông không có mấy.
4. Hà Nội ngày 21/12/2001. “Thảo luận về khủng bố ở đông bắc Việt Nam”
Trong khi đi thăm chính thức hai tỉnh đông bắc Việt Nam, Hải Dương và Quảng Ninh, Tham tán Chính trị phân phát các tài liệu mà bộ phận đối ngoại in ấn như “Phản ứng trước khủng bố” hoặc “Mạng lưới khủng bố”.
Phó chủ tịch của cả hai tỉnh đều lên án khủng bố và nói “nếu các nhóm khủng bố tiếp tục hoạt động, sẽ không bao giờ có hòa bình.”
Phó chủ tịch Quảng Ninh bày tỏ lo ngại về việc cuộc chiến chống khủng bố có thể bị lợi dụng để thực hiện những mục tiêu không liên quan tới chống khủng bố và dẫn ra ví dụ về những gì dân thường Việt Nam phải chịu đựng trong chiến tranh.
“Mặc dù đại sứ quán thất vọng về những cách đưa tin đôi khi không công bằng của truyền thông Việt Nam, có vẻ như ngay ở các tỉnh người Việt Nam có được thông điệp rằng chiến dịch quân sự là chính đáng và cần thiết.“
Tham tán Chính trị nhấn mạnh các nỗ lực phối hợp của cộng đồng quốc tế để giảm thiểu thiệt hại hay thương vong cũng như trợ giúp nhân đạo.
Mặc dù đại sứ quán thất vọng về những cách đưa tin đôi khi không công bằng của truyền thông Việt Nam, có vẻ như ngay ở các tỉnh người Việt Nam có được thông điệp rằng chiến dịch quân sự là chính đáng và cần thiết.
Các tài liệu do phía đối ngoại in ấn sẽ giúp tăng cường hiểu biết về tình hình hiện nay và vai trò dẫn dắt của Hoa Kỳ.
5. Hà Nội 4/6/2004. “Có thể đã phát hiện khủng bố ở thành phố Hồ Chí Minh”
Tối ngày 1/6 hai công dân Mỹ quan sát một nhân vật trong hộp đêm ở thành phố Hồ Chí Minh và cho rằng đó là Fahid Mohhamed Ally MSALAM (SUBJECT1).
SUBJECT1 có tên trong danh sách Khủng bố bị Truy nã của FBI. Mặc dù tùy viên an ninh sứ quán tại Hà Nội đã cố gắng liên hệ ở mức quốc gia nhưng nhân viên Bộ Công an ở thành phố Hồ Chí Minh mãi tới 6h chiều 4/6 mới gặp tùy viên an ninh ở thành phố này.
Tuy nhiên lãnh sự quán ở thành phố Hồ Chí Minh đã liên hệ với Bộ Công an và được thông báo họ đã có những thông tin cần thiết và đang điều tra.
(Ghi chú: Các nhân viên Bộ Công an ở thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên không thể hoặc miễn cưỡng gặp tùy viên an ninh ở thành phố Hồ Chí Minh vì họ cần sự đồng ý của Hà Nội.)
Tùy viên an ninh ở thành phố Hồ Chí Minh đã gặp đại diện Quân khu 7 của Bộ Quốc phòng (đơn vị chịu trách nhiệm chống khủng bố và bảo vệ biên giới miền nam) và được cung cấp thêm thông tin.
Chuyên gia về an ninh và điều tra của Quân khu 7, ông Thanh, nói ông nhận ra ảnh của SUBJECT1. Ông cho thấy ông đã nhìn thấy SUBJECT1 hồi tháng Ba năm 2004 tại một khu chợ cho người nước ngoài và trung đông ở ngoại ô Phnong Penh, Cam Pu Chia. Khi đó ông Thanh đang đi công tác ở Cam Pu Chia.
“Tùy viên an ninh được cảnh sát thành phố Hồ Chí Minh nói là tình hình ở đây rất an toàn trong khi Quân khu 7 tin rằng có những điểm yếu và tình hình không hoàn toàn an toàn.“
Hai chuyên gia khác, ông Cường và một người tên Thanh khác cũng nói họ đã nhìn thấy SUBJECT1 ở Cam Pu Chia.
Tùy viên an ninh cũng đưa cho ông Thanh xem hình của tất cả các nhân vật khủng bố đang bị truy nã in từ Bấm trang web của FBI. Ông Thanh nói ông đã nhìn thấy hai nhân vật khác ở thành phố Hồ Chí Minh.
Đó là Saif Al-DEL (SUBJECT 2) và Ahmed Khalfan GHAILANI (SUBJECT 3).
Ông Thanh nói ông thấy SUBJECT 2 hai lần tại Cà phê Carmen trên đường Lý Tự Trọng tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông Cường đồng ý.
(Ghi chú: Đây là quán cà phê/hộp đêm nổi tiếng với người Việt Nam và nước ngoài – bao gồm cả nhân viên của Lãnh sự quán.)
Ông Thanh không nhớ ông thấy SUBJECT 3 khi nào, ông chỉ nhớ là gần đây và ở Việt Nam. Ông nói Quân khu 7 sẽ tích cực tìm kiếm các nhân vật này.
Tùy viên an ninh được cảnh sát thành phố Hồ Chí Minh nói là tình hình ở đây rất an toàn trong khi Quân khu 7 tin rằng có những điểm yếu và tình hình không hoàn toàn an toàn.
6. Hà Nội 17/09/2004. “Chính phủ Việt Nam: Khủng bố ở đây là người Việt lưu vong”
Các quan chức chống khủng bố của Bộ Công an đang theo dõi chặt những người Hồi giáo Việt Nam. Họ không cho rằng có đe dọa nhưng để ý thấy mối liên hệ giữa người Hồi giáo Việt Nam và các nhóm Hồi giáo quốc tế đã gia tăng.
Chính phủ Việt Nam đánh giá cao sự trợ giúp của Hoa Kỳ trong lĩnh vực chống khủng bố nhưng muốn có trợ giúp trong việc chống lại điều mà họ coi là đe dọa từ các nhóm lưu vong người Việt Nam ở Hoa Kỳ.
Trong cuộc gặp với quan chức của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Frank Jannuzi hôm 1/9, ông Trần Kim Tuyến, Phó Cục trưởng Cục chống khủng bố thuộc Tổng cục an ninh nói Việt Nam chưa phát hiện các tổ chức khủng bố ở trong nước và chưa bị tấn công khủng bố.
Tuy nhiên ông nói sự hiện diện của Đại sứ quán Hoa Kỳ và những “mục tiêu khủng bố khác” khiến Việt Nam không thể loại trừ khả năng có cuộc tấn công trên đất Việt Nam.
Ông Tuyến cũng nhắc tới sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo tại các vùng khác của Đông Nam Á trong đó có Thái Lan và Cam Pu Chia và nói nó có thể tới Việt Nam vào một thời điểm nào đó.
Ông nói Indonesia đã cung cấp tên của 400 nghi phạm Jemiya Islaiyah/al-Qaeda và Bộ Công an phát hiện bẩy người đã vào Việt Nam. Ông Tuyến không nói Việt Nam đã sử dụng các thông tin được cung cấp như thế nào và kết quả của bất cứ cuộc điều tra nào, nếu có, ra sao.
Cộng đồng Hồi giáo 65.000 người ở Việt Nam là một yếu tố khác trong việc cân nhắc mối đe dọa khủng bố, ông Tuyến nói.
Ông cho biết Việt Nam không có các trường Hồi giáo Madrassas nhưng Cam Pu Chia có một số.
Từ thông tin được Hoa Kỳ cung cấp, ông nói Bộ Công an đã xác định được một nghi phạm nhận hơn 600.000 đô la Mỹ từ một tổ chức Hồi giáo Saudi.
Bộ Công an đang kiểm tra để đảm bảo số tiền này được dùng để xây đền thờ và cũng đang điều tra xem có phần tiền nào được dùng cho các hoạt động khủng bố không.
““Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam” và “Chính phủ Việt Nam Tự do” là hai tổ chức đã gửi tiền, người và vũ khí vào Việt Nam với mục tiêu gây bất ổn và lật đổ chế độ.“
Trần Kim Tuyến, Phó Cục trưởng Cục chống khủng bố
Ông Tuyến cũng nói Việt Nam đang xem xét nghiêm túc phân tích của một chuyên gia quốc tế rằng khủng bố muốn sử dụng Việt Nam và Trung Quốc làm “sân sau” cho các hoạt động khủng bố ở những nơi khác, chẳng hạn để làm giấy tờ giả.
Ông Tuyến nhắc ông Jannuzi rằng mối đe dọa khủng bố Hồi giáo ở Việt Nam là thấp trong khi đe dọa từ “các nhóm người Việt hải ngoại cực đoan” lớn hơn.
Ông nói “Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam” và “Chính phủ Việt Nam Tự do” là hai tổ chức đã gửi tiền, người và vũ khí vào Việt Nam với mục tiêu gây bất ổn và lật đổ chế độ.
Các tổ chức này đã ủng hộ hay tiến hành các cuộc tấn công ở bên trong Việt Nam và đối với cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, cụ thể là ở Manila và Bangkok.
Ông Tuyến nói “hàng chục” thành viên của các tổ chức này đã bị bắt với thuốc nổ và “các thiết bị khủng bố khác”.
Ông nói các nhóm “khủng bố” này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Việt Nam và ông “không hiểu tại sao họ lại được phép hoạt động ở Hoa Kỳ trong bối cảnh hiện nay.”