Hơn một vạn lao động Trung Quốc sẽ đến Việt Nam
Sắp tới sẽ có hơn một vạn lao động Trung Quốc vào làm việc cho tập đoàn Formosa ở khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Báo VietnamNet đưa tin trong hai tháng Sáu và Bảy năm nay, có hơn 30 nhà thầu đang thi công các gói thầu dự án của Formosa xin phép được tuyển dụng số lượng gần 11.000 lao động nước ngoài để phục vụ dự án.
Tờ báo này cũng dẫn nguồn giấu tên nói “trên 90% trong tổng số gần 11.000 lao động tuyển dụng mới mang quốc tịch Trung Quốc”.
Một trong các lý do sử dụng nhiều lao động Trung Quốc là vì đại đa số các nhà thầu là công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà thầu là công ty Việt Nam cũng đặt vấn đề xin tuyển lao động nước ngoài.
Một lý do khác khiến các nhà thầu xin tuyển dụng lao động số lượng lớn được giải thích là vì các gói thầu đang trong giai đoạn gấp rút thi công, lại thiếu lao động sau đợt biểu tình chống Trung Quốc hồi trung tuần tháng Năm.
Làn sóng biểu tình dẫn tới bạo động ở khu công nghiệp Vũng Áng đã khiến hàng nghìn công nhân Trung Quốc rút về nước.
Theo VietnamNet, “trong số hơn một vạn lao động nước ngoài sắp tới, có khoảng 6.000-7.000 sẽ ở trong Dự án Formosa, số còn lại sẽ ở tại các điểm tập trung bên ngoài dự án”.
Lao động Trung Quốc gồm những ai?
Cũng báo này cho hay con số gần 11.000 lao động sắp đến làm việc tại Formosa chủ yếu là chuyên gia, cán bộ quản lý, giám sát, lao động kỹ thuật… họ sẽ làm việc trong thời hạn cụ thể theo gói thầu.
Tuy nhiên dư luận cũng đặt ra câu hỏi liệu có phải thực sự nhà thầu không thể tuyển lao động Việt Nam thay thế?
Một số nhà thầu cho hay họ cần sử dụng “các chuyên gia có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có kinh nghiệm, thành thạo công việc và ngoại ngữ”, do vậy tuy đã thông báo rộng rãi nhiều tháng vẫn không tuyển được người Việt Nam.
Giới chức tỉnh Hà Tĩnh cũng tỏ cam kết sẽ cải thiện công việc quản lý lao động nước ngoài, nhất là lao động Trung Quốc, để không xảy ra các sự cố như hồi tháng Năm.
Phía Việt Nam vừa chính thức “lấy làm tiếc về vụ việc xảy ra đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp và công nhân Trung Quốc trong tháng Năm vừa qua, đồng thời lấy làm buồn về việc một số công nhân Trung Quốc bị thiệt mạng, bị thương trong vụ việc này”.
Nhiều cơ sở của nước ngoài ở Bình Dương và Hà Tĩnh đã bị đập phá
Việt Nam hứa sẽ có hình thức hỗ trợ nhân đạo đối với công nhân Trung Quốc bị nạnvà cử đoàn sang Trung Quốc thăm hỏi một số gia đình đại diện cho những người bị nạn.
Một thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay: “Việt Nam đã và đang tiếp tục điều tra vụ việc một cách nghiêm túc và xử lý nghiêm những người gây rối vi phạm pháp luật; đồng thời áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn cho công nhân, doanh nghiệp Trung Quốc và các nước tại Việt Nam”.
Cải thiện quan hệ
Ông Lê Hồng Anh (Phải) gặp gỡ ông Tập Cận Bình (Trái) ở Bắc Kinh trong chuyến công tác hai ngày 26/8-27/8.
Nói về chuyến đi đặc biệt theo lời mời của Trung ương Đảng CS Trung Quốc, Tiến sỹ Jonathan London, một nhà nghiên cứu về Việt Nam tại Hong Kong, nhận định: “Chuyến đi cho Hà Nội một cơ hội quan trọng để giảm căng thẳng và hàn gắn quan hệ đã bị sứt mẻ đôi chút giữa hai bên”.
“Mong muốn giữ quan hệ tốt với Bắc Kinh của Hà Nội đã thể hiện rõ ràng qua một số đề nghị tiếp xúc [mà Việt Nam đưa ra] từ tháng Năm tới nay.”
Theo ông Jonathan, lời mời của Trung Quốc tới lãnh đạo Việt Nam nhằm thảo luận việc bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể bị xem như cú giáng cho những người Việt Nam nào còn giận dữ trước cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông.
Nhưng Việt Nam đặc biệt có lợi từ quan hệ tốt với Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực kinh tế vì Trung Quốc là bạn hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Tiến sỹ Jonathan London cho rằng cần theo dõi để xem chuyến đi của ông Lê Hồng Anh sẽ ảnh hưởng thế nào tới chiến lược tương lai của Việt Nam, cũng như các toan tính và quyết định của giới lãnh đạo Việt Nam trong đối xử với Trung Quốc trước mắt và về trung hạn.
Theo BBC