Vua Gia Long bị nước Anh đòi nợ

19/08/11, 13:39 Cuộc sống

Trong thời gian ở ngôi, biết rõ sức mạnh vượt trội của vũ khí Tây phương nên vua Gia Long nhiều lần sai người đi mua sắm tàu đồng, súng đạn đem về trang bị cho quân lính và thậm chí lấy làm mẫu chế tạo theo.

Lê Long Đĩnh cho lập ụ bia ghi khoảng cách   

Bị sử sách lên án là hoàng đế hoang dâm, hiếu sát, bạo tàn và gán cho biệt danh xấu là “Ngọa Triều” nhưng chỉ trong 4 năm làm vua ngắn ngủi (1005 – 1009), vị hoàng đế thứ 3 cũng là vị hoàng đế cuối cùng của nhà Tiền Lê đã làm được nhiều trong việc đổi mới đất nước, như chấm dứt tình trạng cát cứ, cho đào sông khơi kênh phát triển nông nghiệp và giao thương, đổi mới hệ thống triều nghi, khuyến khích sự phát triển của Phật giáo…

Tượng vua Lê Long Đĩnh
Tượng vua Lê Long Đĩnh

Ngoài những vấn đề lớn còn có những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt không đáng lưu tâm nhưng thực chất lại có ý nghĩa rất thiết thực. Nếu như ngày nay trên các tuyến đường quan trọng đều có cắm các cột mốc chỉ dẫn khoảng cách để người đi đường biết mình còn cách địa điểm phía trước bao nhiêu km, thì hơn 1000 năm trước, vua Lê Long Đĩnh đã cho làm việc này. Chính sử chỉ ghi chép rất ngắn gọn là vào năm Kỷ Dậu (1009), vua chấp thuận theo đề nghị của đô đốc Kiển Hành Hiến cho đào kênh, đắp đường và lập ụ bia để ghi số dặm đường ở nhiều nơi tại châu Ái (Thanh Hóa ngày nay).

Tuy chỉ áp dụng tại một địa phương, chưa tiến hành trên khắp cả nước nhưng điều đó phần nào đem lại sự thuận tiện nhất định trong giao thông cho người dân châu Ái.

Vị hoàng đế xây dựng nhiều hành cung nhất

Hành cung là nơi ở của vua và các tùy tùng khi vua xuất cung đi tuần thú, đánh trận… Vì là người ưa thích du ngoạn, thích thăm thú nên Lý Cao Tông, vị hoàng đế thứ 7 của nhà Lý thường hay đi chơi khắp nơi trong nước, lên phía Bắc thăm Sơn lăng, xuống phía Nam săn voi nhưng không phải để cổ vũ tinh thần thượng võ mà để thỏa mãn sự hiếu kỳ của mình. Đi đến đâu ông cũng trực tiếp phong hiệu và sai lập nhiều miếu thờ, sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, tháng 3 năm Kỷ Dậu (1189) “vua ngự khắp núi sông, phàm ngự đến đâu mà có thần linh đều ban hiệu và lập miếu thờ”.

Chính để thỏa mãn sở thích của mình, Lý Cao Tông đã trở thành vị vua cho xây dựng nhiều hành cung nhất trong lịch sử; vào tháng 3 năm Đinh Tị (1197) vua cho “xây cung Nghênh Thiềm và hành cung hơn 100 nơi” (Đại Việt sử lược). Đây cũng là một trong những lý do khiến triều chính nhà Lý đổ nát, dần đi đến suy vong khi mà một vị vua “xây dựng không ngớt, ngao du không chừng mực, hàng ngày cùng cung nữ dạo chơi làm vui, nghe ngoài thành có trộm cướp giả cách không biết” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Lê Thánh Tông, phải làm thơ mới được… làm vua   

Ngày mồng 3 tháng 10 năm Kỷ Mão (1459) vua Lê Nhân Tông bị anh là Lê Nghi Dân sai người vào cung giết chết để cướp ngôi. Làm vua được 8 tháng, vì “tin dùng bọn gian nịnh, giết hại bề tôi cũ, pháp chế của tổ tông đổi thay hết thảy, người oán trời giận” (Đại Việt sử ký toàn thư) nên các đại thần đứng đầu là Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã đem quân phế truất Lê Nghi Dân rồi cho người đi rước Gia Vương Lê Tư Thành (tức Lê Thánh Tông) lên ngôi.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết vào ngày mồng 6 tháng 6 năm Canh Thìn (1460) “các đại thần là bọn Nguyễn Xí, Đinh Liệt xướng nghĩa diệt bọn phản nghịch Đồn, Ban. Giáng Nghi Dân xuống tước hầu”. Sau khi “giết xong bọn phản nghịch, các đại thần cùng bàn với nhau rằng: Ngôi trời khó khăn, thần khí rất trọng, nếu không phải là bậc đại đức, thì sao có thể kham nổi. Nay Gia Vương thiên tư sáng suốt, hùng tài đại lược, hơn hẳn mọi người, các vương không ai so được, lòng người đều theo, đã biết ý trời đã quyết.

Ngay ngày hôm ấy đem xe kiệu đến đón vua ở Gia Để (có sách chép là Tây Để)”.

 
Chính sử chép ngắn gọn như vậy nhưng theo dã sử, khi các quan đến gặp Gia vương, để thử tài xem trình độ và tư cách của vị vua tương lai, họ đã bảo ông vịnh con cóc dưới gầm giường. Lê Tư Thành đọc luôn bài thơ:
 
“Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi
Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi
Tắc lưỡi năm ba con kiến gió
Nghiến răng chuyển động bốn phương trời”.
 
Nghe xong mọi người đều bái phục khẩu khí này, cùng nhau quỳ lạy rước ông lên kiệu về cung làm lễ lên ngôi Hoàng đế.

Vua Gia Long bị nước Anh… đòi nợ

Trong thời gian tranh hùng với nhà Tây Sơn, chúa Nguyễn Phúc Ánh nhiều lần nhờ cậy đến sự giúp đỡ của nước ngoài, trong đó có sự hỗ trợ của Tây phương đối với các hoạt động huấn luyện quân sự, mua sắm vũ khí…

Ngày 2 tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), sau khi đánh thắng Tây Sơn và chiếm được toàn cõi, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long. Trong thời gian ở ngôi, biết rõ sức mạnh vượt trội của vũ khí Tây phương nên vua nhiều lần sai người đi mua sắm tàu đồng, súng đạn đem về trang bị cho quân lính và thậm chí lấy làm mẫu chế tạo theo.

Điều thú vị là chính trong những lần giao dịch đó, có năm suýt nữa triều đình Huế phải trả tiền lần thứ 2 cho một “hợp đồng mua bán vũ khí” với người phương Tây. Sử nhà Nguyễn cho biết vào tháng 6 năm Canh Thân (1812) tàu của nước Hồng Mao (Anh) đến đòi vua trả tiền mua súng đạn năm trước. Gia Long liền sai quan Tàu vụ đưa ra sổ sách ghi chép rõ việc đã trả đủ tiền, đuối lý nên thuyền trưởng con tàu này đã ra lệnh nhổ neo bỏ đi.

Đồng Khánh và lá cờ bảo hộ nhục nhã   

Đến thời Đồng Khánh lên ngôi thì chủ quyền quốc gia của nước Đại Nam đã hoàn toàn bị tước đoạt, quyền lực của hoàng đế chỉ là hư vị, bản thân vua Nguyễn chỉ là bù nhìn. Chính vì được Pháp dựng lên, do đó ngay sau khi đăng quang, Đồng Khánh đã gửi quốc thư sang Pháp cảm ơn với lời lẽ xưng tụng thái quá, nào là “nhờ có oai linh ân sủng bảo hộ của quý quốc khiến tệ quốc chúng tôi bảo tồn được tôn xã sau cơn suy vong, ơn huệ ấy thực là to lớn”, nào là “sông núi, cỏ cây nước Đại Nam lại có được ngày nay đều nhờ có công của quý quốc”, “những mong quý quốc che chở, giúp đỡ để cùng hưởng phúc hòa bình”… (Đồng Khánh chính yếu).

Sự thần phục, chấp nhận nền đô hộ của Pháp còn được vua Đồng Khánh thể hiện bằng việc cho làm lá cờ bảo hộ để treo khắp nơi, nhất là vào những ngày lễ lớn. Một số tài liệu cho rằng lá cờ của chế độ bảo hộ Pháp được sử dụng từ năm 1923 đến ngày 9 tháng 3 1945 nhưng thực ra vào tháng 11 năm Ất Dậu (1885) vua Đồng Khánh đã sai làm 8 lá cờ “Bảo hộ” và ra lệnh cho Viện Cơ mật, Ty Hành nhân cùng sáu Bộ (Lại, Hộ, Hình, Lễ, Binh, Công) phải treo cờ này trong các ngày lễ Tết như: Tết Nguyên đán, ngày Quốc khánh Pháp (14 tháng 7 dương lịch), v.v…

Lá cờ bảo hộ có nền vàng, ở góc trái trên cao là hình quốc kỳ Pháp, sách Đại Nam thực lục Chính biên mô tả như sau: “Mẫu cờ (chia làm 4 phần): 3 phần dùng sắc vàng, trong đó một phần phía trên ở chỗ gần mặt trên trục, 1 phần 3 dùng sắc xanh, trắng, đỏ; giao cho các địa phương tuân theo mà làm”.

Vua Khải Định lấy một lá cờ làm đồ quốc bảo

Quốc bảo là bảo vật quốc gia, nên lá cờ được Khải Định coi là đồ quốc bảo đó phải có gì đặc biệt? Điều đặc biệt ở đây đó là cờ được này coi là quốc kỳ, vua sử dụng làm biểu tượng trong chuyến thăm Pháp. Theo sử sách, cuối tháng 4 năm 1922 vua Khải Định đã lên đường sang thăm nước Pháp bằng đường thủy, sách Khải Định chính yếu sơ tập cho biết như sau: “Mùa hạ, tháng 4…Ngày 28, vua lên tàu thủy Bột Tốc, treo lên lá quốc kỳ hình rồng vàng, nhổ neo lên đường”.

Vua Khải Định
Vua Khải Định

Đến “tháng 6…, ngày 19 vua lên tàu thủy An Di. Trên tàu có treo quốc kỳ hình rồng vàng, bài trí rất sang trọng lịch sự. Quan Thượng thư bộ Thuộc địa Sa Lộ, Toàn quyền Long cùng nhiều vị quan chức văn võ đều tới tiễn đưa”. Ngày 19 tháng 7 vua Khải Định mới về đến kinh thành Huế thì tháng 10 vua đã ban sắc cho bộ Công rằng:

“Lá cờ hiệu thêu rồng vàng đã dùng khi trẫm hồi loan trong chuyến đi sang Tây hiện đang giao ở chỗ thị vệ cất giữ. Truyền bộ Công đóng một chiếc hòm gỗ hình vuông, ghép ván, có ổ khóa đầy đủ để cất lá cờ này, giao cho Nội các kính cẩn cất giữ, chiếu theo lệ mà phơi phóng coi làm đồ quốc bảo” (Khải Định chính yếu sơ tập).

 Lê Thái Dũng – Bee

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Linh thể

Ad will display in 09 seconds

Tiểu đệ tử Đại Pháp

Ad will display in 09 seconds

Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

Ad will display in 09 seconds

Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

Ad will display in 09 seconds

10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

Ad will display in 09 seconds

Phần 1: Tiết lộ sự thật về tam giác quỷ Bermuda

Ad will display in 09 seconds

Cái cân và câu chuyện thành tiên của ông lão bán gạo

Ad will display in 09 seconds

Darwin đã dạy Hitler điều gì?

Ad will display in 09 seconds

Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

Ad will display in 09 seconds

Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

  • Tinh Hoa kể chuyện: Linh thể

    Tinh Hoa kể chuyện: Linh thể

  • Tiểu đệ tử Đại Pháp

    Tiểu đệ tử Đại Pháp

  • Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

    Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

  • Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

    Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

  • 10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

    10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

  • Phần 1: Tiết lộ sự thật về tam giác quỷ Bermuda

    Phần 1: Tiết lộ sự thật về tam giác quỷ Bermuda

  • Cái cân và câu chuyện thành tiên của ông lão bán gạo

    Cái cân và câu chuyện thành tiên của ông lão bán gạo

  • Darwin đã dạy Hitler điều gì?

    Darwin đã dạy Hitler điều gì?

  • Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

    Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

  • Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

    Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

x