Người phụ nữ mắc ung thư vú hiến giác mạc cho 2 thanh niên xa lạ
Khi còn sống, bà H.T.T. (63 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) có đăng ký tình nguyện hiến giác mạc, tại Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho những bệnh nhân nghèo không có tiền mổ mắt. Hiện tại, giác mạc của bà đã có dịp cứu giúp cho 2 bệnh nhân nghèo thoát khỏi cảnh mù mắt.
Vào ngày 19/10, bà T không may qua đời do căn bệnh ung thư vú tại nhà riêng, các nhân viên ngân hàng mắt của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM, đã đến lấy đi 2 giác mạc từ người hiến đưa về bảo quản, đồng thời làm các xét nghiệm để kiểm tra xem giác mạc còn tốt không và có gặp phải tình trạng nhiễm khuẩn nào không.
Sau đó, trung tâm đã lọc ra danh sách trong số hàng ngàn người nghèo đã đăng ký chờ ghép giác mạc, để lấy ra 2 người phù hợp nhất (xét độ thích ứng, hoàn cảnh khó khăn, hoặc nếu ai cũng khó khăn như nhau thì chọn người đăng ký sớm nhất), để thực hiện ca phẫu thuật ghép miễn phí.
Trường hợp thứ nhất là anh L.Đ.K (27 tuổi, ngụ Tây Ninh), đã lập gia đình, và làm nghề bảo trì máy móc. Tuy nhiên, cách đây 3 năm, anh K không may bị tai nạn lao động, khiến giác mạc mắt phải bị sẹo, từ đó, mọi công việc của anh đều trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Anh đã đăng ký ghép giác mạc nhân đạo tại Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM cách đây vài tháng, và may mắn đến nay đã được gọi tên trong đợt ghép lần này.
Trường hợp thứ 2 là anh P.V.C. (33 tuổi, ngụ An Giang), anh C không may bị sẹo giác mạc từ khi còn nhỏ, do bị hạt thóc bắn vào mắt gây sẹo giác mạc. Từ đó, anh chỉ sử dụng được một bên mắt để nhìn, và điều này cũng gây cản trở cho anh trong quá trình xin việc. Còn hiện tại, anh đang làm phụ hồ, và ngoài thu nhập từ công việc này ra, anh không có khoản nào khác.
“Lúc đó người nhà tôi không hề hay biết, thời gian sau mắt phát bệnh, người nhà mới đưa đi bác sĩ kiểm tra, sau đó phát hiện mắt phải đã bị hư. Các bác sĩ sau đó đã tiến hành mổ cho tôi, nhưng sau khi mổ xong thì mắt phải bị mù luôn. Hiện nay, hàng ngày tôi đều đi phụ hồ ở Bình Dương để có tiền lo cho vợ con”, anh C chia sẻ.
Đến sáng 23/10, Bệnh viện Nguyễn Trãi đã phối hối hợp với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, tiến hành thực hiện ca ghép giác mạc cho 2 bệnh nhân này, mỗi ca tiến hành trong 45 phút.
Ca mổ được tiến hành một cách tốt đẹp, cả 2 bệnh nhân sức khỏe đã ổn định, và được tháo băng mắt. Tuy nhiên, vẫn cần 1 tháng để theo dõi thì mới có thể sinh hoạt trở lại bình thường được.
Theo bác sĩ Trần Thanh Danh, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Nguyễn Trãi cho biết, khoảng thời gian hậu phẫu thuật, việc điều trị giữ cho giác mạc ghép được trong suốt, không bị viêm nhiễm, thải ghép sau này cũng là vấn đề cần chú ý.
“Tỷ lệ thải ghép sau khi ghép giác mạc tại Việt Nam khoảng 20 đến 40%. Tỷ lệ thải ghép tùy theo mức độ, nếu người hiến giác mạc càng trẻ thì tỷ lệ thải ghép càng thấp. Hiện mắt của 2 bệnh nhân sau khi ghép giác mạc đã cải thiện rõ rệt, đã có thể nhìn thấy những vật xung quanh”, bác sĩ Danh nói.
Về phần bệnh nhân, anh C cho biết, bản thân rất hạnh phúc và biết ơn, khi tìm được ánh sáng sau 30 năm sống trong cảnh mù lòa một bên.
“Gần 30 năm nay mắt phải của tôi không thể nhìn được. Cách đây 5 năm, được người quen giới thiệu đến Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM nên tôi đã đăng ký để được ghép. Vài ngày trước, tôi nhận được thông báo của Hội nói tìm được nguồn ghép phù hợp với mình.
Tôi mừng lắm, không ngủ được, thức đến 3h sáng rồi từ Bình Dương lên bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm trước khi ghép. Tôi không biết nói gì ngoài lời cảm ơn tới người hiến và các y bác sĩ giúp tôi tìm lại được ánh sáng như bao người bình thường khác. Sau khi xuất viện, tôi sẽ tìm đến thắp nén nhang cảm tạ cô T. nhờ cô mà tôi cũng như anh K. thoát khỏi cảnh mù lòa”.
Được biết, đây là ca ghép giác mạc nhân đạo thứ 48 và 49 mà Bệnh viện Nguyễn Trãi và Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM thực hiện miễn phí cho những bệnh nhân nghèo bất hạnh. Mỗi năm Hội này chỉ thực hiện được 2 đến 3 ca ghép giác mạc nhân đạo, do những người hiến giác mạc khan hiếm.
Đơn vị vẫn còn gần 2.000 hồ sơ bệnh nhân nghèo đăng ký ghép giác mạc vẫn đang chờ đợi để có được giác mạc phù hợp.
Chúc Di (t/h)