Từ bỏ việc lương cao, bác sĩ Nhật đến Việt Nam điều trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo
“Tôi chỉ muốn nhìn thấy những bệnh nhân của mình có thể lấy lại nụ cười và đôi mắt của họ. Đó là tất cả nguyện vọng lớn nhất đời tôi. Tôi không quan tâm đến tiền hay sự công nhận của bất cứ ai cả.”
Đó cũng chính là lời tâm sự sâu sắc từ đáy lòng của một bác sĩ nhãn khoa Nhật Bản, người đã từ bỏ đi công danh sự nghiệp sáng lạn của mình ở đất nước mặt trời mọc để lặn lội tới Việt Nam, chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo.
Vị bác sĩ tài năng có tấm lòng nhân hậu
Sinh ra tại Osaka, bác sĩ Tadashi Hattori (55 tuổi) tốt nghiệp trường Đại học Y khoa tỉnh Kyoto vào năm 1993 – một trong 8 trường đại học uy tín nhất tại Nhật. Sau đó, ông được mời làm bác sĩ nhãn khoa tại rất nhiều bệnh viện nổi tiếng trên khắp Nhật Bản.
Công việc bác sĩ của Hattori cũng không hề ngẫu nhiên, ông đã đặt mục tiêu này cho mình ngay từ khi còn là cậu bé 15 tuổi. Chính cách cư xử lạnh lùng và vô trách nhiệm của các nhân viên y tế khi bố ông nhập viện đã khiến cụ phải ra đi vì căn bệnh ung thư. Từ đó Hattori quyết tâm theo đuổi ngành y để cứu giúp cho nhiều người hơn nữa.
Ông đã không ngừng mài dũa kỹ năng của mình trong suốt thời gian đi học và làm việc, đến nay Hattori đã trở thành một bác sĩ có tay nghề cao, ông có thể thực hiện khoảng 20 – 30 ca phẫu thuật đục thủy tinh thể hoặc 6 – 8 ca phẫu thuật cắt dịch kính mỗi ngày – đây là một kỹ thuật cao thuộc top 10 thế giới về sử dụng kính nội soi trong phẫu thuật cắt dịch kính. Và bác sĩ Tadashi Hattori chính là một trong số ít người có khả năng rút ngắn thời gian phẫu thuật xuống còn 1/3 bằng phương pháp nội soi.
Với một thành tích đáng ngưỡng mộ như vậy tại Nhật Bản, Hattori có thể kiếm được rất nhiều tiền từ công việc của mình. Thế nhưng ông đã quyết định từ bỏ tất cả để chuyên tâm vào công việc thiện nguyện, ông xem mục đích chính của nghề y không phải để kiếm tiền, mà là để giúp người.
Hành trình về Việt Nam chữa trị cho bệnh nhân nghèo
Cơ duyên đó cũng bắt đầu từ một cuộc họp học thuật ở Nhật Bản năm 2001, Hattori đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng với một bác sĩ người Việt Nam. Cả hai đã trao đổi với nhau rất nhiều về công việc. Sau cùng vị bác sĩ này đã mở lời với Hattori rằng: “Nhiều bệnh nhân nghèo ở Việt Nam đã mất đi thị lực vì không được phẫu thuật, nhưng với kỹ năng tuyệt vời của ông có thể sẽ cứu giúp được họ. Ông có thể đến Việt Nam không?”
Câu nói đó đã khiến Hattori suy nghĩ rất nhiều, vốn là một bác sĩ có tấm lòng nhân ái, khi lắng nghe những mảnh đời bất hạnh như vậy, ông không thể kìm được sự thương cảm và xúc động sâu sắc trong lòng.
Nhưng hiện tại mọi công việc ở Nhật đang ổn định, việc ông ra đi cũng đồng nghĩa với việc bản thân Hattori phải từ bỏ tất cả mọi thứ ở Nhật mới có thể toàn tâm toàn ý cho công việc cứu người này.
Hattori phải mất đến nửa năm để suy nghĩ về lời đề nghị đó, và cuối cùng vào tháng 4 năm 2002, vị bác sĩ này đã quyết định từ chức tại bệnh viện mà ông đang làm để bắt đầu hành nghề tại Việt Nam, một đất nước hoàn toàn xa lạ với ông.
“Sau khi tính toán những việc cần làm cho 4-6 tháng, tôi quyết định sẽ đi. Nhưng giám đốc bệnh viện của tôi nói, nếu muốn đến Việt Nam, tôi sẽ phải xin nghỉ việc. Và đó chính xác là điều tôi đã làm. Tiền bạc không phải là thứ quan trọng duy nhất trong cuộc đời. Với nhiều người, địa vị và tiền bạc là tất cả, nhưng với tôi, được làm điều gì đó giá trị còn quan trọng hơn rất nhiều”, bác sĩ Hattori nói.
Thậm chí từng có một người Mỹ đã nói với ông rằng “Với kỹ thuật của ông, ông có thể là một triệu phú ở Hoa Kỳ.”
Quả thật khi đến đây, ông mới phát hiện ra quyết định của mình hoàn toàn đúng. Ban đầu, Hattori dành khoảng 1 tháng để ghi chép lại tình hình những bệnh nhân tại Việt Nam, ông chợt nhận ra kể cả bác sĩ chuyên khoa mắt hay cơ sở y tế điều trị ở đây đều vô cùng hạn chế so với Nhật Bản. Ông thậm chí còn gặp nhiều bệnh nhân có triển vọng phục hồi nhưng không được điều trị.
Cảm thấy còn hạn chế rất nhiều về những trang thiết bị cần thiết cho việc chữa trị, Hattori đã quay trở về Nhật để kêu gọi các công ty tài trợ cho mình. Tuy nhiên, do hiện tại Hattori không còn làm cho bất kỳ một bệnh viện nào nữa nên cũng không ai chấp nhận tài trợ cho ông. Hattori lại tiếp tục nộp đơn xin hỗ trợ lên chính phủ Nhật Bản nhưng cũng bị từ chối. Đại diện văn phòng chính phủ cho biết, họ chỉ tài trợ các tổ chức NGO.
Việc xin tài trợ thật sự không phải dễ dàng, nhưng người bệnh thì không thể chờ lâu hơn nữa, cuối cùng Hattori quyết định dùng tiền tiết kiệm để dưỡng già của vợ chồng ông đầu tư vào các thiết bị y tế mang về Việt Nam.
Ban đầu vợ của ông đã vô cùng phản đối, bà thậm chí còn giận ông đến mức không thèm trò chuyện với ông trong suốt 3 ngày. Nhưng sau cùng bà lại quay sang ủng hộ, bởi bà biết, Hattori là một người đàn ông tốt bụng. Ông đã không thể khoanh tay đứng nhìn nhiều người bất hạnh. Và giúp người mới chính là nguyện vọng lớn nhất cuộc đời ông.
“Tôi không thể quay lưng lại với những người đang trên bờ vực mất đi thị lực chỉ vì họ thiếu tiền để điều trị. Xuất phát điểm của tôi với tư cách là một bác sĩ chính là phải giúp đỡ mọi người.”
Ông cũng cho biết, chính người bố đã mất của mình là nguồn động viên to lớn để ông thực hiện nguyện vọng đó, những lời dạy dỗ của bố chưa bao giờ Hattori dám quên.
“Chính bố tôi đã truyền cảm hứng để tôi sống nhiều hơn cho các mục đích thiện nguyện. Trước khi ông chết, ông bảo tôi ‘hãy luôn sống vì mọi người’.
Và sau này, một người thầy cũng từng dạy tôi rằng: ‘Hãy luôn đối xử với bệnh nhân như cha mẹ của mình.’”
Tadashi Hattori – Cái tên quen thuộc với những bệnh nhân nghèo
Kể từ đó cuộc sống của Hattori cũng bắt đầu chia làm 2 phần: một phần ở Nhật Bản và một phần ở Việt Nam.
Cứ nửa tháng ông lại về Nhật làm việc với tư cách là bác sĩ tự do, tham gia vào những ca bệnh khó tại Nhật Bản để kiếm thêm thu nhập. Nửa tháng còn lại sẽ về Việt Nam để chữa trị miễn phí cho người nghèo tại Viện nhãn khoa quốc gia Việt Nam tại Hà Nội, cùng với sự cho phép của các tổ chức công như Bộ Y tế Việt Nam và làm việc tại các bệnh viện địa phương vào cuối tuần. Nhìn chung, số ngày ông ở Việt Nam mỗi năm dao động từ 140 đến 180 ngày, trừ tháng 7 và tháng 9.
Chưa dừng lại ở đó, Hattori nhận ra rằng vẫn còn một lượng lớn bệnh nhân không thể đến Hà Nội để chữa trị, vì vậy ông đã đích thân đến các thành phố lớn nhỏ trong khu vực để thực hiện kiểm tra và phẫu thuật miễn phí cho những bệnh nhân nghèo này.
Cứ thể trong suốt 17 năm qua, Tadashi Hattori đã trở thành một cái tên quen thuộc với các bệnh nhân vùng sâu xa, đặc biệt là bệnh viện đa khoa Đông Triều, Quảng Ninh. Một vùng quê nghèo nơi phần lớn người dân sống bằng nghề nông.
Chính vì thế, ông thường bắt gặp những ca khá nặng, do một vài bệnh nhân mãi mới chịu đến bệnh viện sau khi các triệu chứng của họ trở nên tồi tệ hơn, nhiều người thậm chí cũng đã bị mù vì không được điều trị sớm. Điều này cũng là một phần làm cho công việc chữa trị của ông thêm khó khăn.
“Chữa bệnh cho bệnh nhân Nhật dễ hơn nhiều vì họ thường tìm đến bác sỹ ngay khi họ thấy có vấn đề, vì vậy bệnh thường chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Nhưng ở Việt Nam, bệnh nhân thường để đến khi gần mù rồi mới tìm đến bác sỹ. Thậm chí nhiều người không làm gì cho đến khi mù một con mắt. Chính vì thế, số người bị mù một mắt ở Việt Nam cao đột biến, cao hơn rất nhiều so với những nơi tôi từng chữa trị.” Hattori cho biết, và ông rất thương người bệnh ở Việt Nam.
Còn nhớ một bà cụ 70 tuổi, sống tại Huế đã từng sống trong bóng tối suốt nhiều năm vì di chứng của căn bệnh đục thủy tinh thể. Nhưng đến nay nhờ bàn tay của Hattori chữa trị, bà đó có thể lấy lại được ánh sáng.
“Giờ tôi mới được nhìn thấy rõ mặt mũi những đứa cháu của mình và có thể dẫn chúng đi học mỗi ngày. Niềm an ủi tuổi già ấy là do bác sĩ Hattori mang lại. Biết cảm ơn ông bao nhiêu cho đủ”, cụ bà tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Hattori.
Thực tế chẳng cần lời biết ơn của bất kỳ ai, được nhìn thấy các bệnh nhân của mình khôi phục lại ánh sáng đối với ông mới là niềm vui to lớn hơn bao giờ hết.
Tính đến hiện tại, bác sĩ Hattori đã thực hiện khoảng 800 ca phẫu thuật mỗi năm tại Việt Nam và đây cũng chỉ là con số ông thực hiện chính thức tại các bệnh viện địa phương. Trung bình cứ hai ngày, ông sẽ thực hiện khoảng 80 ca phẫu thuật. Trong đó, bệnh nhân bị đục thủy tinh thể chiếm phần lớn trong số này.
“Cho dù tôi có thực hiện thêm bao nhiêu ca phẫu thuật đi chăng nữa, tôi cũng không bao giờ cho phép mình được sơ sót trong từng ca mà tôi điều trị.
Tôi tin rằng được nhìn bằng mắt thường đối với người Việt rất quan trọng, vì người Việt Nam không thường xuyên đeo kính mắt trong cuộc sống hàng ngày.”
Vị bác sĩ truyền cảm hứng tốt nhất cho những thế hệ bác sĩ trẻ tương lai
Tính đến hiện tại, Hattori cũng đang tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực. Ông không ngần ngại truyền dạy toàn bộ kỹ thuật của ông thông qua các hoạt động thực tế cho học viên mình.
“Tôi luôn nói với các bác sĩ trẻ Việt Nam rằng ‘mỗi bệnh nhân đều là một phần của gia đình họ’. Tôi tin khi các bác sĩ hiểu ra điều này, họ sẽ không còn cảm thấy quá tải trong phẫu thuật”.
“Tôi đã đào tạo khoảng 30 bác sĩ và cho đến nay tôi luôn thấy tự hào khi nói rằng một trong số họ đã có được các kỹ thuật đẳng cấp thế giới. Và họ cũng đã bắt đầu đủ trình độ để truyền dạy lại cho các bác sĩ nhãn khoa trẻ khác của Việt Nam. Tôi rất vui về sự phát triển này.”
Từ những nỗ lực của Hattori, ông đã truyền cảm hứng về việc làm tốt của mình đến với rất nhiều những bác sĩ trẻ trong thế hệ tương lai. Cụ thể là năm 2003, một số tình nguyện viên đến từ Đại học Y khoa tỉnh Kyoto, nơi bác sĩ Hattori từng tốt nghiệp, đã thành lập một Hiệp hội phòng chống mù lòa châu Á. Họ đã tình nguyện xin hỗ trợ công việc cho Hattori mà không cần ông chi trả cho họ bất kỳ khoảng chi phí nào. Nhiều người thậm chí cũng theo bước ông đến thăm Việt Nam bằng chính chi phí của họ.
“Trong tương lai, tôi muốn thành lập một trung tâm y tế Quốc tế để đào tạo các bác sĩ nhãn khoa từ các nước Đông Nam Á.
Bằng cách đó, chúng tôi sẽ có thể cứu được thêm nhiều người hơn nữa trên khắp Đông Nam Á, những người sắp mất đi tầm nhìn của mình.”
Đến năm 2014, Hattori đã đạt được nguyện vọng thành lập Bệnh viện Mắt Quốc tế Nhật Bản tại Hà Nội. Bệnh viện này sẽ vẫn thu tiền điều trị của những bệnh nhân có khả năng chi trả, thu nhập này sẽ được sử dụng như một số vốn bền vững cho các hoạt động tình nguyện.
Địa chỉ bệnh viện: 32 Phó Đức Chính, phường Ba Đình, Hà Nội.
Truy cập trang web của bệnh viện tại đây.
Chúc Di (t/h)