Bạo loạn bùng lên ở Tempe và Austin khi Portland chứng kiến 61 đêm bất ổn liên tiếp
Đêm bạo loạn thứ 61 ở Portland, được đánh dấu bằng các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình, đã kéo theo các cuộc biểu tình và bạo loạn ở thành phố Tempe, bang Arizona. Trong khi hàng trăm người khác tập trung tại thành phố Austin, để cầu nguyện cho một người biểu tình của phong trào Black Lives Matter, có vũ trang súng AK-47 bị bắn hạ vào cuối tuần qua.
Cuộc biểu tình diễn ra tối 27/7 tại thành phố Portland, bang Oregon, bắt đầu bằng các bài phát biểu tại Quảng trường Lownsdale, nằm bên kia đường, nơi các sĩ quan liên bang đã được điều tới để bảo vệ Tòa án Mark O. Hatfield U.S. Lực lượng cảnh sát liên bang đã phát loa kêu gọi người biểu tình rời khỏi tòa nhà.
Myke Tavarres, một cựu cầu thủ NFL thường xuyên lui tới các cuộc biểu tình ở Portland, cho biết: “Việc đốt cháy tòa nhà không giúp ích gì cho người da đen,” tờ Oregonia đưa tin. Nhưng tại một cuộc biểu tình khác bên ngoài Trung tâm Tư pháp Hạt Multnomah, Elona Wilson – người tổ chức phong trào Stand for Children dường như đang khuyến khích tiếp tục các hoạt động biểu tình trên đường phố.
“Đây cần phải là phong trào dân quyền cuối cùng,” Elona Wilson nói với đám đông, cho biết thêm rằng các vụ tẩy chay xe buýt Montgomery đã kéo dài được 381 ngày, trước khi Tòa án Tối cao đưa ra phán quyết về hành vi phân biệt chủng tộc trên xe buýt là bất hợp pháp.
Một hàng rào bên ngoài tòa án liên bang ở Portland gần đây đã được gia cố bằng bê tông và các đặc vụ liên bang đã sử dụng loa để yêu cầu đám đông rời khỏi đó.
“Đây là Cục Bảo vệ Liên bang. Không được cố ý làm hỏng, di dời, xâm nhập hoặc leo lên hàng rào xung quanh tòa nhà tòa án liên bang. Các hành vi như vậy có thể dẫn đến việc bắt giữ hoặc sử dụng đạn kiểm soát đám đông,” thông báo nêu rõ.
Thông báo lặp đi lặp lại này dường như chỉ tiếp thêm năng lượng và làm cho đám đông kích động hơn. Hàng trăm người biểu tình đã tập trung dọc theo Đại lộ SW Third Avenue bên ngoài tòa án vào lúc 10h20 tối 27/7. Trong gần 2 giờ, người biểu tình đã ném đá, chai lọ cùng các vật dụng khác, bắn pháo hoa qua hàng rào và trước cửa tòa án. Nhiều người biểu tình đeo mặt nạ phòng độc và đội mũ bảo hiểm, mang biển ghi khẩu hiệu biểu tình và được trang bị gậy khúc côn cầu, gậy đánh golf và ô, Văn phòng Cảnh sát Portland cho biết.
Các sĩ quan liên bang đã đi ra ngoài tòa nhà dập lửa và ném bom hơi cay để giải tán đám đông. Nhưng người biểu tình đã sử dụng máy thổi lá để đẩy hơi cay ra khỏi đám đông. Người biểu tình bắt đầu đốt lửa trong hàng rào và liên tục thêm gỗ, rác và các mảnh vụn khác để khiến nó cháy lớn hơn. Sau nửa đêm, một người biểu tình đã ném bom Molotov vào cửa trước của tòa án, “ khiến nó đã nổ tung thành một quả cầu lửa, tiếng nổ lớn đến nổi vẫn có thể nghe thấy nếu đứng cách xa hơn một dãy nhà,” cảnh sát cho biết.
Trong khi căng thẳng tiếp tục leo thang, cảnh sát liên bang cũng xuất hiện tại nơi xảy ra vụ nổ, họ ném hơi cay và lựu đạn gây choáng để giải tán đám đông sau khi tuyên bố những người biểu tình đang tụ tập bất hợp pháp, tờ Oregonian đưa tin.
Trong khi đó, vào tối 27/7 tại Texas, những người biểu tình đã tập trung bên ngoài trụ sở cảnh sát Austin và diễu hành đến góc đường Fourth Street và Đại lộ Congress, họ quỳ trong im lặng để tôn vinh Garrett Foster, The Statesman đưa tin.
Foster đã mang theo súng AK-47 đến tham gia cuộc diễu hành của phong trào Black Lives Matter vào tối 25/7 và tìm cách tiếp cận một chiếc xe. Người tài xế trong xe đã bắn ra ngoài bằng một khẩu súng lục. Foster bị trúng đạn và nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện nhưng đã chết không lâu sau đó. Một người khác trong đám đông đã dùng súng ngắn bắn vào xe khi nó chạy đi.
Người lái xe nói với cảnh sát rằng những người biểu tình đã cố bao vây và tấn công xe của ông. Ông khẳng định Foster đã chĩa súng vào ông, Cảnh sát trưởng thành phố Austin – Brian Manley cho biết hôm 26/7.
Tuy nhiên, các nhân chứng và người biểu tình khác trong đám đông đêm đó phản bác rằng họ không tiếp cận chiếc xe và Foster không chĩa súng vào tài xế trước khi anh bị bắn. Một số người nói rằng tài xế đã lái chiếc xe vào đám đông để đe dọa họ. Vụ việc đang được điều tra làm rõ.
Cả tài xế, chưa được chính quyền tiết lộ danh tính, và người đã bắn vào xe của ông đã bị bắt giam để thẩm vấn và sau đó được thả ra. Cả hai đều có giấy phép sử hữu súng do chính quyền cấp.
Ở Texas, cần có Giấy phép (LTC) để mang theo súng ngắn công khai hoặc giấu kín. Súng trường có thể được mang theo mà không cần có giấy phép. Một số người biểu tình thường mang theo súng đến tham gia các cuộc biểu tình.
Trước khi bị giết, Foster gặp nhà báo độc lập Hiram Gilberto giữa đám đông. Anh nói:
“Họ không cho chúng tôi diễu hành trên đường phố nữa, vì vậy tôi phải thực hành một số quyền của mình. Nếu tôi sử dụng nó để chống lại cảnh sát, tôi đã chết rồi,” Foster nói trên một phương tiện truyền thông xã hội trực tiếp.
Trong khi đó, 7 người bị bắt vào tối 27/7 tại thành phố Tempe, bang Arizona, nơi những người biểu tình tiếp cận đội cảnh sát đi xe đạp và xảy ra đụng độ với các sĩ quan này.
Một cuộc biểu tình bắt đầu vào khoảng 5 giờ chiều 27/7 tại Công viên Tempe Beach trước khi đám đông rời khỏi vỉa hè và diễu hành dọc theo đường phố, hướng lên cầu bắc qua Hồ Tempe Town, AZ Family đưa tin.
“Người biểu tình/những người phản đối tiếp tục diễn hành yêu cầu thực thi Tu Chính Án Thứ Nhất, khi họ đi về hướng đông, về phía đường Scottsdale. Người tham gia sẽ KHÔNG được phép đi vào con đường trên Scottsdale ở cả hai hướng và và phải đi trên vỉa hè,” Cảnh sát Temple cho biết.
Người biểu tình di chuyển về phía các sĩ quan đi xe đạp rồi bắt đầu ném các vật dụng vào họ và hét vào họ bằng những lời thô tục, tờ báo đưa tin. Cảnh sát sau đó đã sử dụng bình xịt hơi cay để giải tán đám đông đang chặn một ngã tư. Một sĩ quan bị người biểu tình tấn công rách mặt và cần được chăm sóc y tế.
“Việc ném các vật dụng vào cảnh sát là không thể chấp nhận được- cảnh sát là những người bảo vệ tự do ngôn luận và cung cấp an toàn công cộng. Khi bạn ném các đồ vật vào họ, điều đó KHÔNG ổn,” Cảnh sát trưởng thành phố Tempe – Sylvia Moir đăng tin trên Twitter.
Thiện Thành (Theo Fox News)