Trung Quốc: Tiệc năm mới kém tưng bừng vì chống tham nhũng
Năm mới vốn thường là dịp người Trung Quốc tiệc tùng tưng bừng sau một năm làm việc bận rộn. Vậy nhưng năm nay số lượng tiệc, nhất là của các cơ quan nhà nước đã giảm tới 70% trong bối cảnh chính phủ kêu gọi tiết kiệm, chống tham nhũng.
Theo số liệu của giới chức Trung Quốc, tại Bắc Kinh, số lượng tiệc chiêu đãi của các tổ chức chính phủ đã giảm tới 70% về số lượng.
Tuy vậy, một số cơ quan vẫn tìm được cách để “lách” lệnh cấm, khiến các nhà phân tích đang kêu gọi phải có nhiều giải pháp bền vững về dài hạn hơn nữa.
Tiệc tùng thông thường vẫn là một điểm nhấn trong các sự kiện chào năm mới âm lịch với nhiều người Trung Quốc, nhưng năm nay nhu cầu từ các tổ chức chính phủ đã giảm sút.
Chính quyền trung ương Trung Quốc đang triển khai đấu tranh chống xa hoa, lãng phí và giảm chi ngân sách cho các buổi tiệc tùng khoảng một phần ba.
Với các cơ quan chính phủ, việc tổ chức tiệc và lễ ăn mừng giờ thậm chí trở thành điều cấm kỵ, hoặc một nguy gây cơ rắc rối.
Các nhà hàng, khách sạn cho biết đơn giá theo thực đơn của họ đã giảm trung bình 30%, giữa lúc họ phải thay đổi để thu hút khách hàng là các doanh nghiệp.
“Chúng tôi đã triển khai nhiều đợt khuyến mại hơn để thu hút các phân khúc khách hàng khác nhau với quy mô ngân sách khác nhau”, David Cui,giám đốc của F&B tại Grand Millennium Bắc Kinh nói.
“Địa điểm của chúng tôi đã được đặt chỗ cho một loạt buổi tập huấn, hội thảo cũng như các buổi giới thiệu sản phẩm của các công ty lớn. Do đó chúng tôi có thể gia tăng nguồn thu từ các buổi tiệc tùng”.
Các buổi tiệc chiêu đãi, nhất là của các doanh nghiệp quốc doanh cũng trở nên kín đáo hơn trước. Một số chuyên gia thậm chí gọi các bữa tiệc này là buổi trao đổi kinh nghiệm hoặc hội họp thay vì gọi là tiệc tối hay lễ ăn mừng. Những người khác lại rời địa điểm tụ họp tới các câu lạc bộ cao cấp kín đáo bên trong các công viên.
Chính phủ Trung Quốc gần đây cũng đã kêu gọi đóng cửa các câu lạc bộ như vậy. “Những câu lạc bộ này được xây bằng nguồn kinh phí ngân sách tại các địa điểm có cảnh quan đẹp. Đó là những nơi dành cho người dân”, Li Chengyan, giám đốc trung tâm nghiên cứu xây dựng chính phủ liêm chính, đại học Peking khẳng định.
“Tuy nhiên giá thành tại đây cao đến mức giá của một bữa ăn có thể từ vài nghìn tới hàng chục nghìn nhân dân tệ. Làm sao đại đa số người dân có thể chi trả số tiền đó? Đây là một vấn đề nghiêm trọng cần phải bị bài trừ bởi nó làm gia tăng sự tức giận trong dân chúng”.
Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc vận động thắt lưng buộc bụng tại Trung Quốc năm qua, vốn bao gồm cả việc cấm dùng công quỹ mua các món quà như bánh trung thu, pháo, hay thậm chí cả thiệp mừng năm mới.
Những nội dung này nghe có vẻ hình thức và chi tiết quá mức, nhưng một số nhà phân tích cho rằng điều đó là cần thiết để đối phó với vấn đề cấp bách đó là sự giận dữ ngày càng tăng trong dân chúng, vốn có khả năng bùng phát nếu không được xử lý một cách phù hợp.
“Phần đông người dân đều quan tâm đến những gì đang diễn ra quanh họ”, ông Li nói. “Bất kỳ ai cũng có thể gửi thiệp mừng năm mới, nhưng khi thiệp của một người có giá 1 nhân dân tệ còn của người khác lên tới hàng chục nghìn nhân dân tệ, với một đồng xu bằng vàng được đính bên trong, thì nó trở thành câu chuyện khác.
Do đó, tôi cảm thấy với thực trạng lan tràn và nghiêm trọng hiện nay, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương phải cân nhắc tới cảm giác của đám đông bằng cách bắt đầu với những vấn đề nhỏ”.
Những thách thức chính cho chính quyền trung ương để đi xa hơn đó là triển khai những đạo luật nghiêm khắc hơn và tăng cường giám sát kỷ luật và sự minh bạch.
Có vẻ như cấm tiệc tùng mới chỉ là sự khởi đầu của tiến trình này.
Thanh Tùng
Theo CNA
Nguồn: Dân Trí