EU: Tham nhũng lên đến mức ‘kinh ngạc’
Tham nhũng đang gây thiệt hại ít nhất 120 tỷ euro mỗi năm cho nền kinh tế châu Âu, theo báo cáo mới nhất của Ủy hội châu Âu.
Bà Cacilia Malmstrom trong buổi họp báo ngày 3/2
Bà Cecilia Malmstrom, người phụ trách đối nội của Ủy hội châu Âu, nói tổng thiệt hại do tham nhũng gây ra “có thể cao hơn rất nhiều” so với mức 120 tỷ euro.
Hơn ba phần tư người dân châu Âu tham gia khảo sát cho rằng nạn tham nhũng là vấn đề phổ biến, trong khi hơn một nửa nói mức độ tham nhũng đang ngày càng gia tăng.
“Quy mô của vấn nạn tham nhũng tại châu Âu thật đáng kinh ngạc, mặc dù Thụy Điển là một trong những quốc gia ít tham nhũng nhất,” bà Malmstrom nói với nhật báo Goeteborgs-Posten của Thụy Điển.
Tổng mức thiệt hại mà tham nhũng gây ra cho nền kinh tế EU đã cao gần bằng ngân sách chung hàng năm của cả khối.
Ủy hội châu Âu cho biết đây là lần đầu tiên một cuộc nghiên cứu về thực trạng tham nhũng được tiến hành tại tất cả 28 quốc gia thành viên EU.
Hối lộ lan rộng
Công tác chống tham nhũng chủ yếu được chính phủ các nước thành viên EU đảm nhiệm, thay vì các định chế của EU.
Tuy nhiên bà Malmstrom nói chính phủ các nước và Nghị viện châu Âu đã yêu cầu Ủy hội châu Âu tiến hành cuộc nghiên cứu trên quy mô toàn EU.
Tại Anh Quốc, chỉ năm trong số 1.115 người tham gia khảo sát, thấp hơn 1%, nói họ bị đẩy vào tình thế phải đưa hối lộ. Đây là “kết quả tốt nhất so với toàn bộ châu Âu,” báo cáo cho biết.
Tuy nhiên 64% người dân Anh nói họ cho rằng tham nhũng là vấn đề phổ biến tại Anh quốc. Đây là mức thấp hơn mức trung bình 74% của toàn EU.
Tại một số quốc gia, tổng số trường hợp cho biết đã từng phải hối lộ là khá cao.
Ở Croatia, Cộng hòa Czech, Lithuania, Bulgaria, Romania và Hy Lạp, khoảng từ 6% – 29% số người tham gia khảo sát nói họ đã bị yêu cầu đưa hối lộ, hoặc bị đẩy vào tình thế bị buộc phải đưa hối lộ, trong 12 tháng qua.
Tỷ lệ đưa hối lộ cũng rất cao tại Ba Lan (15%), Slovakia (14%), và Hungary (13%), chủ yếu là trong ngành y tế.
Bà Malmstrom nói nạn tham nhũng đang làm lung lay niềm tin vào nền dân chủ và gây cạn kiệt các nguồn tài nguyên kinh tế.
“Quyết tâm chính trị nhằm diệt tận gốc tham nhũng dường như thiếu vắng,” bà nói.
EU có một cơ quan chống tham nhũng, Olaf, vốn tập trung vào những vụ lừa đảo và tham nhũng ảnh hưởng đến ngân sách chung của cả khối. Tuy nhiên cơ quan này lại hoạt động với ngân sách khá eo hẹp, chỉ khoảng 23,5 triệu euro một năm, theo số liệu của năm 2011.
Ủy hội châu Âu chỉ ra trong báo cáo rằng:
- Các hình thức mua sắm công chiếm đến một phần năm GDP của EU và dễ bị ảnh hưởng bởi tham nhũng, vì vậy cần có các hình thức kiểm soát cũng như những tiêu chuẩn minh bạch nhất định
- Nguy cơ tham nhũng thường cao hơn ở cấp địa phương và khu vực.
- Nhiều vấn đề liên quan đến tham nhũng hiện nay xuất phát từ nguồn cung cấp tài chính cho các đảng phái chính trị, một phần vì các chuẩn tắc ứng xử thường không đủ nghiêm khắc.
- Các quy tắc xung quanh vấn đề mâu thuẫn lợi ích thường không được thi hành một cách hiệu quả.
- Chất lượng công tác điều tra tham nhũng dọc khắp EU không đồng nhất.
Mô hình Thụy Điển
Báo cáo của EU có kèm theo hai kết quả thăm dò của Eurobarometer, cơ quan thăm dò dư luận của Ủy ban châu Âu.
Bốn trong số 10 doanh nghiệp được khảo sát đã miêu tả tham nhũng là yếu tố cản trở công việc kinh doanh tại châu Âu.
Thụy Điển là “một trong những quốc gia ít tham nhũng nhất, và các nước EU cần phải học cách Thụy Điển đối phó với vấn đề này,” bà Malmstroem nói, trong lúc chỉ ra vai trò của các quy định để đảm bảo tính minh bạch và công khai.
Europol ước tính hiện có khoảng 3.000 băng đảng tội phạm có tổ chức, với những mạng lưới tinh vi đang hoạt động dọc khắp châu Âu, tập trung chủ yếu tại Bulgaria, Romania và Ý.
Tuy nhiên những đối tượng tội phạm không có tính chất bạo lực như đưa hối lộ và lừa đảo thuế giá trị gia tăng (VAT) lại hoạt động tại nhiều nước EU.
Năm ngoái, giám đốc Europol, ông Rob Wainwright cho biết các vụ lừa đảo VAT trên thị trường trao đổi khí thải carbon cho đến nay đã khiến EU tổn thất khoảng 5 tỷ euro.
Theo BBC