Hội Doanh Nghiệp TP.HCM: Đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp không phân biệt quy mô
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) mới đây đã đề nghị cho tất cả các doanh nghiệp (DN), bao gồm DN nhỏ và siêu nhỏ đều được hưởng ưu đãi từ gói hỗ trợ của chính phủ.
Sáng nay 5/5, tại hội nghị Toạ đàm trực tuyến Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM năm 2020, Ông Chu Tiến Dũng phân tích rằng do dịch bệnh đã tác động tới tất cả các DN. Do đó, ông đề nghị cho tất cả các DN đều được hưởng các chính sách hỗ trợ mà không phải chứng minh bị tác động của dịch mà không phân biệt quy mô DN.
Gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước công bố hồi đầu tháng 3 đến nay đã lên tới hơn 300 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên thực tế cho thấy để tiếp cận được gói hỗ trợ này không đơn giản. Chủ tịch HUBA cho hay có đến 61% DN cho rằng việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ chưa thuận lợi.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch tập đoàn NextTech cho rằng các DN nhỏ, siêu nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ của chính phủ do không có tài sản lớn để thế chấp. Đồng thời, các DN này còn gặp nhiều khó khăn trong việc chứng minh khó khăn tài chính nhưng lại là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh.
Chảo Đỏ – DN vận hành một chuỗi nhà hàng chuyên món Việt cho biết đang rất cần vốn nhưng vướng vấn đề tài sản đảm bảo. “Chuỗi đang chịu thiệt hại nặng về tài chính, giờ muốn tiếp cận dòng vốn hỗ trợ cần phải có thêm tài sản thế chấp hoặc chứng minh được dòng tiền. Đây là điều rất khó với các doanh nghiệp lúc này”, đại diện chuỗi nói.
Chủ một DN thời trang tại Hà Nội cũng cho biết có quá nhiều điều kiện kèm theo. DN phải đi thuê mặt bằng nên không có tài sản đảm bảo giá trị lớn, cửa hàng đóng cửa nên không có nguồn thu. Vì thế, DN khó chứng minh được nguồn trả nợ.
Theo số liệu thống kê từ các DN trong HUBA trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, chỉ có 21% trả lời tiếp tục cầm cự được đến hết tháng 05/2020; 12% kiên trì được đến hết tháng 06/2020; 12% cho biết có khả năng duy trì đến hết tháng 09/2020; 2% doanh nghiệp duy trì được đến cuối năm; 19% sẽ phá sản trong quý II/2020.
Một khảo sát trước đó của CCI cũng cho thấy 82% số DN cho biết doanh thu sẽ giảm so với cùng kì năm trước, và 50% số doanh nghiệp sẽ khó trụ lại sau 6 tháng.
Cũng theo ông Chu Tiến Dũng, các chính sách và gói hỗ trợ doanh nghiệp cần phân chia ra làm 2 loại.
Gói cấp cứu gồm gói tài khóa, giãn thời gian nộp thuế, giảm phí theo Nghị định 41 của Chính phủ, hay gói hỗ trợ người lao động nghèo, mất việc, cho doanh nghiệp vay tiền từ ngân hàng chính sách xã hội không lãi suất để trả lương cho người lao động.
Gói chính sách đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy sản xuất thì ngân hàng cần sớm thẩm định trả lời cho doanh nghiệp được vay hay không với các điều kiện đảm bảo an toàn cho vay, khả năng trả nợ.
Ông Dũng còn cho biết thêm các gói chính sách giải cứu, cứu trợ là cần tức thì, không nên phân biệt về điều kiện vì đây là gói cấp cứu.
Từ Thức (t/h)