Nghị sĩ Mỹ yêu cầu Tổng giám đốc WHO từ chức vì bao che cho Trung Quốc
Thượng nghị sĩ Mỹ Martha McSally mới đây đã lên tiếng kêu gọi Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức vì cho rằng ông Tedros đang giúp Trung Quốc che đậy thông tin dịch bệnh Vũ Hán (Covid-19), theo South China Morning Post.
Hôm 2/4, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa thuộc bang Arizona Martha McSally phát biểu trên đài Fox Business rằng, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus – Tổng giám đốc WHO cần phải từ chức vì tội che dấu việc xử lý dịch bệnh ở Trung Quốc.
“Tôi không bao giờ tin tưởng một tên Cộng sản. Sự che đậy của họ về loại virus có nguồn gốc từ Trung Quốc đã gây ra những cái chết không đáng trên khắp nước Mỹ và trên toàn thế giới”, bà McSally, người sẵn sàng bước ra tái tranh cử tại bang Arizona vào mùa thu năm nay cho biết.
“WHO cần ngừng lại việc bao che cho họ [Trung Quốc]. Tôi nghĩ rằng Tiến sĩ Tedros cần phải từ chức. Chúng ta cần thực hiện một số hành động để giải quyết vấn đề này. Những gì WHO đã làm thật vô trách nhiệm, vô lương tâm với những cái chết đã xảy ra trên toàn cầu”.
Bà McSally cũng nhắc đến việc “phải xem xét lại cách giải quyết vấn đề của WHO”. Bà cũng nói rằng các khoản nợ của Mỹ đối với Trung Quốc “ít nhất là nên được miễn trừ”.
Tuyên bố của bà McSally là một phần trong loạt chỉ trích của đảng Cộng hòa đối với tổ chức này. Trước đó hôm 31/3, Thượng nghị sĩ Rick Scott cũng đã kêu gọi một cuộc điều tra Quốc hội về WHO và ẩn ý, có lẽ Mỹ nên rút tiền tài trợ cho WHO vì tổ chức này đang “che đậy việc virus Vũ Hán lây lan khắp Trung Quốc”.
Phát ngôn viên của WHO, Tarik Jasarevic, không trực tiếp trả lời các yêu cầu của bà McSally. Nhưng ông cho biết WHO hy vọng các thành viên sẽ báo cáo dữ liệu dịch bệnh một cách kịp thời và chính xác.
“Thành viên của WHO cũng như các tổ chức đăng ký theo các quy định y tế quốc tế đều phải có trách nhiệm ưu tiên y tế công cộng, trong nước và quốc tế. Không chỉ bởi vì các tiêu chuẩn y tế toàn cầu đặt ra như vậy, mà bởi vì cả hai đều liên kết chặt chẽ với nhau, vì đại dịch này rõ ràng đã ở mức độ toàn cầu”, ông Jasarevic nói.
Trong khi Trung Quốc tuyên bố về cơ bản, họ đã đã tống khứ được loại virus Vũ Hán chết người đang giết chết hàng ngàn người Mỹ, thì hàng loạt báo cáo mới xuất hiện gần đây đã làm dấy lên nghi ngờ đối với tuyên bố “đầy màu hồng” của Trung Quốc.
Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã lên án với thái độ giận dữ về cách Trung Quốc xử lý dịch bệnh Vũ Hán. Cụ thể, các cố vấn khoa học của chính phủ Anh cảnh báo Thủ tướng Boris Johnson rằng Trung Quốc có thể đã báo cáo giảm số ca nhiễm và ca tử vong tại nước này xuống từ 15 đến 40 lần so với số liệu thực tế.
Chính phủ Anh cũng tin rằng Trung Quốc đang tìm cách tạo dựng quyền lực và mưu cầu lợi ích kinh tế trong khi thế giới phải đối mặt với đại dịch. Trung Quốc đưa ra những lời mời chào giúp đỡ đến các nước trên thế giới, theo Daily Mail.
Để lấy lại danh tiếng, chính quyền Trung Quốc đã cung cấp hỗ trợ y tế cho các quốc gia đang bị virus corona Vũ Hán càn quét như Ý, Tây Ban Nha, Iran v.v… Một giới chức Anh tuyên bố Trung Quốc sẽ phải nhận “hậu quả” sau khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán kết thúc.
Ngân Khánh (Theo South China Morning Post)