Chính phủ Mỹ được vay nợ tối đa 16.700 tỷ USD
Nước Mỹ chính thức thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ sau khi kế hoạch nâng giới hạn vay mượn được Thượng viện thông qua và Tổng thống Obama ký duyệt.
Với 74 phiếu thuận trên tổng số 100 ghế Nghị sĩ, Thượng viện Mỹ đã thông qua kế hoạch nâng giới hạn vay nợ cho Chính phủ vào lúc 12 giờ (giờ địa phương) ngày 2/8. Kế hoạch “giải cứu” này được Tổng thống Barack Obama ký ban hành ngay sau đó.
Tổng thống Obama công bố chính thức về việc nâng giới hạn nợ thêm 2.400 tỷ USD. Ảnh: AFP |
Như vậy, trần vay nợ của Mỹ đã chính thức được nâng thêm 2.400 tỷ USD so với mức 14.300 tỷ hiện tại kể từ ngày 2/8. Việc nâng trần diễn ra chỉ 10 giờ trước khi Chính phủ nước này cạn kiệt tài chính để thanh toán các khoản chi công và bị coi là vỡ nợ.
Tuy được nâng giới hạn vay mượn nhưng theo kế hoạch vừa thông qua, Chính phủ Mỹ sẽ phải tuân theo một chế độ “kiêng khem” hà khắc với việc cắt giảm 2.100 – 2.300 tỷ USD chi tiêu trong vòng 10 năm tới. Cùng với đó, Quốc hội Mỹ cũng sẽ lập ra một ủy ban đặc biệt với 12 thành viên nhằm xem xét khả năng cắt giảm tiếp 1.500 tỷ USD chi tiêu của Chính phủ trong vòng một thập kỷ tới.
Nợ và giới hạn vay nợ của Mỹ kể từ năm 1980 đến nay. Nguồn: BBC |
Kế hoạch cắt giảm này, theo lịch trình, sẽ được trình ra 2 viện vào tháng 11 tới. Theo hãng tin BBC, nguồn cắt giảm sẽ chủ yếu đến từ khu vực công như lương hưu, trợ cấp nông nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Thuyết phục được 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa, và sau đó là 2 viện Quốc hội Mỹ chấp thuận kế hoạch nâng trần vay nợ cho Chính phủ được xem là một thành công của Tổng thống Obama khi mức tăng 2.400 tỷ USD sẽ đảm bảo khả năng chi tiêu cho nước Mỹ cho đến hết năm 2013. Điều này đồng nghĩa với việc Tổng thống Mỹ sẽ không phải một lần nữa đau đầu về vấn trần nợ trước khi tái ứng cử vào năm 2012.
Tuy vậy, vấn đề chi tiêu quá tay của Chính phủ, trong khi phúc lợi xã hội bị cắt giảm, vẫn sẽ là một mối quan ngại lớn đối với kinh tế Mỹ. Theo số liệu của IMF, nợ công của Mỹ hiện đã vượt GDP của nước này khoảng 500 tỷ USD.
Nợ năm 2011 của Mỹ hiện đã vượt GDP khoảng 500 tỷ USD. Số liệu: IMF, White House. |
Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến cả 3 hãng xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới là S&P, Fitch và Moody’s hiện đều cho biết đang xem xét lại định mức tín nhiệm đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khơi mào là S&P vào ngày 18/4 khi hãng này tuyên bố đưa xếp hạng của Mỹ vào diện xem xét trừ khi Chính phủ đưa ra kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách và nợ trước năm 2013.
Đến hôm qua 2/8, Fitch cũng khẳng định đang xem xét hạ xếp hạng của Mỹ bởi khối nợ của nước này ngày một lớn và không còn phù hợp với xếp hạng AAA. Ngay sau khi kế hoạch nâng trần nợ được công bố, đến lượt Moody’s bày tỏ sự quan ngại với tín nhiệm nợ của Mỹ. Hãng này cho biết đang xem xét hạ xếp hạng của Mỹ khỏi mức Aaa hiện tại.
Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử (kể từ năm 1917) Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm và sẽ khiến nước này tốn thêm khoảng 100 tỷ USD mỗi năm để trả lãi vay.
Nhật Minh