Sinh viên biểu tình ở Venezuela
Ít nhất hai người đã bị bắn chết trong một cuộc biểu tình sinh viên ở thủ đô Caracas của Venezuela.
Một nhà hoạt động ủng hộ chính phủ và ít nhất một sinh viên cũng bị sát hại trong vụ nổ súng này, các quan chức Venezuela cho biết.
Ít nhất 23 người được cho là đã bị thương trong các cuộc tuần hành trên khắp đất nước.
Tổng thống Nicolas Maduro đang đối mặt với các chỉ trích ngày càng tăng trước các vấn kinh tế của đất nước và bạo lực dâng cao.
‘Bọn phát xít’
Trong bài phát biểu trên đài truyền hình quốc gia sau đó, ông Maduro đã lên án bạo lực và kêu gọi bình tĩnh.
Các sinh viên Venezuela đang biểu tình phản đối việc bắt giữ một số sinh viên hồi đầu tuần nhân ngày kỷ niệm 200 năm Trận chiến Thắng lợi hay còn được gọi là Ngày Thanh niên Venezuela khi mà các sinh viên bảo vệ một thành phố trước quân đội Tây Ban Nha.
Các lãnh đạo đối lập cũng tham gia vào cuộc tuần hành.
Bên cạnh các cuộc biểu tình của lực lượng đối lập, nhiều người Venezuela cũng xuống đường để ủng hộ chính phủ.
Ông Diosdado Cabello, chủ tịch Quốc hội, cáo buộc phe hữu gây ra các hành động bạo lực.
“Bọn phát xít đã sát hại một đồng chí,” ông Cabello phát biểu trên truyền hình quốc gia.
Tuy nhiên một đại biểu Quốc hội hàng đầu là bà Maria Corina Machado nói bạo lực bùng phát khi các sinh viên bị các nhà hoạt động ủng hộ chính quyền vây quanh.
Lãnh đạo đối lập Henrique Capriles cũng kêu gọi bình tĩnh.
“Bạo lực không bao giờ là phương cách! Chúng tôi tin tưởng rằng đa số mọi người đều nói không và lên án bạo lực,” ông Capriles viết trên tài khoản của ông trên mạng xã hội Twitter.
Khủng hoảng kinh tế
Ở những nơi khác ngoài Caracas, sinh viên đã biểu tình được một tuần và đông nhất là ở các thành phố Merida và Tachira.
Họ không hài lòng với tình trạng thiếu an ninh trong khuôn viên các trường đại học cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước.
Chính quyền đã bắt giữ một số sinh viên. Hành động này đã châm ngòi thêm các cuộc biểu tình đòi trả tự do cho những người bị bắt giữ.
Mới đây, Venezuela đã loan báo các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại tệ và kích thích kinh tế.
Họ cũng áp đặt giới hạn 30% lợi nhuận cho các doanh nghiệp – một phần trong chương trình mà ông Maduro gọi là ‘phản công kinh tế’.
Hồi tháng 11 năm ngoái, ông Maduro được trao quyền lực đặc biệt để cai trị đất nước bằng các sắc lệnh trong một năm để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế.
Mặc dù có trữ lượng dầu mỏ dồi dào, Venezuela đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt các nhu yếu phẩm như đường, dầu ăn và giấy vệ sinh.
Các sắc lệnh do ông Maduro ban bố bao gồm kiểm soát giá cả ô-tô mới cũng như ô-tô đã qua sử dụng.
Theo BBC