Giá thực phẩm kéo CPI Hà Nội và TPHCM tăng cao
Theo cơ quan thống kê, CPI tháng 7 của Hà Nội đã tăng tốc và là mức tăng cao nhất của tháng 7 của 3 năm trở lại đây.
CPI tháng 7 tại Hà Nội và TP.HCM đều tăng
Nguyên nhân khiến CPI tháng 7 tăng chủ yếu do giá thực phẩm tăng, mức tăng của nhóm này lên tới 3,74% , kéo theo ăn uống ngoài gia đình tăng 2,73%. Theo phân tích, nguồn cung thực phẩm hiện chưa ổn định và có những khó tăng từ chi phí đầu vào cao, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng giá…
Trong khi đó, CPI lương thực tháng 7 giảm tới 1,96% so với tháng trước. Ngoài ra, tỷ giá duy trì khá ổn định trong một thời gian dài, việc điều chỉnh giá xăng dầu, điện đã hết lực tác động đẩy giá cả tăng thêm, gas giảm giá từ 1/7… là những yếu tố khiến cho khoảng 2/3 số nhóm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tính CPI chỉ tăng nhẹ so với tháng trước.
Cũng liên quan đến CPI tháng 7, Cục thống kê TP.HCM cho biết mức tăng là 1,07% so với tháng 6, so với tháng 7/2010 chỉ số này tăng 17,89% (cùng kỳ tăng 8,71%).
Trong tổng số 11 nhóm hàng tính chỉ số giá thì có tới 10/11 nhóm có mức giá tăng, trong đó 3 nhóm tăng trên mức tăng giá chung và chỉ riêng nhóm Bưu chính viễn thông là giảm nhẹ 0,01%.
Từ đầu năm đến nay, nhóm hàng lương thực liên tục tăng nhưng tháng có mức tăng thấp nhất là tháng 7/2011 với mức tăng 0,35%, tính chung 7 tháng thì giá hàng lương thực tăng 7,93%.
Nhóm thực phẩm diễn biến tương tự với mức tăng trong tháng 7 là 1,92%. Trong đó, các mặt hàng tăng so tháng trước gồm: thịt heo, thịt bò, thịt gà, trứng các loại, thủy sản tươi sống, thủy sản chế biến, rau xanh, trái cây…
Tính chung 7 tháng giá các mặt hàng thực phẩm tại TP.HCM tăng 20,67%, đứng sau nhóm giao thông.
CPI bình quân 7 tháng năm 2011 so với cùng kỳ năm trước tăng 13,36% (cùng kỳ tăng 9,55%). Chỉ số giá USD giảm 0,03% so với tháng trước, tăng 8,01% so với tháng 7/2010.
Quỳnh Anh