Dấu hiệu cho thấy kinh tế Eurozone hồi phục khiêm tốn
Khảo sát điều tra của Markit Economics công bố ngày 5/2 cho hay hoạt động kinh doanh của khu vực tư nhân ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng 1/2014 là khả quan nhất kể từ tháng 6/2011. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy kinh tế khu vực này đang hồi phục khiêm tốn.
Người dân đi mua sắm tại Ireland. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Chỉ số Quản lý sức mua tổng hợp Eurozone (PMI) trong tháng 1/2014 tăng lên 52,9 điểm, so với 52,1 điểm trong tháng 12/2014 – tháng tăng thứ bảy liên tiếp. Mặc dù thấp hơn con số sơ bộ 53,2 điểm được công bố trước đó, nhưng đây vẫn là mức tăng cao nhất kể từ tháng 6/2011 và là khởi đầu đáng khích lệ cho khu vực này trong năm nay.
Theo Market, sự hồi phục này chủ yếu nhờ lĩnh vực chế tạo. Báo cáo công bố hồi đầu tuần của Markit cho hay chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tạo của Eurozone đã chạm mức cao nhất trong 32 năm qua là 54 điểm trong tháng 1/2014, so với 52,7 điểm trong tháng 12/2013. Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ phục hồi chậm hơn, tăng lên 51,6 điểm trong cùng thời gian này, so với 51 điểm trong tháng 12/2013.
Trong tháng 1/2014, PMI tổng hợp (Composite PMI) của Đức chạm mức cao nhất trong 31 tháng trở lại đây là 55,5 điểm, trong khi chỉ số này của Đức chạm mức cao nhất trong 78 tháng qua là 54,8 điểm. PMI tổng hợp của Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone, cải thiện và nhích lên 48,9 điểm, nhưng vẫn ở vùng tăng trưởng âm (dưới 50 điểm).
Nhà kinh tế chủ chốt của Markit, Chris Williamson, nhận định kinh tế Eurozone có thể tăng trưởng 0,5% trong quý 1/2014 và nếu khu vực này đạt mức tăng trưởng đó, thì mức dự báo tăng trưởng 1% cho cả năm 2014 được cho là còn khá thận trọng. Các nhà phân tích nhận định kinh tế Eurozone dần tăng tốc và sự lạc quan vào tương lai cũng đang gia tăng. Eurozone đang trên đà phục hồi mạnh dần lên.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Williamson tỏ ra e ngại rằng đà phục hồi hiện quá phụ thuộc vào lĩnh vực chế tạo. Mặc dù lĩnh vực dịch vụ đã tăng trưởng trở lại, nhưng nhịp độ tăng trưởng còn yếu phản ánh nhu cầu trong nước vẫn chậm phục hồi tại nhiều nước Eurozone, đáng chú ý là Pháp và Italy. Trong khi đó, lòng tin của người tiêu dùng ở những nước này là nhân tố quan trọng mang lại sự phục hồi mạnh mẽ hơn.
Kinh tế Eurozone thoát khỏi suy thoái kéo dài 18 tháng qua trong quý 2/2013 với mức tăng trưởng 0,3%, nhưng sau đó tăng chậm lại 0,1% trong quý 3/2013, làm dấy lên nỗi lo ngại đà phục hồi chững lại. Các số liệu được công bố gần đây cho thấy khu vực này đang có dấu hiệu phục hồi khả quan hơn./.
Theo Vietnam+