Thế giới lao vào cuộc đua tàu sân bay
Mặc dù xuất hiện tranh cãi ngày
một lớn về chi phí và sự phù hợp của các tàu sân bay, nhưng hải quân các nước vẫn tiếp tục gia tăng đội tàu của mình với tốc độ chưa từng thấy
kể từ Thế chiến II.
Trình diễn sức mạnh
Mỹ – nước có số tàu sân bay nhiều
hơn mọi quốc gia khác cộng lại – thiết lập được sức mạnh hải quân như Anh,
Pháp và Nga đang theo đuổi. Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc thuộc nhóm các nền kinh
tế mới nổi cũng không ngừng tăng tốc.
“Toàn bộ ý tưởng nhằm trình diễn sức mạnh, quyền lực”, phó Đô đốc Philippe Coindreau, chỉ huy
đội đặc nhiệm của hải quân Pháp dẫn đầu cuộc không kích vào Libya từ 22/3, cho
biết.
Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp. Ảnh: AP |
“Một tàu sân bay hoàn toàn phù
hợp với các kiểu xung đột này, và con tàu ấy đã chứng tỏ nó mỗi ngày”, ông
nói trong một cuộc phỏng vấn thực hiện tại tàu sân bay Pháp Charles de Gaulle,
mang sứ mệnh tấn công vào các lực lượng của lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi kể từ
cuộc can thiệp của liên quân vào Libya bắt đầu ngày 22/3.
Tàu sân bay hạt nhân trọng tải
42.000 tấn đã cùng tham gia chiến dịch với một tàu nhỏ hơn – tàu Giuseppe
Garibaldi của Italy 14.000 tấn. Không có tàu sân bay nào của Mỹ tham gia cho dù
lực lượng Mỹ có mặt trong cuộc chiến này ở giai đoạn đầu tiên.
Hải quân Mỹ vẫn sở hữu 11 tàu sân
bay hạt nhân, hầu hết là tàu lớp Nimitz có trọng tải lên tới 100.000 tấn. “Pháo
đài nổi” trở thành xương sống sức mạnh biển của Mỹ sau Thế chiến II, trình diễn
sức mạnh quân sự Mỹ trong các cuộc khủng hoảng khắp thế giới như Triều Tiên,
Iraq, Kosovo và Afghanistan.
Theo Lee Willett, phụ trách
chương trình nghiên cứu hàng hải tại Viện nghiên cứu Royal United Services có
trụ sở ở London, cho hay, cuộc chiến tại Libya đã minh chứng cho tính hữu ích
của các tàu sân bay.
Pháp và Italy, hai quốc gia thành
viên NATO gần gũi nhất bờ biển Bắc Phi, đã chọn cách triển khai các tàu trong
chiến dịch cho dù họ có các căn cứ không quân gần hơn, ông nhấn mạnh. “Trên
khắp thế giới, những cường quốc hải quân hay lực lượng hải quân chưa lớn lắm đều
tìm kiếm việc tạo lập sức mạnh không quân trên biển”, Willett nói. “Họ có thể
không muốn là những cường quốc toàn cầu, nhưng chắc chắn mong muốn có sức
mạnh trong khu vực”.
Căn cứ không quân di động
Rất khó xác định số lượng chính xác các tàu sân
bay đang hoạt động trên khắp thế giới vì sự tồn tại của các
tàu này được phân thành nhiều loại khác nhau như tàu chiến đổ bộ, tàu sân bay
trực thăng hay tàu khu trục – nhưng tóm lại tàu sân bay được xem như là một căn
cứ không quân di động có bãi đáp cho máy bay cất cánh, hạ cánh.
Trong số này, 8 tàu tấn công đổ
bộ lớp Wasp trọng tải 41.000 tấn của Mỹ. Tàu lớp Mistral của Pháp; HMS Ocean của
Anh và Juan Carlos I của Tây Ban Nha đều được coi là các tàu sử dụng đa mục
đích, có thể mang máy bay chiến đấu, trực thăng và hàng trăm lính thủy đánh bộ
cho các chiến dịch đổ bộ. Thậm chí các tàu khu trục lớp Hyuga của Nhật cũng được
coi là các tàu sân bay hiệu quả. Tàu này có thể mang nhiều trực thăng trên boong
và có hầm chứa máy bay phía dưới.
“Nói chung, tàu sân bay trở nên phổ biến vì đây là những nền tảng rất linh hoạt có thể được sử
dụng cho nhiều nhiệm vụ, không chỉ trong chiến tranh”, Nate Hughes,
giám đốc phân tích quân sự tại tổ chức cố vấn Stratfor, Mỹ cho biết.
Hải quân Mỹ dự kiến sẽ giới thiệu
Gerald R. Ford, tàu chỉ huy của nhóm ba 3 siêu tàu sân bay lớp mới, vào năm
2015. Mỗi chiếc có trị giá khoảng 9 tỉ USD.
Các nước khác trong NATO đang bổ
sung thêm cho hạm đội tàu sân bay của họ gồm Anh, hiện đang đóng hai chiếc, và
Pháp đang cân nhắc mua tàu sân bay hạt nhân thứ hai. Tây Ban Nha và Italia vừa
đưa ra hai tàu sân bay mới.
Trung Quốc và Ấn Độ đều trong quá
trình nâng cấp các tàu sân bay xây dựng thời Liên Xô. Ấn Độ cũng đang phát triển
tàu sân bay nội địa đầu tiên. Nga sẽ hiện đại hóa tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov
trong năm tới để gia tăng thời hạn hoạt động của tàu sau năm 2030 và lên kế
hoạch tậu các tàu lớp Mistral của Pháp.
Brazil đã hoàn tất quá trình nâng
cấp tàu sân bay Foch gần đây mua từ Pháp, giờ đổi tên là Sao Paolo. Con tàu này
giờ đây trở thành tàu đô đốc của Hải quân Brazil. “Hải quân các thành viên
BRIC đặc biệt chú tâm tới tàu sân bay”, Willett nói.
Một số chuyên gia quân sự vẫn
tiếp tục tranh cãi về sự phù hợp của tàu sân bay. Theo các người phê bình,
khái niệm căn cứ không quân trên biển giờ đây đã lỗi thời. Họ lập luận rằng,
tiến bộ trong các vũ khí chống hạm khiến cho tàu sân bay trở nên quá tốn kém và
rủi ro cao trong một cuộc chiến.
Trong khi các tàu sân bay mang
máy bay, tên lửa được xem là “pháo đài bất khả chiến bại”, thì thực tế là, kể từ
Thế chiến II, phần lớn chúng được sử dụng trong các cuộc xung đột với những đối
thủ yếu hơn nhiều. Chúng chưa từng chạm mặt những lực lượng hải quân hiện đại
với tên lửa đạn đạo “sát thủ tàu sân bay”, siêu ngư lôi hay tên lửa siêu thanh.
“Những công nghệ mới khiến cho
các vũ khí hiện đại dễ dàng hơn trong tiếp cận mục tiêu tàu sân bay từ khoảng
cách lớn hơn nhiều”, Benjamin Friedman, nhà nghiên cứu tại Viện CATO ở
Washington nói. “Công nghệ ấy có khả năng tấn công nhanh hơn việc phòng thủ,
nghĩa là trong hai thập niên tới, tàu sân bay có thể không tồn tại”.
-
Thụy Phương (Theo AP)