Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Nhà ga thành chợ tết, nhân viên thành… xe ôm
Một lãnh đạo của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã xác nhận việc trễ hẹn của tuyến đường sắt này đã khiến nơi đây biến thành chợ tết với đủ loại hoa, quất cảnh và các mặt hàng gốm… Không những vậy, gần 700 nhân viên thuộc dự án này cũng đã bị dừng hợp đồng phải đi chạy xe ôm sống qua ngày.
Theo ghi nhận phóng viên, 10 ngày trước Tết Nguyên đán Canh Tý, một số tiểu thương đã sử dụng khuôn viên đường sắt Cát Linh – Hà Đông để bày bán hàng trăm chậu quất cảnh, các loại hoa và cả mặt hàng gốm sứ…
Nhà ga tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông thành chợ cây cảnh tết
Ga Cát Linh với mặt tiền hướng ra ngã 5 Giảng Võ trở thành địa điểm bị lấn chiếm đầu tiên. Tiếp đó là các nhà ga với mặt tiền hướng ra Hào Nam và ga nằm trên đường Láng…
Các chậu quất quả vàng trĩu nằm la liệt cứ thế được xếp san sát từ trong gầm nhà ga ra đến tận vỉa hè bên ngoài. Nằm kế bên hàng quất cảnh là ‘siêu thị’ gốm sứ với đủ loại lọ hoa, bát hương, đồ thờ cúng cho người đi đường lựa chọn…
Sau khi các sạp hàng được mở ra, lòng đường phố Cát Linh nhanh chóng trở thành nơi đỗ xe cho khách mua hàng. Những sợi xích làm hàng rào ngăn cách nhà ga với lòng đường cũng bị tháo bỏ.
Trao đổi với phóng viên, một tiểu thương bán quất cảnh cho biết, anh đã ra đây được ít ngày, kê tạm giường ở hầm cầu Láng để ngủ và trông coi quất cảnh. Từ khi bắt đầu bán thì lượng khách hàng đến mua cũng khá đông. Một cây quất anh bán với giá từ 400 – 600 ngàn đồng.
Được biết, trước đó, chiều ngày 12/1, Công an phường Thịnh Quang (Đống Đa) đã có mặt để xử lý các tiểu thương bày bán quất, đào lấn chiếm vỉa hè.
Nhưng chỉ sau đó 1 ngày, số cây cảnh được bày ra vỉa hè thậm chí còn nhiều hơn thời điểm bị công an kiểm tra và hiện lực lượng chức năng nơi đây vẫn đang tìm cách xử lý.
Gần 700 nhân viên vận hành dự án bị dừng hợp đồng, phải đi chạy xe ôm, grab
Liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, trao đổi với phóng viên, nhiều công nhân vận hành dự án này cho biết họ đã bị cho dừng hợp đồng lao động từ ngày 15/12/2019 và nhiều người trong số họ gặp khó khăn phải chạy Grab để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
“Lương hàng tháng chỉ 4,5 triệu đồng. Trước khi dừng hợp đồng, công ty thưởng Tết 300.000 đồng – 500.000 đồng. Hiện tôi và rất nhiều anh em phải chạy Grab để kiếm sống và tiền tiêu Tết”, một số công nhân thuộc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro, đơn vị vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông và các tuyến metro) cho hay.
Xác nhận sự việc trên, lãnh đạo Hanoi Metro cho biết thêm, đơn vị không chỉ dừng hợp đồng với một vài công nhân mà đã dừng hợp đồng với toàn bộ 681 công nhân vận hành dự án Cát Linh – Hà Đông từ ngày 15/12/2019 do thời hạn hợp đồng ngắn hạn với công nhân đã hết trong khi dự Cát Linh – Hà Đông không hoạt động theo kế hoạch và ngân sách thành phố chưa cấp thêm.
“Các hợp đồng với công nhân vừa qua là hợp đồng phục vụ công việc vận hành thử nghiệm. Theo kế hoạch đến khi hết hợp đồng vận hành thử (15/12/2019), dự án sẽ khai thác thương mại và chúng tôi sẽ ký hợp đồng chính thức với công nhân. Nhưng dự án trễ hẹn nên không thực hiện được theo kế hoạch…
Chúng tôi đã có báo cáo đến UBND thành phố cấp kinh phí để có thể ký hợp đồng trả lương cho công nhân. Khi có kinh phí, chúng tôi sẽ ký lại hợp đồng ngay với các công nhân”, lãnh đạo Hà Nội metro cho hay.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông hiện có chiều dài 13km, được khởi công vào tháng 10/2011, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2015 với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD đến nay đã bị đội vốn lên 891 triệu USD (chủ yếu vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc).
Qua nhiều lần hứa hẹn, đến nay sau 11 năm phê duyệt, 8 năm thi công, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng và chỉ còn 1% các hạng mục phụ trợ, nhưng vẫn chưa thể đưa vào khai thác…
Vũ Tuấn (t/h)