Lương Thế Vinh chống hối lộ và sách nhiễu thế nào?
Thời vua Lê Thánh Tông, mới bước vào quan trường, quan Hàn lâm Lương Thế Vinh đã ba lần dâng sớ tâu hặc bọn ăn hối lộ, bọn cậy quyền cậy thế.
Trong các nhà khoa bảng của Việt Nam rất ít người giỏi toán. Một trong số hiếm hoi những vị Trạng nguyên giỏi toán của nước ta là Lương Thế Vinh, người được dân gian gọi là Trạng Lường. Bên cạnh những tác phẩm văn học, hai cuốn Đại thành toán pháp và Khải minh toán học của ông được coi là sách giáo khoa về toán của người Việt.
Tranh minh họa.
Nắm chắc các quan thì chính sự không thể sai lầm
Trạng Lường Lương Thế Vinh người thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Hà Nam, 23 tuổi đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên khoa Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận thứ 4 – 1463) đời Lê Thánh Tông. Người đương thời gọi ông là thần đồng vì khả năng học mau thuộc, nhanh hiểu, khả năng sáng tạo trong các trò chơi và tính toán nhanh. Ông làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị giảng chưởng viện sử Nhập thị Kinh điên, tri sùng văn quán. Phàm các văn thư từ lệnh bang giao với nhà Minh đều do ông soạn thảo. Tiếng tăm của ông lừng lẫy khắp Trung Nguyên.
Lương Thế Vinh còn nổi tiếng với tài năng toán học. Trong các tác phẩm của ông để lại gồm Đại thành toán pháp và Khải minh toán học. Quyển Đại thành toán pháp của ông được đưa vào chương trình thi cử suốt 450 năm trong lịch sử khoa cử của Việt Nam. Ông cũng được xem là người đã chế ra bàn tính gẩy cho người Việt. Ông được nhân dân gọi là Trạng Lường.
Trong quá trình làm quan, Lương Thế Vinh đã nhận định về tình hình quan chức thời bấy giờ: “… Thời nay, cho rằng cả trăm quan đều không làm hết chức trách là không đúng. Nhưng nói rằng cả trăm quan đều làm hết chức trách cũng không đúng”. Ông còn nhấn mạnh: Việc yên hay loạn là do các quan. Từ đó suy ra việc sửa mình của các quan hay không há chẳng liên quan đến việc yên hay loạn đó sao”.
Cũng từ đó Lương Thế Vinh đề xuất với nhà vua rằng: “Cần phải khảo tích xem rõ đúng sai, nắm chắc các quan chính là như vậy. Đã nắm chắc các quan thì chính sự không thể sai lầm, tệ xấu bỏ được, tất dân được nhờ, mà việc tốt không thể không làm được”.
Một năm 3 lần dâng sớ
Những tư tưởng đúng đắn và thẳng thắn đó của Lương Thế Vinh đã trở thành tư tưởng chủ đạo và là kim chỉ nam trong suốt quá trình làm quan của ông.
Năm Đinh Hợi (1467), thời vua Lê Thánh Tông, mới bước vào quan trường, quan Hàn lâm Lương Thế Vinh đã ba lần dâng sớ tâu hặc bọn ăn hối lộ, bọn cậy quyền cậy thế. Tháng Giêng năm Đinh Hợi (1467), Lương Thế Vinh thấy giám sát ngự sử Quản Công Thiêm nhận tiền hối lộ của Hàn Tông Nghiệp để dung túng tội ác của hắn, ông đã tâu hặc lên nhà vua. Vua Lê Thánh Tông đã hạ lệnh bắt giam Quản Công Thiêm. Vào tháng ba, Lương Thế Vinh lại phát hiện chỉ huy sứ vệ Vũ Lâm là Lê Tông Vĩnh khai man tung tích để được thăng thưởng.
Lê Tông Vĩnh vốn là con Nguyễn Cố người huyện Gia Viễn (Ninh Bình), làm con nuôi Tổng quản Lê Nguyên, được đổi họ Lê, nay khai man là con đẻ để được tập ấm, được thăng bổ chức tước. Nhà vua đã cách chức Lê Tông Vĩnh. Và cũng trong tháng ba này (năm 1467) Lương Thế Vinh lại dâng sớ tâu hặc Trấn điện tướng quân Bùi Huấn về tội rối loạn nhân luân, coi thường lễ giáo, ruồng bỏ vợ làm vợ ốm chết để lấy người khác trẻ đẹp hơn, khiến nhà vua phải đưa ra pháp tu xét xử trị tội làm gương cho kẻ khác.
Những việc làm trên của Trạng Lường Lương Thế Vinh khiến đình thần phải nể sợ. Vua Lê Thánh Tông càng quý trọng tài đức của ông.
Đức Chí
Theo kienthuc