Rúng động tin đồn: Đỉa trong sữa và hủ tiếu chuột cống
Năm 2013 được đánh giá là năm xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt liên quan đến thực phẩm. Cùng điểm danh 5 tin đồn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp có sản phẩm dính vào vòng “bủa vây” của những thông tin này.
1. Hạt hướng dương gây teo não
Theo “Giờ cao điểm tin tức tối” của CCTV lên sóng ngày 22.2 , cơ quan chức năng thành phố Tô Châu (Chiết Giang) đã cho lấy mẫu kiểm tra các loại hạt hướng dương rang được tiêu thụ trên thị trường, kết quả phát hiện 7 loại hạt hướng dương có chất chất phèn nhôm và bột talc – hóa chất công nghiệp có thể gây ung thư và teo não.
Khi xuất hiện tin này, người dân đã vô cùng hoang mang bởi hướng dương là loại thực phẩm phổ thông và được nhiều người sử dụng.
Ngày 28.2, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Quang Trung khẳng định, Cục đã giao Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia lấy mẫu hạt hướng dương trên thị trường, đặc biệt là hướng dương đã chế biến có nguồn gốc Trung Quốc để kiểm tra.
Ngày 3.3, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, không phát hiện hóa chất phèn nhôm và bột talc trong 10 mẫu hạt hướng dương do Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia thực hiện.
2. Nhiều loại thực phẩm dính tin đồn có đỉa
Năm 2013 rộ lên hàng loạt các tin đồn về sự xuất hiện của các “sinh vật lạ” trong nhiều loại thực phẩm. Có thể kể tới tin đồn sữa có đỉa, bánh có đỉa, mì tôm có sinh vật lạ…
Những tin đồn như “trong sữa có đỉa” đã gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sữa nội địa mặc dù các nhà khoa học và cơ quan chức năng đã vào cuộc và khẳng định đỉa không thể phát triển và tồn tại trong sữa. Hiệp hội Sữa cảnh báo, nếu tin đồn thất thiệt sữa có đỉa không được ngăn chặn kịp thời, các doanh nghiệp sẽ không thể bán được sản phẩm, hệ quả là người nông dân chăn nuôi bò sữa cũng không thể bán được sữa cho các doanh nghiệp chế biến. Như vậy, không chỉ doanh nghiệp mới hứng chịu hậu quả mà người lao động, nông dân và người chăn nuôi cũng không khỏi rủi ro.
Về tin đồn “sinh vật lạ” trong sản phẩm mì tôm nhãn hiệu 3 Miền được phát hiện tại một gia đình ở xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh, chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường xác minh thông tin và lấy mẫu mì gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Kết quả kiểm nghiệm của Viện không phát hiện sinh vật lạ, sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời Cục ATTP cũng khẳng định mì tôm là sản phẩm trong quá trình chế biến có xử lý ở nhiệt độ cao (trên 100oC) và khi người tiêu dùng sử dụng cũng lại một lần nữa nung nấu ở nhiệt độ sôi 100oC do đó không thể có sinh vật lạ trong sản phẩm. Trong trường hợp này ‘sinh vật lạ’ được tìm thấy trên nền nhà được xác định là sán dây xuất phát từ chó mèo… nuôi trong gia đình, được xâm nhập từ môi trường bên ngoài do sự bất cẩn trong quá trình gia đình sử dụng.
3. Thực phẩm làm từ… cao su
Ngày 09/08, ca sỹ Hồng Ngọc đang cảnh báo mọi người về một loại mỳ trứng, khi ăn có cảm giác như mỳ thật, nhưng để lâu vẫn không ôi thiu, khi đốt nó cháy khét và chảy nhựa dính như cao su.
Ngày 23/8/2013, một đoạn clip được người tiêu dùng cho thấy hình ảnh chiếc bánh trung thu thập cẩm được tách ra. Rồi một số thành phần trong nhân khi được đốt có mùi khét và hôi như cao su. Dù clip chưa được kiểm chứng, cũng như nhân vật chính trong clip không lộ diện. Nhưng nó cũng khiến không ít người hồ nghi về chất lượng của bánh trung thu, nhất là vào dịp loại bánh này xuất hiện trên thị trường.
Khi mua bò khô ở quán về ăn, nhai miếng thịt bò thấy có dấu hiệu bất thường, chị Hàn Thu Hiền, ngụ tại đường Pasteur (Q.3, TP.HCM) cùng chồng kiểm tra thì phát hiện thịt bò giống cao su.Theo phản ánh của chị Hiền, chị mua bò kho tại một quán ăn nằm trên đường số 39, gần khúc giao với đường Lâm Văn Bền, Q.7.
Liền sau đó, trên mạng cũng rộ lên thông tin mực khô làm bằng cao su tổng hợp, bã sắn dây. Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã lấy 1 mẫu mực khô nguyên con tại Chợ Đồng Xuân, 2 mẫu mực khô xé ăn liền trên phố Bạch Mai gửi Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia để đánh giá chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Kết quả cho thấy không có cơ sở kết luận đây là các loại “mực giả”, “mực cao su” hoặc cá mực được chế biến từ xenlulo như thông tin đồn.
Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP – Bộ Y tế cho biết, những loại thực phẩm, phụ gia lạ như trứng gà giả, mực khô làm từ cao su… khiến người tiêu dùng rất hoang mang nhưng qua kiểm tra chưa phát hiện những thực phẩm lạ như vậy ở Việt Nam.
4. Phụ gia biến thịt lợn thành thịt bò
Thông tin về loại phụ gia có thể “biến” thịt lợn thành thịt bò đã gây ra sự hoang mang cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay, Cục chưa phát hiện loại phụ gia này tại thị trường Việt Nam. Theo ông Hàn Tự Do, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội vừa phối hợp với Cục ATVSTP – Bộ Y tế tiến hành kiểm tra về vấn đề này tại một số cơ sở kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay chưa phát hiện loại phụ gia thực phẩm biến thịt lợn thành thịt bò trên địa bàn.
GS.TS. Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) – Bộ Y tế cho biết, dùng gia vị, phụ gia có thể tạo cho thịt lợn có mùi và màu sắc giống thịt bò nhưng bản chất không thay đổi vì thớ thịt khác nhau. Chính vì thế, người tiêu dùng không nên hoang mang trước tin đồn này.
5. Hủ tiếu nấu nước lèo bằng chuột cống
Những ngày cuối tháng 10/2013, một bài viết không rõ nguồn gốc với tựa đề “Hủ tiếu gõ được nấu bằng thịt chuột cống” xuất hiện trên một số diễn đàn, mạng xã hội. Nội dung kể về việc phát hiện 5 con chuột cống nằm trong thùng nước lèo của một hàng hủ tiếu trên địa bàn TP.HCM. Tin tức này nhanh chóng được chia sẻ và lan truyền với tốc độ chóng mặt. Những người nghèo mưu sinh bằng xe hủ tiếu gõ lại thêm một phen lao đao.
Ngay sau đó, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM khẳng định, chưa phát hiện trường hợp nào nấu hủ tiếu bằng chuột. Thông tin nấu nước lèo hủ tiếu bằng chuột không có cơ sở khoa học, bằng chứng để chứng minh.
Theo VietQ