Mặt trời sẽ chỉ mọc lại trên vùng Barrow của Mỹ vào đầu năm 2020
Mặt trời vừa lặn trên thị trấn Utqiagvik (trước đây là Barrow) thuộc bang Alaska, nước Mỹ hôm 18/11 vừa qua. Và vùng đất này sẽ chỉ đón ánh bình minh tiếp theo vào ngày 23/1 năm tới.
Vùng Bắc bán cầu của Trái đất hiện đang chìm trong mùa đông, dẫn đến thời gian ban ngày tại khu vực này ngày càng bị thu ngắn. Tuy nhiên, một số nơi thậm chí còn xảy ra tình trạng nghiêm trọng hơn.
Điển hình là thị trấn Utqiagvik, một trong những khu vực định cư lâu đời nhất nước Mỹ đang phải đối mặt với một thời kỳ dài không có ánh sáng Mặt trời.
Mỗi năm lại có 66 ngày thiếu ánh Mặt trời
Chính xác hơn, thị trấn này đang chìm vào giai đoạn đêm vùng cực. Hiện tượng này xảy ra tại các khu vực thuộc vùng cực Bắc và vùng cực Nam của thế giới khi ban đêm kéo dài hơn 24 tiếng.
Vì Trái Đất xoay quanh Mặt trời theo một góc nhất định nên những vùng cực này sẽ hoàn toàn không được ánh sáng Mặt trời chiếu vào suốt khoảng thời gian mùa đông.
Đối với Bắc Cực, thời gian này sẽ kéo dài từ khoảng tháng 9 đến tháng 3, còn với Nam Cực sẽ rơi vào tháng 3 đến tháng 9. Những khu vực càng nằm gần vùng cực sẽ trải qua giai đoạn “đêm vùng cực” càng lâu hơn, rồi sau đó đến “ngày vùng cực”.
Được biết, thị trấn Utqiagvik thuộc vùng cực Bắc của bang Alaska hiện là nơi cư trú của 4.000 người. Thị trấn nằm ở phía bắc Vòng Bắc Cực và là quê hương của người Iñupiat, một nhóm thổ dân Inuit bản địa, trong hơn 1.500 năm qua.
Thành phố này từng được gọi là Barrow cho tới 2 năm trước, một cuộc trưng cầu ý dân đã diễn ra nhằm đổi lại tên thị trấn theo đúng cội nguồn của người Inuit.
Mặc dù không có ánh sáng Mặt trời, nhưng không có nghĩa thị trấn Utqiagvik sẽ hoàn toàn bị nhấn chìm trong bóng tối. Vẫn sẽ có vài thời điểm thành phố này được đón ánh nắng Mặt trời.
Ánh sáng này lóe lên từ phía dưới đường chân trời. Mặc dù không thể nhìn thấy Mặt trời, nhưng một vài tia sáng từ nó có thể uốn quanh Trái đất, vượt lên trên đường chân trời và xuất hiện trên bầu trời Utqiagvik. Đây cũng là lý do tại sao khi bình minh lên, bạn thường sẽ thấy ánh sáng tỏa ra từ mặt trời trước khi thực sự nhìn thấy nó.
Tuy nhiên, do ánh sáng phải đi một chặng đường dài qua bầu khí quyển của Trái đất nên thường sẽ xảy ra hiện tượng nhiễu xạ, dẫn đến màu sắc của chúng bị chuyển thành sắc tím, hơi đỏ hoặc cam. Tại Utquiagvik, trong 66 ngày chìm trong đêm vùng cực, “ban ngày” ở đây thường có ánh sáng, nhưng với những sắc màu khá kỳ lạ.
Bình minh tiếp theo sẽ là ngày 23/1 năm sau
Việc định nghĩa bình minh tại khu vực này cũng khá thú vị. Liệu đó là phần đỉnh? Phần thân? Hay toàn bộ Mặt trời?
Đài quan sát hải quân Hoa Kỳ đã định nghĩa về khái niệm bình minh, hoàng hôn như sau:
“Bình minh và hoàng hôn thường là những thời điểm khi phần cạnh đỉnh của Mặt trời đang nằm tại đường chân trời ở một vị trí lý tưởng không bị cản trở bởi mọi thứ xung quanh, và vị trí này thuộc một khu vực bằng phẳng trên bề mặt Trái đất”.
Theo định nghĩa này, Utqiagvik sẽ đón bình minh tiếp theo vào khoảng 13h10, thứ Năm, ngày 23/1/2020 giờ địa phương. Mặt trời sẽ chỉ mọc lên trong thoáng chốc trước khi lại lặn đi vào khoảng 1 giờ sau đó.
Do vị trí địa lý của khu vực này nên khí hậu nơi đây sẽ trở nên lạnh hơn sau tháng 1. Và tháng 2 là thời điểm có khí hậu lạnh nhất, với nhiệt độ trung bình vào khoảng -25,7 độ C.
Huy Hoàng (Theo ZME Science)