Đây là cây đàn violon của nhạc trưởng trên tàu Titanic. Khi tàu chìm, vì biết không có đủ xuồng cứu hộ, nhạc trưởng cùng với 7 nhạc công đã chơi đàn đến khi tàu chìm hẳn. Cây đàn được ví như một biểu tượng về sự cao đẹp của con người.
Cây đàn violin được người nhạc trưởng trên tàu Titanic chơi để trấn an hành khách khi con tàu đang chìm vừa được bán với giá 900 nghìn bảng Anh (1,45 triệu USD) tương đương khoảng 30 tỷ VND. Điều này đã xác lập kỉ lục mới về giá bán cho một di vật từ con tàu xấu số.
Cây đàn violon này thuộc về trưởng ban nhạc Wallace Hartley và được tìm thấy khi vẫn đang được buộc chặt vào xác của ông. Cây đàn được bán cho một nhà sưu tập người Anh sau một cuộc đấu giá vô cùng căng thẳng và kịch tính. Cây đàn có những nét khắc chữ của Maria Robinson, vị hôn thê của Hartley để đánh dấu việc đính hôn của họ. Nó được bán kèm với hộp đựng bằng da nguyên gốc với chữ viết tắt W.H.H. Trong hàng chục năm, cây đàn này được cho là đã biến mất nhưng sau đó được tìm thấy trên gác xép của một căn nhà phía Tây Bắc nước Anh vào năm 2006, gây ra một cuộc tranh cãi về tính xác thực của nó và chỉ mới được các chuyên gia chính thức xác nhận thời gian gần đây.
Cận cảnh cây đàn violon được chơi trên con tàu Titanic bạc mệnh bởi nhạc trưởng Wallace Hartley.
Chiếc đàn được bán kèm với hộp đựng bằng da nguyên gốc với chứ viết tắt W.H.H.
Ban nhạc của Hartley đã chơi bản “Nearer, My God, to Thee” để trấn an các hành khách khi họ đang sơ tán lên các xuồng cứu hộ. Bản thân Hartley cùng 7 người nhạc công đều thiệt mạng sau khi quyết định tiếp tục chơi nhạc cho tới khi con tàu chìm hẳn.
Mức giá ban đầu được đưa ra là 50 bảng Anh. Tuy nhiên, chỉ sau vài phút, với sự tham gia của 4 người đấu giá thông qua điện thoại, nó đã vượt qua con số kỉ lục cũ là 220 nghìn bảng cho một hiện vật từ tàu Titanic. Những người tham gia buổi đấu giá đã thốt lên kinh ngạc khi mức giá chạm tới con số 350 nghìn bảng và sau đó là một sự im lặng căng thẳng khi chỉ còn 2 người tham gia đấu giá.
Andrew Aldridge, người định giá sản phẩm của nhà đấu giá cho biết rằng ông hi vọng chiếc đàn violin sẽ được giữ lại tại Anh và trưng bày tại triển lãm. “Cây đàn tượng trưng cho tình yêu, với việc người nhạc công trẻ đã buộc chặt nó vào thân mình vì đó là món quà đính hôn từ vị hôn thê của ông. Nó cũng thể hiện sự dũng cảm. Ông ấy biết là sẽ không có đủ xuồng cứu hộ. Nó tượng trưng cho mọi thứ tốt đẹp về con người, không chỉ có Wallace Hartley và ban nhạc của mình, mà còn là của tất cả những người đã thiệt mạng hôm đó”.
Chân dung nhạc trưởng dũng cảm Wallace và vị hôn phu Maria.
Hartley được tặng cây đàn làm từ gỗ tùng và gỗ phong bởi vợ chưa cưới của mình vào năm 1910. Bà đã cho gắn một miếng bạc lên cây đàn với dòng chữ khắc: “Gửi Wallace, nhân dịp chúng ta đính hôn. Từ Maria”.
Ngày nay người ta cho rằng cây đàn được tìm thấy trong túi da buộc vào xác của Hartley 10 ngày sau khi Titanic chìm, và sau đó tới tay của Robinson. Maria Robinson đã không hề kết hôn sau đó và qua đời vào năm 1939, em gái bà đã tặng cây đàn cho một ban nhạc địa phương. Sau đó nó tới tay của một giáo viên nhạc và cuối cùng là một người chủ vô danh cho tới khi nó được tìm thấy năm 2006 ở Lancanshire, Tây Bắc nước Anh.
Sau 7 năm tiến hành các thí nghiệm bao gồm cả chụp cộng hưởng từ, các nhà nghiên cứu đã tuyên bố rằng chiếc đàn là thật. Nó đã được đưa đi trưng bày ở Titanic Branson, bảo tàng lớn nhất thế giới về con tàu Titanic và sau đó là Titanic Belfast, một địa điểm du lịch ở phía Bắc Ireland.
Phan Hạnh Theo Art Daily
Nguồn: Dân Trí