Chàng trai bỏ Google về Việt Nam lập nghiệp
Từ bỏ công việc mà nhiều người mơ ước ở Google, Hoàng Tuấn Anh (sinh năm 1987) về nước và trở thành một trong những người đồng sáng lập ra nền tảng kêu gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) đầu tiên tại Việt Nam.
Chia tay “gã khổng lồ” công nghệ
Khi đang học năm thứ nhất trường ĐH Ngoại thương, Tuấn Anh được nhận vào ĐHQG Singapore (NUS) và giành học bổng toàn phần của chính phủ Singapore (được tài trợ toàn bộ tiền học phí, ăn ở, vé máy bay và tiền tiêu vặt hằng tháng).
Điều đáng nói là quy trình tuyển chọn ứng viên cho học bổng này rất khắt khe, bao gồm 3 vòng: nộp hồ sơ, thi và phỏng vấn trực tiếp.
Riêng vòng thi, những thí sinh nộp đơn phải thi một số môn phục vụ cho ngành học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đăng ký học ngành Kinh tế, Tuấn Anh phải thi Toán, Lý và Khoa học xã hội (Humantaries) bao gồm Địa lý, Sử thế giới và Kinh tế.
Hoàng Tuấn Anh. |
Ra trường, Tuấn Anh được nhận vào làm ở Google APAC (Google tại châu Á – Thái Bình Dương, trụ sở đặt ở Singapore), với nhiệm vụ nghiên cứu, liên lạc với những trang web mạnh tại Đông Nam Á và Pakistan nhằm phát triển mạng lưới cho Google Adsense (công ty quảng cáo của Google, chiếm đa số thị phần quảng cáo trên Internet của thế giới).
Tuấn Anh kể lại, Google giống như một trường đại học lớn. Ở đó, bạn không chỉ học hỏi được nhiều điều từ những người đồng nghiệp cá tính mà còn chứng kiến bộ máy khổng lồ nhưng vô cùng linh hoạt của Google. Bạn cũng được sống trong một không gian làm việc rất thoải mái với chế độ đãi ngộ rất tốt.
Tuy nhiên, làm việc ở Google 3 tháng, anh xin nghỉ và quay trở về Việt Nam. “Từ khi học trong nhà trường, Tuấn Anh đã muốn có một cái gì đó của riêng mình, để được “làm ông chủ” và “sau thời gian “trăng mật” ở Google, mình nhận ra, mỗi người chỉ là một con ốc trong một hệ thống lớn mà thôi”.
Tất nhiên, “gã khổng lồ” Google quá lớn khiến quyết định nghỉ việc không hề dễ dàng.
Là “người bắt đầu” rồi thì sao?
Crowdfunding – kêu gọi vốn từ cộng đồng là một mô hình nổi tiếng trên toàn thế giới. Theo đó, với một nền tảng crowdfunding, những người có dự án hay ý tưởng thú vị nhưng thiếu vốn, chỉ cần được cộng đồng ủng hộ là có thể trở thành hiện thực.
Hình thức kêu gọi vốn này được coi như hy vọng kinh doanh cho những người dám mơ, dám nghĩ, dám làm. Website kêu gọi vốn đầu tiên tại Việt Nam với tên gọi IG9 (cách chơi chữ của từ “ignite”: bùng cháy) ra đời cùng sáng kiến của 6 người trẻ tuổi, trong đó, có Hoàng Tuấn Anh.
Tuấn Anh cho rằng, nhìn vào những dự án trên các website crowdfunding, người ta có thể thấy những dự báo cho sự phát triển của cả một quốc gia, bởi nó phản ánh sức sáng tạo, khả năng mạo hiểm của những người trẻ tuổi.
“Những người ở thế hệ 9X, có sức trẻ, có sự nhiệt tình, có cả sự bồng bột vừa đủ. Họ lớn lên trong một nền kinh tế phát triển hơn thế hệ 8X, họ được tiếp xúc nhiều hơn, học hỏi nhanh hơn từ những luồng văn hóa mới”.
IG9 đang có những bước đi rất khó khăn, khi cộng đồng thấy crowdfunding là một hình thức gọi vốn quá mới mẻ nhưng đối với Tuấn Anh, được làm công việc hiện tại là một niềm vui.
Tuấn Anh chia sẻ, anh được giao lưu với những người mà khi kêu gọi vốn cộng đồng thì họ không quan tâm đến những quan điểm trái chiều, họ chỉ có niềm tin vào quyết tâm thành công.
Từng “đỡ đầu” cho 25 dự án, với 7 dự án thành công trong năm đầu hoạt động, là một trong những người tiên phong cho mô hình crowdfunding ở Việt Nam nhưng Tuấn Anh tỏ ra khá khiêm tốn: “Khi khởi nghiệp, bạn đừng nên nhìn vào sự hào nhoáng. Người bắt đầu chưa chắc đã là người thành công. Danh hiệu đó sẽ chẳng là gì nếu như bạn không thành công và tạo ra được những giá trị”.
Ba yếu tố làm nên thành công
Khi còn học đại học ở Singapore, Tuấn Anh từng quan niệm, thành công là phải làm được một điều gì đó to tát, cỡ “đỉnh cao sự nghiệp”. Đó là định nghĩa thành công một cách “truyền thống”. Nhưng quan niệm ấy dần thay đổi.
Giờ đây, với anh, “thành công là hiểu về chính mình và phát triển bản thân một cách tốt nhất có thể”. Nó gói gọn trong 3 yếu tố rất đơn giản: Có một gia đình tốt, đối xử với những người xung quanh thật tốt và tạo ra những ảnh hưởng tốt đối với cuộc sống của những người khác.
Anh nói: “Chúng ta hay nói đến thành công như một đích đến nhưng thực ra, cuộc sống vốn không có đích đến. Nó là một quá trình và mình hãy cố gắng sống thật tốt mỗi ngày”.
Theo Sinh Viên Việt Nam
(vtc.vn)