Dùng chén gỗ làm thuyền, vị tăng nhân để lại nhiều thần tích nơi thế gian
Bậc thần tiên phiêu diêu tự tại, đi lại trong thế gian không có gì trở ngại, còn lưu lại vô vàn thần tích. Hành tung của họ tuy kỳ lạ nhưng thường hợp đạo, người phàm tục khó mà hiểu được.
Vào thời Nam Bắc Triều có một tăng nhân tên là Bôi Độ, sở dĩ gọi là “Bôi Độ”, bởi vì ông thường ngồi trên một cái chén gỗ để qua sông, từ đó mà thành tên. Không ai biết tên thật của ông là gì.
Nhân duyên sâu xa với Lương Vũ Đế
Trong “Dậu dương tạp trở” có viết, vào một năm nọ, Bôi Độ đi đến Nam Triều, Lương Vũ Đế vốn là người hết lòng tin theo Phật pháp liền cho mời ông vào cung để được diện kiến.
Lúc Bôi Độ vào trong cung, gặp lúc Lương Vũ Đế đang đánh cờ và hô một tiếng “Giết”, nội cung thị vệ tưởng lầm là hoàng đế ra lệnh giết người, liền mang Bôi Độ đi giết.
Đợi đến lúc Lương Vũ Đế chơi cờ xong muốn gặp pháp sư, đám thị vệ nói đã theo lệnh của ông mang người đi giết rồi.
Bôi Độ trước khi chết đã nói: “Ta không có tội. Kiếp trước ta cũng là hòa thượng, trong lúc làm cỏ không cẩn thận mà giết chết một con giun. Hoàng đế kiếp trước chính là con giun đó, cho nên mới có báo ứng ngày hôm nay”. Câu chuyện này đã nói lên mối nhân duyên sâu xa của Lương Vũ Đế và Bôi Độ.
Sở hữu thần thông siêu việt
Trong “Cao tăng truyện” thời nhà Lương và “Thần tăng truyện” thời nhà Minh cũng có ghi chép lại những câu chuyện kỳ lạ của Bôi Độ.
Vào triều đại nhà Tống, Bôi Độ ở nhờ nhà của một người ở Ký Châu. Nhà này có một bức tượng vàng rất đẹp, đây chính là bức tượng mà Bôi Độ vào ba năm trước đã gửi ở nhà của một người hàng xóm nhưng bị chủ nhà hiện tại lừa lấy mất. Bôi Độ liền lấy lại bức tượng và rời đi.
Chủ nhân phát hiện ra liền cưỡi ngựa đuổi theo, nhưng ngựa dù phi nhanh thế nào cũng không thể đuổi kịp Bôi Độ đang chậm rãi đi bộ phía trước.
Lúc đến bờ sông, Bôi Độ liền bỏ hành lý ở trên vai xuống, lấy ra một cái chén gỗ, thả vào trong nước, sau đó bước lên cái chén mà nhẹ nhàng qua sông. Mọi người trông thấy vậy thảy đều kinh ngạc.
Về sau, Bôi Độ đi đến kinh thành, lúc đó ông khoảng 40 tuổi, mặc bộ đồ cũ nát, áo rách lộ cả da thịt. Có khi ngay mùa đông rét buốt lấy nước lạnh để tắm, có khi lại phơi nắng giữa mùa hè, có khi đi chân đất dạo quanh phố. Toàn bộ gia sản của ông chỉ có chiếc túi đeo trên vai.
Chiếc túi thần kỳ
Một ngày, Bôi Độ đi dạo đến chùa Diên Hiền, nơi ở của hòa thượng Pháp Ý, ông được hòa thượng sắp xếp cho một chỗ ở. Lúc này ông mới có được một trú ngụ tương đối ổn định.
Sau đó ông quyết định xuôi dòng đến Quảng Lăng, nhưng nhà đò không chịu chở khách. Bôi Độ thở dài: “Ta và ngươi vô duyên, không cần miễn cưỡng. Lại phải tự đi thuyền của ta thôi”. Thế là Bôi Độ lại lấy ra cái chén gỗ của mình, xuôi dòng mà đi.
Khi tới một thôn trang ở phía bờ Bắc khu vực Quảng Lăng, lúc đi qua nhà họ Lý đang tổ chức bát quan trai hội, Bôi Độ đi thẳng vào trong và ngồi xuống, cũng mang túi vải đặt ở chính giữa phòng. Mọi người thấy tướng mạo của ông xấu xí, nên không tỏ lòng cung kính.
Gia chủ họ Lý thấy chiếc túi làm vướng đường, muốn để nó ở góc tường, nhưng dù bao nhiêu người cũng không nhấc lên được. Bôi Độ ăn cơm xong liền nhẹ nhàng nhấc túi lên và đi, còn cười nói: “Tứ Thiên Vương sẽ chúc phúc cho Lý gia”.
Mọi người bây giờ mới hiểu được Bôi Độ vốn dĩ là một vị thần tăng, liền đi ra ngoài tìm thì đã không thấy ông đâu nữa rồi.
Qua mấy ngày sau, mọi người mới nhìn thấy Bôi Độ ở dưới một gốc cây. Lý gia chủ liền mời ông đến nhà, ngày ngày chu cấp nuôi dưỡng. Bôi Độ không giữ giới luật, thường uống rượu ăn thịt, cũng giống như người phàm tục. Mọi người mang tặng đồ vật, Bôi Độ có cái lấy, có cái không lấy.
Lúc ấy Thứ sử Duyễn Châu tên là Lưu Hưng Bá, sau khi nghe được thần tích của Bôi Độ, liền phái người mời ông đến. Lúc Bôi Độ mang chiếc túi đến gặp mặt, Lưu Hưng Bá ngỏ ý muốn được nhấc thử chiếc túi đó. Nhưng dù cho mười mấy người nhấc thử, nhưng chiếc túi vẫn không nhúc nhích chút nào.
Lưu Hưng Bá nhìn vào bên trong, chỉ thấy có một chiếc áo cà sa cũ nát cùng với một cái chén gỗ. Lưu Hưng Bá vô cùng kinh ngạc, hỏi Bôi Độ chuyện này là sao, Bôi Độ chỉ cười không đáp.
Thủ thuật che mắt
Sau khi ở Duyễn Châu chờ đợi vài ngày, Bôi Độ quay trở về Lý gia ở lại hơn 20 ngày. Một buổi sáng Bôi Độ đột nhiên nói: “Ta cần một chiếc áo cà sa, buổi trưa là phải có”. Lý gia lập tức đặt mua, đến trưa còn chưa làm xong. Bôi Độ nói: “Ta đi ra ngoài một chút”. Đến buổi tối vẫn chưa thấy về.
Không lâu sau, mọi người ở trong huyện đều ngửi thấy một mùi thơm kỳ lạ, cảm thấy vô cùng kỳ quái, liền đi khắp nơi tìm Bôi Độ.
Về sau bọn họ phát hiện được ở dưới chân ngọn núi phía Bắc, thấy Bôi Độ đang nằm trên áo cà sa rách nát, ông đã viên tịch, ở phía đầu và chân đều có hoa sen nở, hương thơm vô cùng dễ chịu. Hoa sen qua một đêm đã héo đi rồi. Toàn bộ người ở huyện cùng nhau đem ông đi an táng.
Một thời gian ngắn sau, có người đến từ phương Bắc nói đã trông thấy Bôi Độ mang theo chiếc túi đang đi Bành Thành. Mọi người mở quan tài ra xem xét, phát hiện ở bên trong chỉ có tất và giày mà thôi. Đây gọi là phép thi giải của người tu luyện.
Bôi Độ sau khi đi tới Bành Thành, gặp được Hoàng Hân là người tín Phật. Hoàng Hân mời ông về nhà để cung dưỡng. Mặc dù Hoàng Hân nhà nghèo chỉ có thể cung cấp cơm lúa mạch, nhưng Bôi Độ vẫn ăn rất ngon lành.
Cứ như vậy được nửa năm, ông đột nhiên nói với Hoàng Hân: “Có thể chuẩn bị cho ta 36 cái túi không, ta muốn dùng”. Hoàng Hân nói: “Trong nhà chỉ có mười cái, còn lại chỉ sợ không có tiền để mua”.
Bôi Độ nói anh ta vào trong phòng để tìm, quả nhiên Hoàng Hân đã tìm thấy được ở trong nhà 36 cái, hơn nữa từ những cái cũ nát phút chốc đã biến thành mới rồi.
Bôi Độ lấy những cái túi này buộc kín lại, một lát sau nói Hoàng Hân mở ra, bên trong đều là tiền bạc và vải vóc, đại khái giá trị khoảng một trăm vạn.
Có người hiểu ra, nói đây là do Bôi Độ phân thân đến nơi khác hóa duyên mà có được rồi hồi báo cho Hoàng Hân, đây là công đức của anh ta. Sau đó Bôi Độ lại từ biệt Hoàng Hân mà đi.
Phân thân thành nhiều người
Bôi Độ đi đến Tùng Giang, dùng chén gỗ để qua sông, dạo chơi qua Hội Kê, huyện Diệm, cuối cùng đi đến núi Thiên Đài, mấy tháng sau lại quay trở về Kinh Thành. Bôi Độ hành tung bất định, dù cho hoàng đế muốn triệu kiến, ông cũng không để ý tới.
Khi Bôi Độ ở Nam Châu, ông đã được Trần gia chu cấp nuôi dưỡng. Trần gia nghe nói còn có một Bôi Độ nữa đang ở một nơi khác. Cha con năm người đều không tin, liền cùng nhau đi đến đó để dò xét, quả nhiên thấy người đó giống hệt với Bôi Độ ở nhà của mình.
Người nhà Trần gia mang lên cho Bôi Độ thứ 2 này mật ong, dao găm, cỏ thơm, khăn mặt.v.v Người này chỉ ăn mật ong, những thứ khác không động vào. Cha con năm người hoài nghi không biết Bôi Độ ở nhà mình có phải thật không, liền để hai người ở lại canh chừng, còn ba người trở về nhà.
Về nhà thấy Bôi Độ vẫn còn ở đó, trước mặt còn thấy có dao găm, hương thơm các loại, chỉ là không có mật ong. Bôi Độ cười nói với Trần gia: “Dao găm cùn rồi, cần phải mài một chút”. Hai người còn lại nhà Trần gia cũng trở về, nói Bôi Độ thứ hai đã đi chùa Linh Thứu rồi.
Có người nói Bôi Độ đã qua đời vào năm Nguyên Gia thứ ba triều đại nhà Tống, nhưng sau lại có người nói ông xuất hiện vào thời nhà Lương, chứng tỏ việc ông qua đời cũng chỉ là một thủ thuật để che mắt người đời mà thôi.
Chân Chân biên dịch