Giá xăng sẽ tăng khi Petrolimex tự quyết giá?
Nếu giá đầu vào thay đổi 0-7% thì doanh nghiệp được quyền quyết định giá xăng dầu. Câu hỏi đặt ra là khi đó, giá xăng dầu đến tay người tiêu dùng liệu sẽ cao hơn so với mức giá xăng dầu khi có bàn tay bình ổn của Nhà nước?
“Từ quý 4, giá xăng dầu sẽ vận hành theo cơ chế thị trường, có sự giám sát của Nhà nước” – Tổng Giám đốc Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam khẳng định.
Tại lễ công bố kế hoạch cổ phần hóa của Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Petrolimex đã khẳng định: “Từ quý 4 giá xăng dầu sẽ vận hành theo cơ chế thị trường nhưng có sự giám sát và can thiệp của Nhà nước khi cần thiết”.
Theo đó, kinh doanh xăng dầu sẽ mang lại lợi nhuận khoảng 300 đồng/lít.
Ông Bảo cho rằng, vì xăng dầu là một mặt hàng nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến đời sống an sinh, an ninh năng lượng nên việc cân đối, điều tiết mặt hàng này là cực kỳ khó khăn.
“Điển hình, Petrolimex đã phải chịu lỗ tới 564 tỷ đồng khi thực hiện nhiệm vụ bình ổn mà chính phủ giao cho và Tổng công ty đã phải lấy các mặt hàng khác để bù cho khoản lỗ này. Lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu là quá thấp và không phải là yếu tố kỳ vọng của Petrolimex”, ông Bảo nói.
Năm 2010, nguồn lãi dương từ xăng dầu chỉ đạt 81 tỷ đồng trên tổng số 900 tỷ đồng của doanh nghiệp này.
Tự tin khẳng định là Petrolimex rõ ràng và minh bạch trong quá trình đưa ra giá bán lẻ xăng, dầu nên ông Bảo cho rằng :” Việc kiểm toán xăng dầu không phải bây giờ chúng tôi mới thực hiện. Năm nào Petrolimex cũng mời kiểm toán độc lập trên toàn bộ hệ thống”.
Trả lời báo chí về việc gần đây dư luận đặt vấn đề kiểm toán giá xăng dầu, ông Bảo nói: “Hiện nay, giá xăng dầu cho Petrolimex đưa ra là thực hiện theo Nghị định 84 của Chính Phủ vì vậy nếu muốn, chúng tôi sẵn sàng cho kiểm toán tiến hành”.
Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam khẳng định: “Sẵn sàng kiểm toán xăng dầu nếu có yêu cầu”. Ảnh: H.N |
Bên lề hội nghị, đại diện Bộ Công thương, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú chia sẻ với báo giới về từng bước xác định giá xăng dầu hiện nay.
Theo Thứ trưởng Tú, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào giá giá nguyên liệu đầu vào để xác định việc niêm yết giá bán phù hợp. Nếu giá đầu vào thay đổi 0-7% thì doanh nghiệp được quyền quyết định giá xăng dầu. Trong biên độ thay đổi từ 7-12% thì Nhà nước sẽ tham gia một phần trong việc điều chỉnh giá. Trường hợp giá đầu vào tăng trên 12% thì Nhà nước tham gia định đoạt giá xăng dầu.
“Ngoài ra, Nghị định 84 quy định, trong hoàn cảnh đặc biệt như xăng dầu biến động làm ảnh hưởng đến toàn xã hội thì Nhà nước sẽ toàn quyền quyết định việc điều chỉnh giá xăng dầu để bình ổn kinh tế”, Thứ trưởng Tú cho biết.
Vì vậy, theo ông Tú, việc đề xuất kiểm toán giá xăng dầu là do chưa hiểu hết bản chất của quy trình cấu thành lên giá mà Nhà nước đã quy định với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Mặc dù, đây là mặt hàng hết sức nhạy cảm nhưng nó vẫn đang được vận hành một cách minh bạch và không cần thiết phải kiểm toán.
Việc Petrolimex công bố cổ phần hóa doanh nghiệp với 27,4 triệu cổ phần sẽ được chào bán cho các nhà đầu tư trong nước mà không có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, ông Tú cho rằng đây là bước đi có sự tính toán vì : “Trong điều kiện thị trường xăng dầu còn nhiều bất ổn thì chưa thể mở rộng ra bên ngoài. Đến khi thị trường có tính ổn định cao hơn thì chắc chắn sẽ rộng cửa chào đón các nhà đầu tư nước ngoài tham gia”.
Vị Thứ trưởng cũng lập luận rằng đây là mặt hàng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như: rủi ro về kinh tế khi tốc độ lạm phát cao, rủi ro về biến động giá, rủi ro từ cơ chế điều hành giá, …Vì vậy, việc kiên định lập trường của các nhà điều hành vĩ mô là rất quan trọng.
“Thực tế cho thấy, trong một tháng qua, khi giá dầu trên thế giới đã giảm sâu dưới 100 USD/thùng thì Nhà nước vẫn phải giữ nguyên mức giá như hiện tại mà không giảm, dù cho dư luận liên tục đặt áp lực. Sự kiên định này để đảm bảo khi thị trường thế giới biến động mạnh thì Nhà nước sẽ điều tiết từ quỹ bình ổn và khoản thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này để cân bằng mặt bằng giá chung trên thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát”, Thứ trưởng khẳng định.
Ngày 28/7 tới đây, Petrolimex sẽ chính thức đấu giá cổ phiếu tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Tại lần IPO này, giá cổ phần được chào bán khởi điểm là 15.000 đồng/cổ phiếu. Kèm theo đó, doanh nghiệp này sẽ tăng vốn điều lệ từ 10.700 tỷ đồng trong năm nay lên 12.000 tỷ đồng vào năm sau. Đây cũng là doanh nghiệp đứng thứ 2 trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Năm
|
Hoài Nam