Bác sĩ chỉ cách bảo vệ mắt mùa nắng nóng
Tia tử ngoại đặc biệt cao hơn ở vùng biển, đạt mức 12 có thể gây bỏng mắt, những biến chứng muộn ở mắt như mộng thịt, đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng.
ThS-BS Chuyên khoa 2 Diệp Hữu Thắng, Trưởng khoa Giác mạc BV Mắt TP.HCM đã chia sẻ một số điểm lưu ý để người dân bảo vệ mắt tốt hơn.
Theo BS Thắng, nhiệt độ tăng cao gây bốc hơi ở bề mặt mắt, do đó mắt dễ bị cộm xốn do khô mắt và bệnh khô mắt trở nên trầm trọng hơn. Môi trường nóng, khô và ô nhiễm sẽ làm gia tăng bệnh lý dị ứng ở mắt và bệnh viêm kết mạc.
Tia UV đạt mức độ nguy hiểm sẽ gây bỏng bề mặt mắt, khi đó sẽ thấy mờ, cộm, sợ ánh sáng và chảy nước mắt. Tia UV sẽ đặc biệt cao hơn ở vùng biển. Do đó khi đi du lịch vùng biển cần chú ý bảo vệ mắt.
Các biểu hiện của các bệnh lý:
- Khô mắt: Mắt cộm, xốn, mờ, chảy nước mắt và cảm giác khô. Cần sử dụng thêm nước mắt nhân tạo, uống nhiều nước, chế độ ăn có nhiều rau xanh và trái cây.
- Dị ứng: Mắt đỏ ít nhưng sẽ ngứa và có ghèn dính, cần đến cơ sở chuyên khoa để điều trị. Tuy nhiên, nước mắt nhân tạo và chườm lạnh là giải pháp đầu tiên.
- Viêm kết mạc: Mắt cộm xốn như có hạt cát, đỏ và có ghèn. Có thể sử dụng nước mắt nhân tạo và đến cơ sở chuyên khoa khám.
- Bỏng mắt: Mắt cảm giác rát, đau, nhìn mờ cấp tính sau khi tiếp xúc ánh nắng. Có thể sử dụng nước mắt nhân tạo và đến cơ sở chuyên khoa khám. Phòng ngừa bằng cách đeo kính mát và nón rộng vành.
Do đó, cách phòng chống nắng nóng hư tổn mắt là hạn chế tiếp xúc với ánh nắng thời gian cao điểm. Cần đeo kính mát khi ra ngoài giúp bảo vệ mắt khỏi tia xạ, ô nhiễm và giảm khô mắt.
Đội nón rộng vành cũng giúp giảm tiếp xúc tia xạ. Có thể sử dụng bổ sung nước mắt nhân tạo, uống nhiều nước và có chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây.
Theo plo.vn