Thảo dược “lá Samurai” là bí quyết sống thọ của người Nhật?
Các nhà khoa học cho biết, một loại thảo dược Nhật Bản được các chiến binh Samurai huyền thoại ưa chuộng ngày xưa có thể là chìa khóa nắm giữ bí quyết sống thọ. Cây Ashitaba (tên khoa học: Angelica keiskei koidzumi) có lịch sử lâu đời trong việc hỗ trợ chữa lành vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng. Tên của nó trong tiếng Nhật có nghĩa đen là “chiếc lá của ngày mai” vì nó luôn nhanh chóng mọc trở lại sau khi bị cắt đi.
Theo y học cổ truyền Nhật Bản, những chiếc lá mang vị đắng nhẹ của cây Ashitaba này có tác dụng kỳ diệu trong việc kéo dài cuộc sống khỏe mạnh. Và giờ đây, một nghiên cứu mới có thể cung cấp bằng chứng khoa học cho quan niệm truyền thống này.
Hợp chất kỳ diệu từ loài cây độc đáo
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Graz ở Áo, dẫn đầu bởi Giáo sư Frank Madeo, đã phát hiện ra một hợp chất tự nhiên độc đáo có tên 4,4′-dimethoxychalcone, còn được gọi là DMC, trong lá của cây Ashibata.
Các tác giả cho biết trên tạp chí Nature Communications: “Điều này thúc đẩy kỳ vọng rằng DMC có thể được áp dụng về mặt trị liệu ở người”. Nhóm nghiên cứu tin rằng DMC có thể kích hoạt “autophagy”, một quá trình làm sạch và tái chế trong các tế bào, loại bỏ các tế bào bị hư hỏng có thể gây bệnh.
Nhóm nghiên cứu đã bắt đầu bằng việc thử nghiệm cách DMC ảnh hưởng lên các tế bào nấm men và phát hiện ra DMC thực sự giúp bảo vệ các tế bào nấm men khỏi tác động của lão hóa. Trên thực tế, hợp chất này hoạt động tốt hoặc thậm chí tốt hơn một số hợp chất hiện có được quảng cáo là có đặc tính chữa lành tế bào như resveratrol, có thể tìm thấy trong vỏ nho.
Các thử nghiệm trên động vật cũng cho thấy kết quả đầy hứa hẹn. Những thử nghiệm này cho thấy giun và ruồi giấm được nuôi bằng DMC đã kéo dài tuổi thọ thêm 20%. DMC cũng giúp bảo vệ tim của chuột khi chúng bị tắc nghẽn mạch máu.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không dừng lại ở đó. Họ chuyển sang thí nghiệm xem xét hợp chất kỳ diệu này có thể hoạt động ra sao trong tế bào con người.
Giáo sư Madeo và các đồng nghiệp đã thử nghiệm hiệu ứng DMC trên các loại tế bào người đang phát triển trong các nền văn hóa khác nhau và họ đã có thể xác nhận được kết quả tích cực tương tự.
Bài báo nghiên cứu cho biết: “Các nghiên cứu trong tương lai phải tìm hiểu xem DMC và/ hoặc các dẫn xuất được xác định về mặt hóa học của nó có thể được sử dụng thuận lợi ở người hay không”.
Sống lâu hơn: Trí tuệ từ Nhật Bản
Điều gì khiến người Nhật thường đứng đầu danh sách toàn cầu về tuổi thọ? Nhiều nhà nghiên cứu đã liên hệ điều này với lối sống lành mạnh của họ. Có lẽ không có chất bổ sung mang tên Ashitaba nào được FDA chấp thuận tại nhà thuốc địa phương hiện tại. Nhưng bạn vẫn có thể kéo dài tuổi thọ bằng cách áp dụng những lời khuyên về tuổi thọ của người Nhật:
Ăn nhiều rau
Chế độ ăn uống truyền thống của Nhật Bản, gồm các loại thực phẩm tươi sống được chế biến tối thiểu, được cho là có vai trò quan trọng trong việc kéo dài tuổi thọ. Người Nhật có chế độ ăn uống cân bằng, tiêu thụ nhiều rau và trái cây theo mùa. Trong lịch sử, ăn thịt từng là điều cấm kỵ trong xã hội Nhật Bản. Mặc dù điều này đã được chính phủ loại bỏ vào cuối thế kỷ 19 trong nỗ lực hiện đại hóa, nhưng người Nhật vẫn ăn ít thịt hơn nhiều so với người Mỹ và người dân các nước phát triển khác.
Ăn nhiều hải sản
Hải sản, đặc biệt là cá, là một yếu tố không thể thiếu trong ẩm thực truyền thống Nhật Bản. Suy cho cùng, Nhật Bản là một quốc gia hải đảo. Rong biển – một loại thức ăn giàu dinh dưỡng – là một phần quan trọng khác trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật. Trên thực tế, Nhật Bản tiêu thụ khoảng 100.000 tấn rong biển mỗi năm.
Họ ưa chuộng nước hơn dầu
Người Nhật nấu ăn dùng rất ít dầu hoặc thậm chí không dùng dầu. Thay vào đó, họ dùng nhiều nước trong các phương pháp nấu ăn như hấp, nướng, xào, hầm và lên men.
Họ chuộng cơm hơn bánh mì
Người Nhật thường ăn cơm với hầu hết các món khác. Điều này có nghĩa là họ không ăn nhiều thực phẩm chế biến, bao gồm cả bánh mì, như đa số người Mỹ. Bánh mì làm từ bột tinh chế hoặc bột đa năng có thể cản trở hệ thống tiêu hóa trong thời gian dài.
Họ ăn bằng chén, đĩa nhỏ
Người Nhật luôn kiểm soát khẩu phần ăn của mình “chuẩn” đến mức đáng kinh ngạc. Họ ăn thức ăn trong những chiếc chén, đĩa nhỏ và họ coi trọng chất lượng hơn số lượng. Người Nhật cũng thường ăn chậm nhai kỹ, qua đó họ cảm thấy ngon miệng hơn và cải thiện tiêu hóa.
Hồng Liên
Nguồn: The Epoch Times
Xem thêm:
-
Bữa ăn giữ sức khỏe, bí quyết sống thọ của người Nhật
-
Bí quyết giúp phụ nữ Nhật Bản sống lâu và không béo phì
-
Nghiên cứu mới cho thấy: Ăn ít lại sẽ sống lâu hơn