Cúm gia cầm biến đổi Việt Nam ngừng tiêm phòng
Lần đầu tiên trong nhiều năm, Việt Nam không có vắc xin cúm gia cầm thích hợp để tiêm phòng cho hơn hai trăm triệu gà vịt, giữa khi nguy cơ cúm H5N1 chưa bao giờ thực sự thoái lui.
Báo Nông nghiệp Online mô tả “nông dân mỏi cổ ngóng vắc xin”, ghi nhận tình trạng những hộ chăn nuôi ở Hà Nam bức xúc vì gần nửa năm qua không thấy cán bộ thú y địa phương đến tiêm phòng cho đàn gà vịt ngan của họ, hậu quả là nhiều hộ đã bị dịch cúm H5N1 làm cho điêu đứng, mất trắng một lứa gia cầm sắp xuất chuồng.
Đang thử nghiệm vắc xin mới
Tờ báo trích lời TS Hoàng Văn Năm quyền Cục trưởng Cục Thú y xác nhận, kế hoạch tiêm phòng cúm gia cầm năm 2011 đã trễ 2 tháng so với kế hoạch. Người đứng đầu ngành thú y cho biết ở miền Bắc vừa phát hiện một nhánh virus cúm gia cầm mới, Cục Thú y đang thử nghiệm tác dụng bảo hộ của loại vắc xin mới nên chưa thể triển khai tiêm phòng.
Trước đó theo công điện khẩn toàn quốc của Bộ Trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát: chưa nhập khẩu vắc xin vì virút cúm gia cầm lưu hành ở Việt Nam đã biến đổi, vắc xin chủng mới H5N1-Re5 do Trung Quốc sản xuất chưa có kết luận về hiệu lực. Bộ NN-PTNT chỉ đạo người chăn nuôi đề phòng dịch bệnh từ chuồng trại, không vận chuyển gia cầm bệnh khỏi địa bàn, chính quyền địa phương cần phát hiện sớm dịch bệnh để khoanh vùng kiểm soát.
Chúng tôi đang chọn vắc xin, nếu như tìm được vắc xin tốt thì đương nhiên chúng tôi vẫn triển khai tiêm phòng.
TS Văn Đăng Kỳ
Bộ NN-PTNT cho biết tính đến giữa tháng 4 năm nay đã có 8 tỉnh thành bùng phát dịch cúm gia cầm với khoảng 60 ngàn gia cầm phải tiêu hủy. Hiện nay còn hai tỉnh Quảng Ngãi, Vĩnh Long có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.
Nam Nguyên phỏng vấn TS Văn Đăng Kỳ trưởng phòng dịch tễ Cục Thú y về tình hình hiện nay.
Nam Nguyên: Mọi năm tiêm phòng vắc xin đều đặn , bây giờ ngưng thì người chăn nuôi có thể làm gì để đề phòng cúm H5N1, vi rút biến đổi có nguy hiểm nhiều hơn không, thưa TS?
TS Văn Đăng Kỳ: Sự biến đổi của vi rút không lớn lắm, nhưng những nhánh phát hiện là nhánh mới, vi rút H5N1 clade 2.2, 2.3 nó chia làm hai nhánh, một trong hai nhánh thì vắc xin mới của Trung Quốc Re 5 có thể phù hợp nhưng nhánh kia thì không, thành ra chúng tôi không mua. Chúng tôi đang chọn vắc xin, nếu như tìm được vắc xin tốt thì đương nhiên chúng tôi vẫn triển khai tiêm phòng. Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong việc sử dụng vắc xin phòng bệnh.
Chiến lược phòng chống dịch bệnh mới
Chúng tôi đang thi hành công điện 13 của Bộ trưởng NN-PTNT chỉ đạo các địa phương, bây giờ chống dịch cúm gia cầm không dùng vắc xin và phải dùng các biện pháp giám sát nhanh phát hiện sớm rồi xử lý khi có ổ dịch xảy ra. Tổ chức chăn nuôi theo an toàn sinh học như các nước đã áp dụng. Chúng tôi không thể bỏ tiền ra mua cái vắc xin không có hiệu lực lại mất bao nhiêu công sức để tiêm phòng mà cuối cùng lại không có chất lượng.
Nam Nguyên: Như ông vừa nói, phải chăng Việt Nam đang thay đổi lớn về chiến lược thú y. Thời gian qua, Việt Nam được thế giới đánh giá cao về công tác đối phó với dịch cúm gia cầm chủ yếu với việc tiêm phòng vắc xin rộng lớn?
TS Văn Đăng Kỳ: Áp dụng tiêm phòng rất thành công từ 2005 đến nay, chúng tôi chưa từ bỏ nhưng kết hợp kinh nghiệm thấy rằng, phải sử dụng vắc xin cho tốt. Bỏ ra đồng tiền phải có tác dụng, chúng tôi phải chọn đúng vắc xin và kết hợp các biện pháp khác trong đó có chăn nuôi an toàn sinh học. Chúng tôi nghĩ rằng chiến lược và biện pháp phòng chống vẫn như xưa, nhưng chúng tôi rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống làm thế nào cho tiêm phòng có hiệu quả. Đừng thấy số liệu tiêm phòng tỷ lệ tốt cao mà không để ý tới việc dịch bệnh vẫn xảy ra tức là hiêu quả tiêm phòng chưa đạt yêu cầu.
Vấn đề chọn vắc xin là một bài học kinh nghiệm, chúng tôi đã thực hiện từ năm 2006-2010 trong bệnh lở mồm long móng, chọn lọc vi rút gây bệnh để có vắc xin phù hợp tiêm phòng cho tốt. Cúm gia cầm cũng vậy phải chọn được chủng loại vắc xin phù hợp thì tiêm phòng mới có tác dụng.
Nam Nguyên: Chủ trương chăn nuôi khép kín an toàn sinh học, giết mổ tập trung, từng được nói tới từ nhiều năm nay nhưng thực tế có tiến triển gì không thưa TS?
Trong tương lai gần sẽ có thay đổi trong phương cách thực hiện tiêm phòng, nếu trong 5 tháng tới chúng tôi kiểm soát được dịch bệnh cúm gia cầm mà không cần vắc xin thì chúng tôi tiến tới một chiến lược mới trong vấn đề phòng chống dịch bệnh.
TS Văn Đăng Kỳ
TS Văn Đăng Kỳ: Vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học, thay đổi phương thức chăn nuôi, các địa phương cũng đang triển khai nhưng thực ra kết quả không là bao. Việt Nam thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, nếu chúng tôi tiến một cách nhanh chóng thì vấn đề xóa đói giảm nghèo sẽ rất khó khăn, nếu chúng tôi chuyển sang mô hình an toàn sinh học chăn nuôi theo sản xuất lớn, thì rõ ràng thiệt thòi nhất vẫn là những người chăn nuôi sản xuất nhỏ.
Tôi cho rằng đây là những bước đi phải thực hiện vững chắc và từng bước, chứ không phải chuyển đổi ngay từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung. Loại hình chăn nuôi này là của một số nhóm, một số gia đình, cộng đồng những người có điều kiện nhất định để tổ chức chăn nuôi lớn. Không có chăn nuôi nhỏ lẻ không có công việc làm thì rõ ràng ảnh hưởng công tác xóa đói giảm nghèo, những người nghèo càng nghèo thêm vì không có nguồn thu nhập đó.
Chúng tôi sẽ chuyển đổi từng bước và làm sao cho đạt hiệu quả, đấy là rút kinh nghiệm thực hiện những mô hình rồi từ đó nhân lên. Chúng tôi được nước ngoài tài trợ nhiều trong đó có USAID của Hoa Kỳ.
Nam Nguyên: Thưa ông, với việc ngừng tiêm vắc xin liệu Việt Nam sẽ tránh được nguy cơ cúm gia cầm bùng phát rộng lớn hay không?
TS Văn Đăng Kỳ: Chúng tôi đang quản lý được vấn đề dịch bệnh cúm gia cầm, có lẽ trong thời gian tới chúng tôi vẫn sẽ kiểm soát được. Cúm gia cầm là nguy hiểm nhưng với kinh nghiệm công tác phòng chống dịch bệnh, chúng tôi nghĩ rằng vẫn có khả năng giám sát khống chế dịch bệnh.
Trong tương lai gần sẽ có thay đổi trong phương cách thực hiện tiêm phòng, nếu trong 5 tháng tới chúng tôi kiểm soát được dịch bệnh cúm gia cầm mà không cần vắc xin thì chúng tôi tiến tới một chiến lược mới trong vấn đề phòng chống dịch bệnh. Từ những khó khăn chúng tôi rút ra bài học cho thành công.
Vừa rồi là TS Văn Đăng Kỳ chuyên gia phụ trách dịch tễ Cục Thú Y và sự kiện vi rút cúm gia cầm đang biến đổi và Việt Nam ngừng tiêm phòng cho đến khi tìm được loại vắc xin công hiệu.
Trên thực tế nhiều cộng đồng chăn nuôi ở Việt Nam đã thực hiện phương cách chăn nuôi an toàn sinh học từ nhiều năm nay. Bà Nguyễn Thị Lạc chủ nhân trại chăn nuôi khép kín 60.000 con ở Hốc Môn, chuyên nuôi gia công gà thịt cho công ty CP Việt Nam vốn đầu tư Thái Lan, phát biểu:
“Ngừa cúm thì ở công ty CP người ta đã tiêm cho đàn bố mẹ rồi, khi gà về chỗ chúng tôi thì không tiêm vắc xin ngừa H5N1 nữa, chỉ làm vắc xin những bệnh thông thường thôi. Vắc xin thì vẫn phải quan tâm thôi, xét thấy công ty CP Thái Lan làm cũng kỹ lưỡng do đó mấy năm nay chỗ chúng tôi không tiêm vắc xin ngừa H5N1 của Thú y nhưng gà không hề bị bệnh.
Trong điều kiện hiện nay dịch bệnh rất nhiều, chỉ có áp dụng biện pháp an toàn sinh học, làm kỹ an toàn sinh học thì tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì. Chúng tôi nuôi như vậy từ đợt dịch 2003 cho tới bây giờ 2011, chỗ chúng tôi chưa từng bị dịch dù chỉ là áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và triệt để vệ sinh phòng dịch.”
Bà Nguyễn Thị Lạc đề cao xu hướng phương pháp chăn nuôi khép kín mà bà đã trải nghiệm thành công từ 8 năm qua. Về điều kiện đầu tư chăn nuôi an toàn sinh học, bà Lạc cho biết:
“Thường người ta đầu tư một trại 15.000 con, nếu mở rộng thì nhiều trại hơn. Với một trại 15.000 con có tự động hóa thì đầu tư 2 tỷ tới 2,5 tỷ. Nếu nuôi không bị dịch bệnh rủi ro thì 7 năm có thể hoàn vốn, khả năng đầu tư như vậy sử dụng được 15 năm. Nuôi kiên trì thì cũng có lợi chẳng phải không. Ở TP.HCM và các tỉnh lân cận đã phát triển hình thức chăn nuôi này nhiều lắm. Hiện nay trại hiện đại như vậy ở Đồng Nai, Bình Dương đã có tới 300-400 trại mỗi trại 15.000 con.”
Tổng đàn gia cầm của Việt Nam lúc cao nhất gần 300 triệu con, việc chuyển đổi hàng triệu hộ nuôi nhỏ lẻ sang nuôi tập trung an toàn sinh học hầu như là bất khả thi. Hy vọng với sự giúp đỡ của quốc tế, Việt Nam tìm ra phương cách nào đó có thể kếp hợp nhiều người chăn nuôi thành một công ty, trại nuôi để có thể ngừa cúm gia cầm mà không cần vắc xin.
Việt Nam sẽ điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi, đặc biệt là dịch cúm gia cầm như thế nào thì vẫn là một câu hỏi chưa được trả lời dứt khoát trong lúc này.