“Sống chết có số, phú quý do trời” hà tất phải cưỡng cầu
“Sống chết có số, phú quý do trời” có hàm ý là mọi sự việc gặp phải trong cuộc đời của một người đều là có liên quan đến số mệnh của người ấy. Vận mệnh và sự nghiệp đều là đã sớm được định sẵn rồi. Cho nên, phúc hay họa lúc nào đến cũng là được định trước.
Kỳ thực, từ xưa đến nay vẫn thường có hai loại câu trả lời không nhất quán mà là trái ngược nhau. Những người thông hiểu về tướng mệnh và tin tưởng vào số mệnh đều tin rằng “sống chết có số, phú quý do trời”. Nhưng một số người, nhất là người hiện đại ngày nay lại cho rằng điều ấy là mê tín, là không thể tin. Tuy nhiên, trong lịch sử cũng từng ghi lại những câu chuyện đáng suy ngẫm về câu nói này:
Sống chết có số
Trong cuốn “Thái bình quảng ký” có ghi chép lại một câu chuyện rằng, khi Thái hậu Võ Tắc Thiên tru sát cả dòng họ của Hoàng đế, Thái tử bị đưa đến Đại Lý Tự kết án tử hình. Thái tử thở dài nói: “Ta nếu đã tránh không được cái chết thì hà tất gì phải làm vấy máu cây đao.” Đến nửa đêm, Thái tử liền dùng y phục của mình thắt cổ mà chết. Không ngờ, đến hừng đông ngày hôm sau thì Thái tử tỉnh lại.
Thái tử vừa cười đùa vui vẻ vừa ăn uống tự nhiên như thể đang ở nhà mình vậy, thậm chí mấy ngày sau, sắc mặt thần khí của ông một chút cũng không thay đổi.
Nguyên lai là do, khi Thái tử vừa tỉnh lại đã nói:
Lúc ta vừa mới chết, quan minh phủ tức giận nói với ta: ‘Ngươi phải bị giết chết, tại sao lại tự tử chết? Mau trở về nhận hình phạt đi!’ Ta hỏi vì sao. Vị quan đó đưa cho ta xem cuốn sổ ghi chép sinh tử và nói: ‘Bởi vì kiếp trước ngươi giết người, kiếp này phải hoàn trả.’
Chính vì Thái tử biết rằng mọi thứ đều đã được sắp đặt sẵn rồi, nên ông ta không có sợ hãi gì khi bị xử tử hình.
Điều này cho thấy, dường như một người khi nào được sinh ra trên cõi đời, khi nào phải chết đi là đã được định sẵn rồi. Nhân của kiếp trước, quả của kiếp này, hành thiện tích đức, làm ác tạo nghiệp là không thể không hoàn trả được.
Phú quý do trời
Vào những năm Trinh Quán, triều Đường, Trương Bảo Tàng là một võ tướng trong đại nội. Ông thường đi về Lịch Dương vào những ngày không phải lên triều. Một ngày, đang trên đường đi, ông gặp một người thợ săn trẻ tuổi đang cắt thịt tươi nướng ăn. Ông dựa người vào một thân cây, thở dài và nói, “Trương Bảo Tàng ta nay đã sống 70 tuổi mà chưa từng được ăn thứ thịt rượu tươi ngon đến thế. Quả thật đáng buồn.”
Ngay lúc đó, một hòa thượng đi qua và chỉ vào Trương Bảo Tàng nói: “Trong vòng 60 ngày tới, ông sẽ được thăng làm quan tam phẩm. Có gì để tiếc mà sao ông lại thở dài như thế?” Vừa nói xong, vị hòa thượng đó lập tức rời đi. Trương Bảo Tàng rất kinh ngạc, thay vì đi về Lạc Dương, ông lập tức quay trở lại kinh thành.
Cùng lúc đó, Hoàng đế Đường Thái Tông đang mắc bệnh kiết lỵ rất thống khổ, rất nhiều ngự y trong triều đều đã đến chữa trị nhưng không có hiệu quả. Hoàng đế bèn ban lệnh nếu đại thần nào tìm được một đơn thuốc hữu hiệu trị khỏi bệnh này, nhất định sẽ được ban thưởng xứng đáng.
Trương Bảo Tàng trước đây đã từng mắc bệnh kiết lỵ này, vì thế ông biết được cách chữa công hiệu. Ông liền viết tấu chương dâng đơn thuốc cho Hoàng đế Đường Thái Tông.
Hoàng đế Đường Thái Tông uống loại thuốc này và ngay lập tức khỏi bệnh. Ông liền hạ lệnh yêu cầu Tể tướng ban thưởng cho Trương Bảo Tàng chức quan ngũ Phẩm.
Nhưng vị Tể tướng không nghe theo lệnh, hơn một tháng mà ông không soạn chiếu thư ban chức cho Trương Bảo Tàng. Không ngờ, Hoàng đế đột nhiên lại mắc bệnh trở lại, ông lệnh cho dùng đơn thuốc cũ và lại được chữa khỏi.
Hoàng đế hỏi Tể tướng: “Ta từng ban chiếu thăng chức quan ngũ phẩm cho Trương Bảo Tàng, sao đến giờ này vẫn không thấy thụ quan. Nguyên nhân là vì đâu?”
Tể tướng sợ hãi nói: “Lúc Hoàng thượng ban chiếu không có nói rõ là quan văn hay võ!”
Hoàng đế lúc này đã biết, trước đây có người chữa khỏi bệnh cho Tể tướng đã được làm quan tam phẩm nên tức giận nói: “Người chữa khỏi cho Tể tướng có thể được làm quan tam phẩm. Ta là Thiên tử, chẳng lẽ không bằng người sao? Ta muốn Trương Bảo Tàng làm quan văn tam phẩm với những lễ nghi ban chức đầy đủ.” Lúc ấy, vừa tròn 60 ngày kể từ ngày vị hòa thượng kia nói.
Điều này khiến không ít người nghĩ rằng, dường như không chỉ sinh tử đời người là đã được định sẵn, mà phú quý của một người cũng là được định sẵn rồi. Bởi vậy mà người xưa thường nói: “Điều gì trong mệnh đã được định là có thì nó sẽ đến đúng lúc. Nếu điều gì không được định sẵn, thì đừng cưỡng cầu.”
Trong mệnh không có, cưỡng cầu không được
Minh thái tổ Chu Nguyên Chương (1328 -1398), có một lần cải trang đi tuần đến một vùng nông thôn. Thường ngày đã quen với việc “hô phong hoán vũ”, nên khi cải trang cảm thấy không quen.
Đúng lúc ông vừa nóng vừa khát, lại gặp được một vị nông phu dâng lên một chén trà, Minh thái tổ như uống được rượu ngon, sau khi trở về, lập tức sai người đến nhà nông phu, phong cho ông một chức quan nhỏ.
Một vị tú tài thi rớt biết được chuyện này, trong tâm cảm thấy rất bất bình, liền viết vài dòng lên trước miếu: “Thập niên hàn song khổ, bất cập nhất bôi trà.” (Nghĩa là: “Mười năm gian khổ học tập, không bằng một chén trà”).
Mấy năm sau, Chu Nguyên Chương lại một lần nữa đi tuần đến nơi đó. Ông nhìn thấy câu này, sau khi biết rõ ngọn nguồn đầu đuôi câu chuyện, liền viết lên bên cạnh câu đó hai hàng chữ: “Tha tài bất như nhĩ, nhĩ mệnh bất như tha.” (Nghĩa là: “Tài hắn không bằng ngươi, mệnh ngươi không bằng hắn”)
Trong cuộc sống có rất nhiều sự tình, thoạt nhìn cho rằng không công bằng, quyền lực, giàu sang hay nghèo khổ, thông minh hay ngu đần, đẹp hay xấu, cơ hội hay vận hạn… giữa người với người là không thể công bằng. Đây cũng là một trong những hiện tượng được tiết lộ ra ở nơi thế gian được con người, việc yêu cầu mọi người được bình đẳng ngang nhau là điều không thể.
Nhưng theo nguyên lý “tự nghiệp tự thụ” (nghĩa là: mình làm mình hưởng) mà xét thì giàu sang biến thành nghèo khó, nghèo khó biến thành giàu sang là không ngừng phát sinh. Cho nên, trong duyên phận nghiệp báo, số phận của con người vẫn là có công bằng tuyệt đối, vì thế không cần phải oán trách ông trời không công bằng. Cũng đừng oán trách trời cao đối đãi với mình không công bằng, vì hết thảy nhân duyên là đều có lý do.
Kỳ thực, cổ nhân giảng: “số phận” hay “sống chết có số, phú quý do trời” không có nghĩa rằng khuyên bảo một người nên phó mặc cuộc đời của mình giống như “nước chảy bèo trôi”. Nếu không có trách nhiệm với cuộc đời của mình, lười biếng, thậm chí làm điều ác thì số phận cũng theo đó mà thay đổi. Con người ta vốn là nên hướng đến cái thiện, rời xa cái ác, đó cũng là đạo Trời. Một người nếu có thể hiểu được “số phận”, họ sẽ thản nhiên đối mặt với những an bài của số phận, không vì những “được mất” và lợi ích mà sinh ra phiền não, mà bất chấp lương tri đạo đức. Họ có thể dùng một loại tâm thái độ lượng đối đãi với cuộc đời mà có một cuộc sống tiêu dao tự tại.
Theo trithucvn