Sự kiện phóng viên CCTV náo loạn ở Anh: Thế nào là tự do ngôn luận?
Sự kiện nữ phóng viên của Đài Trung ương Trung Quốc (CCTV) Khổng Lâm Lâm (Kong Linlin) trú tại Anh làm loạn trong hội nghị của đảng Bảo thủ Anh gần đây đã gây bùng nổ làn sóng tranh luận: Thế nào là tự do ngôn luận.
Từ video đăng tải cho thấy, Khổng Lâm Lâm không ngừng lớn tiếng chỉ trích hội nghị khiến nhân viên làm nhiệm vụ phải tìm cách ngăn chặn hành vi thái quá của Khổng Lâm Lâm. Khi bàn tay nhân viên kia khẽ chạm vào cánh tay phải Khổng Lâm Lâm và khuyên cô ta rời đi thì Khổng Lâm Lâm vẫn tiếp tục lớn tiếng và cho biết cô ta “có quyền lên tiếng”, rồi đột nhiên vung tay đánh vào nhân viên kia, một nhân viên nam khác nhìn thấy liền nắm lấy cánh tay của Khổng Lâm Lâm từ phía sau.
>>> Phóng viên Trung Quốc bị bắt vì tát người tại hội nghị về Hong Kong
Sau vụ việc, Khổng Lâm Lâm chia sẻ trên Weibo rằng, cô ta không đánh người mà “phòng vệ chính đáng”. Vụ việc cũng khiến ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu lên tiếng trên Twitter: “Tại sao trong cuộc họp này, phóng viên Trung Quốc không có quyền đặt câu hỏi và bày tỏ ý kiến? Tại sao quan điểm từ Trung Quốc đại lục bị tẩy chay? Sau này những hội nghị như vậy chắc chắn tôi sẽ không tham gia”.
Sự kiện cũng thu hút nhiều cư dân mạng Trung Quốc Đại lục thảo luận.
Một luồng quan điểm cho rằng hành vi của Khổng Lâm Lâm là bày tỏ quan điểm chính đáng: “Đây là thái độ cần phải có, không ngờ lại có người cho rằng Khổng Lâm Lâm làm như vậy là mất mặt người Trung Quốc…”.
Luồng quan điểm khác cho rằng: “Chuyện hoang đường trong sự kiện Khổng Lâm Lâm là nhiều người Trung Quốc Đại lục công kích nước khác không có tự do, trong khi truyền thông của Trung Quốc là tự do ngôn luận”.
Ngoài ra, một số cư dân mạng cũng cho biết: “Không thể nghi ngờ rằng nữ phóng viên này là người yêu nước, nhưng yêu một cách nông cạn, xấu xí, mang tính biểu diễn…. Hành vi không đúng cách không những không thể mang vinh quang về cho đất nước mà trái lại còn gây tai tiếng. Khổng Lâm Lâm có khả năng nghĩ thấu đáo về vấn đề này không? Nếu Khổng Lâm Lâm suy nghĩ không tới thì có thể bỏ qua, nhưng cả cơ quan chủ quản CCTV cũng đồng quan điểm với cô ta trong vấn đề này thì không thể không lên án”.
Có người cho rằng, hành động của Khổng Lâm Lâm vượt quá phạm vi công việc của một phóng viên: “Một người đã được thụ hưởng giáo dục văn minh sao có thể dễ dàng vung tay đánh người?”.
Liên quan vụ việc, giáo sư Ngô Phi (Wu Fei) thuộc Đại học Chiết Giang trả lời hãng tin BBC rằng, phóng viên là người tường trình và dẫn tin theo đúng tình hình thực tế, thông thường không nên trực tiếp can dự vào sự kiện, nhưng phóng viên Trung Quốc trú ở nước ngoài thì vừa trong vai trò là một phóng viên lại vừa là người tuyên truyền cho ý chí của quốc gia, vì vậy quan niệm tính chuyên nghiệp chuyên môn theo kiểu truyền thống không hoàn toàn phù hợp khi áp dụng đánh giá đối với phóng viên Trung Quốc trú tại nước ngoài, vì những phóng viên này có nhiều vai trò quan trọng.
Trên Twitter cá nhân, luật sư nhân quyền Lưu Hiểu Nguyên (Liu Xiaoyuan) nhận định theo thực tế tư pháp của Trung Quốc: “Nếu trường hợp này xảy ra ở trong nước thì cô ấy sẽ bị giam giữ mà không được bảo lãnh, nhiều khả năng sẽ bị tuyên án”.
Lư Khâu Lộ Vi, trợ lý giáo sư Khoa Thông tin Đại học Baptist Hồng Kông chỉ ra, biểu hiện của nữ phóng viên CCTV này cho thấy, hệ thống truyền thông dưới sự cai trị của đảng Cộng sản Trung Quốc “phục vụ vì lợi ích của Đảng, phải trung thành với Đảng”.
Sự kiện về Khổng Lâm Lâm cũng đã thu hút nhiều cư dân mạng nổi tiếng Trung Quốc tham gia thảo luận.
Văn Chiêu (Wen Zhao), học giả Trung Quốc sống ở Mỹ tự quay video chia sẻ cho biết, hành vi của Khổng Lâm Lâm là hệ quả của công tác giáo dục yêu Đảng của Cộng sản Trung Quốc, có thể ví là phiên bản mới của bộ phim hành động chiến tranh 3D “Chiến lang” (Wolf Warrior) của Trung Quốc. Ông chế nhạo: “Nhưng phiên bản ‘Chiến lang’ này còn gây sốc hơn phiên bản Ngô Kinh diễn xuất, vì phiên bản của Ngô Kinh là bối cảnh quốc gia thứ ba rơi vào loạn lạc, trong khi Khổng Lâm Lâm rơi vào ‘hang cọp’ là ‘trái tim’ của Đế quốc Anh, chẳng phải là màu sắc ‘huyền thoại’ kinh khủng hơn? Nhưng tôi nghĩ rằng sẽ hay hơn nếu vào thời điểm Khổng Lâm Lâm bị cảnh sát đưa đi, cô ấy nên hét to ‘Đảng Cộng sản Trung Quốc muôn năm’, được như vậy thì quá hoàn hảo, vì cô có thể thành biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước, sẽ lưu danh sử sách”; “Với một bộ phận người dân Trung Quốc nói về nhà nước pháp quyền, dân chủ, tự do ngôn luận, tôi cảm thấy họ như những người mù bàn luận về màu sắc. Làm sao có thể nói chuyện màu sắc với họ khi họ không nhìn thấy”.
Nhà văn Christoph Rehage của Đức có rất nhiều người hâm mộ ở Trung Quốc Đại lục cũng đăng một đoạn video trên Twitter cho biết, ông không thể hiểu được những người Đại lục nói về “tự do ngôn luận”. Ông cho biết, tự do ngôn luận không có nghĩa là tùy tiện công kích người khác thoải mái mọi lúc mọi nơi, nếu ban tổ chức nhận thấy một người có ý đồ phá hoại trật tự mà họ đang tổ chức thì họ có quyền yêu cầu người đó ra ngoài. Trong một xã hội tự do, có rất nhiều dịp và con đường khác nhau để bày tỏ quan điểm khác biệt. Ngược lại, ở Trung Quốc Đại lục không thể có được điều kiện như vậy, hy vọng sau khi cô ấy (Khổng Lâm Lâm) trở lại Bắc Kinh sẽ vào Đại lễ đường Nhân Dân để hỏi: Tại sao Trung Quốc Đại lục không có tự do ngôn luận?
Đài RFI của Pháp có chỉ ra, trong những năm gần đây, trên quốc tế có quá nhiều sự cố tương tự liên quan đến người Trung Quốc đại lục, đối tượng liên quan từ quan chức đến giới truyền thông nhà nước và lãnh đạo cấp cao doanh nghiệp, hình ảnh mà họ thể hiện khiến cộng đồng quốc tế đành lắc đầu chào thua.
Một số sự kiện nổi cộm trong năm 2018 đã được biến thành “sự kiện ngoại giao quốc gia” như:
Ngày 24/1 xảy ra sự cố thời tiết xấu tại sân bay Narita ở Nhật Bản khiến chuyến bay tới Thượng Hải buộc bị hoãn; sau đó, hơn một trăm hành khách Trung Quốc đã gây hấn với nhân viên tại sân bay và cảnh sát và hát vang bài hát “Hãy vùng lên, những người không muốn trở thành nô lệ”; thêm vào đó, họ còn đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản để đòi được “bảo vệ quyền lợi”.
Ngày 28/1, Sân bay Quốc tế Imam Khomeini và Sân bay Quốc tế Mehrabad tại Iran đã buộc phải đóng cửa do tuyết dày đặc; từ những video chia sẻ trực tuyến cho thấy, một nhóm hành khách Trung Quốc đã tức giận hét lớn hai chữ “Trung Quốc” ngay tại sân bay để “thị uy”. Thông tin chỉ ra rằng, họ muốn máy bay phải cất cánh.
Tháng 9/2018, một gia đình họ Tăng (Ceng) người Trung Quốc đi du lịch đến Thụy Điển, bởi vì thời gian gia đình này đến khách sạn nghỉ không phù hợp với thời gian họ đặt trước nên nhân viên khách sạn không chấp nhận cho vào, gia đình này kiên quyết đòi nghỉ lại phòng lễ tân nhưng khách sạn không đồng ý và đã gọi cảnh sát đến can thiệp. Sự việc làm gia đình này tức giận la hét làm loạn khách sạn của Thụy Điển, thậm chí còn “nâng cấp” vụ việc thành sự kiện quốc gia, cả Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng đòi phía Thụy Điển phải xin lỗi, kết quả đã làm xấu cả hình ảnh ngoại giao của Trung Quốc.
Theo Trithucvn