Những lễ hội đặc sắc không thể bỏ qua ở miền Bắc mỗi dịp xuân về
Những lễ hội xuân không chỉ là dịp người dân du ngoạn, vui chơi, mà còn là dịp mọi người cùng nhớ lại những nét văn hoá truyền thống của dân tộc. Hãy cùng điểm lại những lễ hội đặc sắc sẽ diễn ra ở miền Bắc trong thời gian này…
Lễ hội Cổ Loa: Từ mùng 6 đến 16 Âm lịch
Lễ hội Cổ Loa diễn ra từ mồng 6 đến 16 tháng Giêng âm lịch tại đền thờ An Dương Vương ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Sáng mồng 6 Tết, hội mở đầu bằng đám rước Văn với 5 lá cờ ngũ hành, phường bát âm, giá văn tế đặt trong kiệu Long đình, có lọng, tàn che. Sau đám rước Văn là màn tế lễ diễn ra quá giờ ngọ (12 giờ trưa). Tiếp theo là đám rước thần của 12 xóm.
Ngoài ra trong lễ hội còn có nhiều trò chơi khác nhau: chơi đu, thổi cơm thi, hát trù, hát chèo…
Hội Cổ Loa kéo dài cho tới 16 tháng Giêng mới làm lễ tế tạ trời đất, kết thúc lễ hội. Lễ hội Cổ Loa nhằm tưởng nhớ và suy tôn Thục Phán An Dương Vương, người có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa.
Lễ hội chùa Hương: Khai hội mùng 6 âm lịch
Hương Sơn (Chùa Hương) là một quần thể di tích và danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thuộc ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Quần thể di tích Hương Sơn gồm hệ thống hang động, đền chùa.
Với chủ đề “Lễ hội kỷ cương, văn minh du lịch”, lễ hội chùa Hương 2018 chính thức khai hội vào sáng mùng 6 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 21/2) và kéo dài đến cuối tháng ba âm lịch. Theo ban tổ chức (BTC), năm nay sẽ siết chặt công tác quản lý, để đảm bảo mùa lễ hội diễn ra an toàn, văn minh.
Trong mùa lễ hội năm nay, sẽ có khoảng 4.500 đò tham gia phục vụ du khách. Số đò này được sơn lại đồng bộ màu xanh, được gắn biển số, trang bị phao cứu sinh và giỏ đựng rác. Ngoài ra, BTC lễ hội cho biết sẽ không để xuồng máy, đò gắn động cơ vận chuyển khách trên dòng Suối Yến, nhằm giữ gìn nét đẹp tự nhiên, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.
Trong mùa lễ hội chùa Hương 2018, ban tổ chức đề nghị Ban trị sự chùa Hương thống nhất phương án không phát lộc tại lễ hội, tránh hiện tượng du khách chen lấn, xô đẩy để ‘cướp’ lộc.
Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn): Khai hội mùng 6 âm lịch
Lễ hội Gióng ở đền Sóc sẽ được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội từ ngày 6 đến ngày 8 âm lịch. Theo truyền thuyết, đây là nơi Thánh Gióng bay về trời. Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Cũng bởi vậy, lễ hội được nhiều người tìm đến để cầu nguyện sức khỏe, ý chí vươn cao trong năm mới. Trong lễ hội có những nghi thức độc đáo như: Lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng – nơi thờ Thánh Gióng. Bên cạnh những nghi lễ, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo.
Hội Gióng là một lễ hội văn hóa cổ truyền mô phỏng rõ một cách sinh động và khoa học diễn biến các trận đấu của thánh Gióng và nhân dân Văn Lang với giặc Ân.
Hội Xoan (Phú Thọ): Khai hội mùng 7 âm lịch
Hội Xoan diễn ra tại Làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, Phú Thọ từ ngày mùng 7 đến mùng 10 âm lịch. Đây là lễ hội tưởng nhớ Xuân Nương, một nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng.
Theo truyền thuyết dân gian vùng đất tổ Phú Thọ, nghệ thuật hát xoan có từ thời các vua Hùng dựng nước (hơn 2000 năm TCN). Người ta tổ chức hát xoan không chỉ để vui chơi, chúc tụng các vua Hùng mà còn để cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn…
Hội chợ Viềng (Nam Định): Khai hội mùng 8 âm lịch
Hội chợ Viềng diễn ra vào mùng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm, tại Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Đây là phiên chợ chỉ diễn ra 1 lần trong năm, được gọi là chợ mua hàng cầu may (bán rủi cầu may).
Chợ Viềng họp cả ngày vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhưng người ở xa thường về từ sớm, rậm rịch họp chợ từ 11, 12 giờ đêm hôm trước, cho đến sáng và hết cả ngày hôm sau.
Các sản phẩm được bán ở chợ Viềng chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi: từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả; đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông hay các vật dụng cần thiết cho cuộc sống như quần áo, giày dép, gạo, thịt, v.v.
Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh): Khai hội mùng 10 âm lịch
Lễ hội Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) sẽ khai mạc vào ngày 10/1 âm lịch và kéo dài hết tháng 3 âm lịch. Yên Tử là nơi vua Trần Nhân Tông về đây tu luyện và khai sinh ra trường phái Trúc Lâm Yên Tử.
Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động như: Bái Tổ Trúc Lâm, lễ dâng hương cúng Phật, văn nghệ diễn xướng tái hiện lịch sử dân tộc… cùng những hoạt động văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian.
Hội Lim (Bắc Ninh): Khai hội ngày 12 âm lịch
Hội Lim là lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh.
Hội Lim nổi tiếng với các màn diễn xướng quan họ, nơi các liền chị liền anh có cơ hội được giao lưu hát giao duyên, hoặc thể hiện giọng ca quan họ qua các màn hát mời trầu, hát gọi đò.
Kinh Bắc xưa nổi tiếng là vùng đất của những câu truyện cổ, những sự tích văn hoá. Có giả thuyết cho rằng hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương.
Hội thi hát diễn ra khoảng gần trưa vào chính hội, được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thiếp vàng rời bến trong những câu hát. Một bên thuyền là các liền chị, các liền anh thì đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền. Tối ngày 12 là đêm hội hát thi quan họ giữa các làng quan họ. Mỗi làng quan họ dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Đây là phần hội hay nhất của cả lễ hội Hội Lim.
Lễ hội Khai ấn đền Trần (Nam Định): Khai hội đêm 14 âm lịch
Lễ khai ấn đền Trần diễn ra giữa đêm 14 và mở đầu cho ngày 15 tháng Giêng, tại Khu di tích đền Trần (Nam Định).
Lễ khai ấn là một tập tục từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống Nguyên-Mông sau đó, Lễ khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại.
Trải qua nhiều thế kỷ, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại. Ấn cũ khắc là “Trần triều chi bảo”, ấn mới khắc là “Trần triều điển cố” để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu “Tích phúc vô cương”.
Từ đó, Lễ khai ấn trở thành một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là “tín hiệu nhắc nhở” chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc.
Lễ hội Bà chúa Kho (Bắc Ninh): Khai hội ngày 14 âm lịch
Đền bà chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) “cầu tài phát lộc”. Cuối năm trả nợ, đầu năm đi vay bà chúa Kho đã trở thành một phong tục tại Việt Nam.
Lễ hội Bà chúa Kho cũng là một lễ hội lớn tại miền Bắc, nhất là đối với giới kinh doanh, làm ăn buôn bán.
Hội đền Hùng (Phú Thọ): Khai hội mùng 9/3 âm lịch
Hội đền Hùng, còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương khai mạc từ ngày 9 đến 13 tháng 3, chính hội vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Đây là lễ hội lớn mang tính quốc gia để tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước.
Phần tế lễ được cử hành trọng thể mang tính quốc lễ. Lễ vật dâng cúng là “lễ tam sinh” (1 lợn, 1 dê và 1 bò), bánh chưng, bánh dày và xôi ngũ sắc, nhạc khí là trống đồng cổ.
Phần hội là các cuộc thi rước kiệu của các làng xung quanh. Cỗ kiệu nào đoạt giải nhất thì đến kỳ hội sang năm được thay mặt các cỗ kiệu còn lại, rước lên đền Thượng để triều đình cử hành quốc lễ và đó là niềm tự hào, vinh dự lớn lao của dân làng ấy.
Ngoài ra, trong hội đền Hùng có tiến hành nghi lễ hát thờ (tục gọi là hát Xoan) – một lễ thức rất quan trọng và độc đáo. Dân gian truyền rằng hát Xoan xưa kia gọi là hát Xuân, có từ thời Hùng Vương và được lưu truyền rộng rãi trong dân cư của các làng xã quanh vùng.
Theo Trithucvn.net