“Cậu bé tóc băng” trở thành ngôi sao tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc
Sau khi hình ảnh “cậu bé tóc băng” đến trường được lan truyền trên mạng, ngay lập tức tất cả các cấp chính quyền địa phương Trung Quốc vào cuộc “giải cứu”…
Cậu bé 8 tuổi Vương Phú Mãn, ở huyện Lỗ Điện thuộc thành phố Chiêu Thông tại tỉnh Vân Nam, trở thành tâm điểm chú ý vào tháng 1 khi một giáo viên tại trường học ở miền Nam Trung Quốc chia sẻ bức ảnh tóc em đóng băng sau khi em đi bộ 5 km tới trường trong ngày đông lạnh giá. Hình ảnh đã làm dấy lên nhiều thảo luận về hàng chục triệu trẻ em sống thiếu thức ăn, quần áo và chỗ ở ở vùng nông thôn Trung Quốc.
Giờ thì bé trai này được biết đến với cái tên “cậu bé tóc băng” và em đảm nhận vai trò mới: ngôi sao tuyên truyền, theo News York Times.
Được biết, nơi Phú Mãn muốn đến nhất là Bắc Kinh, tâm nguyện của cậu bé sau khi lớn lên là làm cảnh sát, vậy là ngày 19/1, Đại học An ninh Trung Quốc đã nhanh chóng vào cuộc mở ra “con đường giải mộng” cho cậu bé bằng cách mời gia đình em đến Bắc Kinh 3 ngày. Chỉ một ngày sau khi trở về, gia đình “cậu bé tóc băng” lại thêm một lần nữa được mời trở lại Bắc Kinh.
Một trang web của đảng Cộng sản đã ca ngợi em như một người hùng yêu nước. Em vẫy quốc kỳ tại quảng trường Thiên An Môn, mặc thử trang phục của cảnh sát chống bạo động và hứa sẽ trung thành với Trung Quốc và đảng Cộng sản.
Người dùng mạng Trung Quốc chia sẻ tranh vẽ Phú Mãn mặc trang phục cảnh sát và cầm súng trường. Một số khác so sánh cậu bé và những người lính biên phòng Trung Quốc làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. “Mắt tôi rơm rớm nước mắt“, một người viết trên Weibo.
Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích việc truyền thông vội vã thần tượng hóa cậu bé, nói rằng các quan chức đã sử dụng Phú Mãn như “đạo cụ sân khấu” để đánh lạc hướng chú ý khỏi vấn đề đói nghèo ở nông thôn và đánh bóng hình ảnh.
Thật vậy, đối với chính quyền, chuyện “cậu bé tóc băng” gây ra hình ảnh xấu cho họ. Nhưng nhiều quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc rất giỏi trong viêc “biến điều tồi tệ thành tốt đẹp”. Làm thế nào? Cách nhanh nhất là “quan tâm” và “cứu trợ” cho “cậu bé tóc băng”, đồng thời cho giới truyền thông tuyên truyền cường điệu lên. Qua những chiêu trò, hình ảnh một chính quyền không làm tròn trách nhiệm được đảo ngược thành chính quyền thương yêu trẻ.
Nhưng rõ ràng chính quyền Trung Quốc không yêu trẻ đến vậy khi cả giới chức và giới truyền thông nhà nước đều làm ngơ trước những “cô bé tóc băng”. Hình ảnh các cô bé cũng “đầu đội băng” xuất hiện không lâu sau khi “cậu bé tóc băng” thu hút sự quan tâm trên khắp Trung Quốc.
Một số cư dân mạng bình luận, “cậu bé tóc băng” không phải là một cá nhân, mà đó là một quần thể người đông đảo, gồm 60 triệu trẻ em. Nếu chính phủ thực sự quan tâm đến họ, thực sự sẵn sàng phục vụ họ thì không thể nào chỉ “quan tâm” và “chăm sóc” một “cậu bé tóc băng”, hay một nhóm “cậu bé tóc băng”, mà vấn đề là quan tâm chung hàng triệu bé như vậy. Quan trọng hơn, không thể chỉ làm bề nổi, khi xảy ra chuyện mới “quan tâm” và “chăm sóc” cho qua rồi sau đó lại đâu vào đấy, phải giải quyết từ gốc là do thể chế đã gây ra hàng triệu “em bé tóc băng” này. Vậy chính phủ đã làm gì trong vấn đề này? Có thể nói không làm được gì. Bình tĩnh mà nói, cho dù làm được điều này không đơn giản, cần thời gian dài, nhưng ít nhất trong hiện tại không thể nào chỉ nhiệt tình đối với “cậu bé tóc băng” trong khi lại bỏ rơi “cô bé tóc băng”!
David Bandurski, đồng giám đốc của Dự án Truyền thông Trung Quốc, nhận xét rằng chính phủ Trung Quốc đã sử dụng Phú Mãn như “thuốc kháng sinh” với những chỉ trích về việc đối xử với người nghèo.
Haifeng Huang, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California cho rằng, sự tập trung vào cá nhân Phú Mẫn đã giúp các nhà chức trách “tạm thời tránh việc thảo luận về chính sách và tránh bị đổ lỗi“. “Một câu chuyện đáng lẽ có thể khơi dậy những vấn đề quan trọng hơn đã bị bình thường hóa“, giáo sư Huang nói thêm.
Điều này cho thấy thứ chính phủ Trung Quốc thực sự quan tâm không phải nỗi đau khổ của hàng triệu trẻ em nghèo, mà chỉ là hình ảnh của chính họ. Những gì họ đang làm chỉ là diễn kịch, khác biệt chỉ là trong cách diễn hay hay diễn tồi mà thôi.
Tú Văn (t/h)