Tấm đất sét 4.000 năm tuổi tiết lộ vị trí 11 thành phố cổ đại bị mất tích
Vị trí của 11 thành phố cổ ở phía Bắc Lưỡng Hà đã được phát hiện nhờ một tấm đất sét có niên đại 4.000 năm tuổi. Nó được các thương gia của Đế quốc Assyria cổ đại tạo ra để phục vụ cho những chuyến giao thương giữa các thành phố này.
Tấm đất sét này được phát hiện tại một thành phố cổ có tên Kanesh thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Theo tờ Washington Post, nội dung tâm đất sét chủ yếu viết về các hoạt động giao dịch thương mại của các thương gia người Assyria với quốc gia khác.
Bản dịch chi tiết của văn bản chữ tượng hình trên tấm đất sét tiết lộ một vấn đề mà các nhà khảo cổ học không thể ngờ tới đó là vị trí của của nhiều thành phố cổ xưa đã bị thất lạc theo dòng chảy thời gian.
Văn tự viết trong tấm phù điêu là chữ Cuneiform cổ, một loại chữ được người Sumer cổ đại sử dụng. Nó biểu thị một cách chi tiết các giao dịch kinh doanh, dữ liệu hạch toán, thỏa thuận kinh doanh, con dấu và thậm chí là những giấy tờ chứng nhận hôn nhân.
Theo các báo cáo, khám phá mới này có thể sẽ thay đổi hiểu biết của chúng ta về Đế quốc Assyria. Sau khi giải mã và thu thập tất cả thông tin, các nhà nghiên cứu đã xác nhận vị trí của một số thành phố Lưỡng Hà mà họ chưa bao giờ tìm thấy.
Gojko Barjamovic, giáo sư cao cấp của Đại học Harvard về nghiên cứu người Assyria cho biết, sau khi nghiên cứu hơn 12.000 tấm đất sét khác nhau được tìm thấy ở Kanesh, ông đã phát hiện vài thông tin của một số thành phố Lưỡng Hà chưa từng được khám phá.
Hiện các nhà khảo cổ đã bắt đầu khai quật trên các vị trị mà tấm phù điêu cung cấp với hy vọng có thể khám phá thêm về nền văn minh tiên tiến cổ xưa này.
Các chuyên gia tin rằng họ đã xác định được tất cả 26 thành phố từ tấm phù điêu, 15 thành phố đã được tìm thấy trước đây và 11 thành phố vẫn còn bí ẩn.
Các nhà nghiên cứu giải thích: “Đối với phần lớn các thành phố bị mất tích, các ước lượng định lượng của chúng tôi có những điểm gần giống với các phỏng đoán định tính mà các sử gia đưa ra”.
Ngoài ra, những tấm đất sét cổ còn cho thấy thành phố Kanesh từng là một khu định cư thương mại nhỏ, dần dần phát triển và cuối cùng trở thành một trong những trung tâm thương mại quan trọng nhất của cả khu vực.
Những tấm đất sét đã giúp các sử gia hiểu hơn về xã hội cổ đại, chúng cho thấy thành phố Kanesh từng là nơi có “nền kinh tế thị trường thịnh vượng”.
GS. Barjamovic và ba nhà kinh tế học khác đã dựa trên các nguyên tắc kinh tế để xác định vị trí của những thành phố cổ. Họ lập ra mô hình cấu trúc với thành phố Kanesh là trung tâm kinh tế từ đó suy ra vị trí của những thành phố khác.
Với rất nhiều biện pháp xác định vị trí dựa trên nguồn dữ liệu cổ, hiện nay điều duy nhất cần làm là thực hiện một số cuộc thám hiểm khảo cổ và tiến hành khai quật để hiểu rõ hơn về nền kinh tế không hề đơn giản của nền văn minh cổ đại phía bắc Lưỡng Hà này.
Hoàng An