Các ‘ông lớn’ công nghệ đã xây dựng đế chế độc quyền như thế nào?
Sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) đã làm thay đổi cách con người sống, làm việc và kết nối, nhưng lại góp phần làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và tính độc quyền.
Trong hơn 30 năm ở các nền kinh tế tiên tiến, đặc biệt là Mỹ, của cải và bất bình đẳng thu nhập đã tăng lên, tiền lương thực tế (được điều chỉnh theo lạm phát) tăng một cách từ từ, và những người về hưu phải đối mặt với lãi suất tiết kiệm giảm. Trong khi đó, lợi nhuận của các tập đoàn và giá cổ phiếu tăng mạnh. Theo nghiên cứu của Mordecai Kurz, Giáo sư kinh tế tại trường Đại học Stanford, những thay đổi này chủ yếu là do sự gia tăng của CNTT hiện đại.
CNTT đã ảnh hưởng đến nền kinh tế theo vô số cách: máy tính, Internet, và công nghệ di động đã biến đổi phương tiện truyền thông, bán lẻ trực tuyến, ngành dược phẩm và vô số các dịch vụ liên quan đến người tiêu dùng khác. CNTT đã cải thiện cuộc sống rất nhiều.
Tuy nhiên, bằng cách hỗ trợ sự gia tăng sức mạnh độc quyền và tạo điều kiện cho các rào cản gia nhập ngành, sự phát triển của CNTT cũng có các tác dụng phụ tiêu cực về kinh tế, xã hội và chính trị. Vậy các công ty CNTT đã xây dựng sức mạnh độc quyền của họ như thế nào?
Trước hết, chính cấu trúc của lĩnh vực CNTT cho phép sự hình thành của sức mạnh độc quyền.
CNTT đã cải thiện xử lý thông tin, lưu trữ và truyền tải dữ liệu. Các nhà đổi mới CNTT là những chủ sở hữu duy nhất của các kênh thông tin khổng lồ mà họ chủ động cố gắng ngăn chặn đối thủ cạnh tranh sử dụng.
Ngoài ra, các công ty CNTT có thể bảo vệ sức mạnh độc quyền thông qua các bằng sáng chế hoặc bản quyền thuộc quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, những cách này đòi hỏi công khai bí mật thương mại. Do đó, vì lý do chiến lược, nhiều công ty bỏ qua biện pháp bảo vệ pháp lý và củng cố vị trí thống lĩnh thị trường bằng cách phát hành mặc định các bản cập nhật phần mềm liên tục.
Điều này tạo ra những rào cản khiến các đối thủ cạnh tranh khó có thể phá vỡ. Khi các công nghệ tiềm năng mới xuất hiện, các công ty lớn thường cần có đối thủ thách thức họ để tự phát triển cạnh tranh hoặc để ngăn chặn chúng.
Thứ hai, một khi một công ty sáng tạo thiết lập được nền tảng thống trị, quy mô trở thành một lợi thế lớn.
Vì chi phí xử lý và lưu trữ thông tin đã giảm trong những năm gần đây, một công ty có lợi thế về quy mô sẽ có chi phí hoạt động nhỏ hơn và lợi nhuận tăng nhanh khi số người dùng tăng lên, ví dụ điển hình là trường hợp của Google và Facebook. Những lợi thế về chi phí và lợi thế kinh tế nhờ quy mô gần như khiến nhiệm vụ cạnh tranh của các đối thủ trở nên bất khả thi.
Thêm vào đó, vì những công ty này lấy quyền lực của họ từ thông tin, nên vị trí của họ được tăng cường bởi khả năng sử dụng thông tin cá nhân của khách hàng như một tài sản chiến lược. Thực tế, nhiều nền tảng CNTT không phải là những nhà sản xuất theo nghĩa truyền thống. Họ không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm nào, mà chỉ đóng vai trò là các tiện ích công cộng cho phép phối hợp, chia sẻ thông tin giữa những người sử dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Do đó, CNTT tạo ra rào cản gia nhập thị trường, và củng cố vững chắc vị trí của các công ty hàng đầu (do họ có số lượng người dùng lớn đồng nghĩa với việc sở hữu khối thông tin khổng lồ). Với tốc độ đổi mới CNTT ngày càng nhanh chóng, sức mạnh độc quyền cũng ngày càng tăng lên.
Tài sản độc quyền của các công ty ở Mỹ qua những con số
Giáo sư Kurz đã tính toán được “tài sản độc quyền” – thành phần độc quyền trong giá trị cổ phiếu và lợi nhuận độc quyền.
Trong những năm 1980s, tài sản độc quyền chưa tồn tại. Nhưng khi ngành CNTT phát triển, tài sản độc quyền tăng nhanh chóng. Nó đã đạt mức 82% tổng giá trị thị trường chứng khoán (tương đương 23,8 nghìn tỷ USD) vào tháng 12/2015. Đây là tài sản tăng thêm nhờ sự gia tăng của sức mạnh độc quyền, và nó đang tiếp tục phát triển.
9 trên 10 công ty với tài sản độc quyền lớn nhất ở Mỹ vào tháng 12/2015 liên quan đến lĩnh vực CNTT, tập trung vào truyền thông di động, phương tiện truyền thông xã hội, và dược phẩm. Tương tự, các công ty được biến đổi nhờ CNTT cũng chiếm hầu hết các vị trí trong số top 100 công ty với tổng tài sản độc quyền nhiều nhất.
Trước đó vào năm 2016, Ngân hàng Thế giới WB đã có những cảnh báo về tính độc quyền thái quá của những tập đoàn công nghệ lớn như Google, Uber hay Twitter.
WB cảnh báo rằng “bản chất nền kinh tế trên Internet hiện nay là độc quyền, thiếu vắng cạnh tranh doanh nghiệp và kết quả là thị trường tập trung, lợi nhuận đi về các doanh nghiệp lớn. Không ngạc nhiên khi họ đang được lợi từ nền giáo dục tốt hơn, kết nối tốt hơn và tài chính tốt hơn để lấy đi phần lớn lợi nhuận từ cuộc cách mạng kỹ thuật số”.
Tiếp sau đó, WB cho biết thêm các hãng như Amazone, Facebook hay Google đã bỏ qua những quy định cạnh tranh thông thường do họ không sử dụng những cách thức mà các tập đoàn khi có vị trí độc quyền thường làm. Mối nguy hiểm đến từ các đế chế và các tập đoàn này là sử dụng công nghệ số để điều khiển xã hội chứ không thúc ép.
Báo cáo của WB cũng cho rằng nhiều thiếu sót của các hãng công nghệ có thể được khắc phục nếu các chính phủ tăng cường tiếp xúc với công dân của mình trên Internet. Chẳng hạn các hãng công nghệ như Google hay Facebook cũng có thể thực hiện các dự án miễn phí Internet cho người dân ở các nước châu Phi và Ấn Độ.
Các dự án này về một góc nhìn nào đó sẽ tốt cho cộng đồng vì đã cung cấp truy nhập Internet miễn phí đến nhiều dịch vụ khác chứ không chỉ dịch vụ do các hãng này cung cấp.
Báo cáo này cũng cảnh báo rằng bên cạnh những lợi ích về sự phát triển của công nghệ mang lại thì cũng xuất hiện những rủi ro mới như sự xáo trộn và mất bình đẳng trong nguồn lực lao động đến từ việc áp dụng công nghệ mới đã đòi hỏi các kỹ năng cao trong khi nhiều người vẫn làm những việc bình thường hằng ngày mà không biết đến điều này.
Tuệ Tâm (t/h)