9 phản ứng khó chịu khi đi máy bay và cách khắc phục
Chúng ta không thể phủ nhận được sự tiện lợi cũng như an toàn của phương tiện máy bay. Tuy nhiên, dù không muốn thì cơ thể chúng ta cũng gặp phải 1 số phản ứng không mấy dễ chịu lắm khi đang ở độ cao 10.000 mét so với mặt đất.
1. Chân phù to hơn
Chắc chắn là khi ở trên máy bay, bạn khó có thể đi bộ một cách tự do và duỗi chân thoải mái.
Và bạn có biết, khi ngồi lâu 1 chỗ trong khoảng 45 phút đến 1 tiếng sẽ khiến lưu lượng máu trên cơ thể phần bắp chân, bàn chân bị sưng phù, thậm chí là đông máu.
Để tránh tình trạng này, bạn có thể thực hiện 1 vài động tác di chuyển đơn giản như xoay cổ chân, co, duổi bàn chân hoặc thi thoảng đi lại 1 chút trên máy bay với những chuyến di dài.
2. Hương vị thức ăn thay đổi
Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra rằng, độ ẩm trong không khí bạn hít vào trên máy bay sẽ làm khô lớp niêm mạc ở miệng, mũi, từ đó ảnh hưởng đến cảm nhận về hương vị của bạn.
Theo đó, nhận thức về đồ ăn ngọt và mặn sẽ giảm đi khoảng 30% trong môi trường trên máy bay. Nhưng hành khách lại bị thu hút bởi vị của nước ép cà chua – một cảm giác rất đã khát. Hơn thế, uống nước ép cà chua còn giúp bạn đầy bụng và giảm cảm giác say máy bay nữa đấy.
3. Miệng trở nên hôi hơn
Chính bởi áp suất không khí trên máy bay thấp nên cơ thể sản xuất ít nước bọt, miệng dễ bị khô hơn. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn trong miệng phát triển mạnh, khiến hơi thở dễ có mùi.
Một trong những bí kíp để khiến bạn không “xấu hổ” khi lâm vào tình trạng này đó là nên ăn những món ăn nhẹ nhàng không quá nặng mùi và nhai kẹo cao su.
4. Da dễ nổi mụn
Việc cơ thể mất nhiều nước khi ở môi trường máy bay cũng khiến da dễ bị nổi mụn trứng cá và nhiễm bẩn.
Lý do là bởi, không khí khô trên khoang máy bay sẽ làm suy yếu tính chất bảo vệ da, dễ khiến bạn gặp các vấn đề về da. Và giải pháp được đưa ra đó là bạn nên uống nước để cơ thể đủ nước, đồng thời bổ sung kem dưỡng ẩm cho da với những chuyến đi dài.
5. Đau đầu
Khi áp suất oxy giảm thấp, bạn sẽ rơi vào tình trạng thiếu oxy nhẹ. Với người nhạy cảm, việc thiếu oxy có thể khiến bạn bị đau đầu.
Để giảm thiểu tình trạng đau đầu, chóng mặt trong suốt chuyến bay, bạn có thể uống nhiều nước, tránh đồ uống có cồn hoặc chứa caffein và chọn vị trí ngồi cạnh cửa sổ gần cánh để đỡ bị căng thẳng.
6. Đầy hơi
Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh đã chỉ ra, lượng hơi trong cơ thể có thể tăng lên tới 25% khi đi máy bay.
Đó là do khi bay lên cao, áp suất bên ngoài giảm đi đáng kể, khí (hơi) trong cơ thể sẽ tăng lên. Lượng khí này bao gồm cả hơi trong ruột non, dạ dày khiến bạn cảm thấy bị chướng bụng và muốn xì hơi nhiều hơn.
7. Tai bị tức, màng nhĩ hơi lồi ra
Giống như việc tăng “hơi” trong ruột, tai của bạn cũng sẽ chịu ảnh hưởng khi thay đổi áp suất không khí.
Khi lên cao, lỗ tai bỗng nhiên biến thành chiếc phễu hút không khí, lúc này màng nhĩ hơi lồi ra ngoài hơn 1 chút và khiến bạn có cảm giác khó chịu, đau tai và tức trong tai. Nhai kẹo cao su, hoặc ngáp… sẽ là mẹo nhỏ giúp bạn thoát khỏi tình trạng này.
8. Răng đau nhức
Dù khá hiếm gặp nhưng việc thay đổi lượng khí (hơi) trong cơ thể cũng có thể khiến răng của bạn trở nên đau nhức. Đó là do phần hơi bị mắc lại trong các lỗ hàn, hay sâu răng.
Bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau để làm giảm triệu chứng này, nhưng để cẩn thận, bạn có thể đến gặp nha sĩ để kiểm tra răng miệng trước khi lên lịch bay.
9. Mức độ lo lắng tăng cao
Ngay cả những người “bay như chim” suốt tuần, và không hề sợ máy bay nhưng đôi khi, bạn cũng rất dễ rơi vào tình trạng lo lắng, cáu gắt khi phải bay dài và thay đổi nhịp sinh học.
Một cuốn sách thú vị, bộ phim hài nhẹ nhàng hay bản nhạc du dương sẽ phần nào giúp bạn đối phó với điều này.
Theo Kênh 14