Bạn có biết nguồn gốc và ý nghĩa của những chiếc ô giấy dầu xinh xắn?
Dường như chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh những phụ nữ Nhật Bản mặc kimono và cầm một chiếc ô giấy trong tay. Tuy nhiên, bạn có biết nguồn gốc xuất xứ thực sự của những chiếc ô xinh xắn này cũng như các ý nghĩa tinh thần khác ngoài việc dùng để che nắng?
Thoạt nghe về chiếc ô giấy dầu, người ta thường tưởng tượng đến truyền thống và văn hóa Nhật Bản, đồng thời nghiễm nhiên mặc định sự ra đời của nó là xứ sở Mặt trời mọc.
Thế nhưng theo ghi chép, ô giấy dầu ra đời tại Trung Hoa sau đó được lan truyền qua hàng loạt quốc gia ở châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Ấn Độ, Sri Lanka, Malaysia, Thái Lan, Lào. Sự lan truyền này chủ yếu qua con đường thương mại, vì lúc đầu chiếc ô có vai trò che nắng – một vật dụng không thể thiếu của các thương gia trên con đường buôn bán của mình. Qua các nước khác nhau này, chiếc ô giấy dầu lại có những đặc điểm thay đổi khác nhau.
Bạn có biết trong văn hóa Nhật Bản hay Trung Hoa, các màu sắc khác nhau của chiếc ô lại đại diện cho những ý nghĩa khác nhau? Ví như những chiếc ô màu tím biểu trưng cho sự trường thọ của người lớn tuổi, trong khi những chiếc ô màu trắng thường được sử dụng trong các đám tang.
Ngoài việc giúp che mưa che nắng, ô giấy dầu còn có một số công dụng khác. Ở Nhật Bản, ô giấy dầu được sử sụng trong các điệu múa truyền thống, trong khi tại các đám cưới truyền thống của người Trung và người Nhật, ô giấy dầu thường được che cho cô dâu nhằm xua đuổi ma quỷ.
Trong văn hoá Trung Quốc, chẳng hạn như trong đám cưới người Khách Gia, gia đình nhà gái sẽ tặng cô dâu 2 chiếc ô làm của hồi môn, nó được xem như là một lời chúc cho cô dâu sớm sinh quý tử, bởi trong tiếng của người Khách Gia thì chữ “trẻ em” được phát âm gần giống với chữ “giấy”. Ngoài ra, còn vì chữ “dầu” và chữ “hữu” đồng âm, và ô dù mở ra thành một hình tròn, tượng trưng cho một cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ.
Trong quá khứ, các bậc cha mẹ thường tặng ô cho con trai khi tròn 16 tuổi, hành động này như một cách để nói với con trai rằng họ hy vọng cậu sẽ có thể trở thành trụ cột của gia đình.
Bên cạnh đó, trong lễ kỷ niệm tôn giáo, những chiếc ô giấy dầu thường được thấy che trên ghế kiệu thiêng liêng, được sử dụng để che mưa nắng, còn để xua đuổi tà ma.
Ngày nay trong các nước sở hữu chiếc ô giấy dầu thì Nhật Bản làm tốt nhất vai trò quảng bá chiếc ô như một sự biểu trưng về văn hóa. Có lẽ chính vì vậy mà hầu hết mọi người đều hiểu lầm rằng chiếc ô này xuất phát điểm tại Nhật.
Câu chuyện về nguồn gốc chiếc ô giấy dầu
Truyền thuyết kể rằng chiếc ô giấy dầu đầu tiên được làm bởi vợ của một người thợ mộc nổi tiếng là Lỗ Ban dùng để che mưa cho ông. Chiếc ô được làm bằng khung tre và được phủ bằng da động vật. Nó có thể đóng mở tùy ý.
Sau này, khi giấy được phát minh vào thời nhà Hán, người ta bắt đầu sử dụng giấy tráng dầu để làm ô.
Sáng chế này đã được truyền đến Hàn Quốc và Nhật Bản vào thời nhà Đường và sau đó lan sang các nước châu Á khác. Ở mỗi nơi, họ đã có những thiết kế riêng do sự khác biệt về văn hóa của nước mình.
Quy trình sản xuất cơ bản
Mặc dù việc sản xuất ô giấy dầu ở mỗi quốc gia là khác nhau, nhưng thông thường nó được tạo ra theo 4 bước chính:
– Chọn tre;
– Tách tre ra và ngâm trong nước. Sau đó, phơi khô dưới ánh nắng Mặt trời trước khi được khoan lỗ, bắt chỉ và lắp vào bộ khung của chiếc ô.
– Cắt giấy và dán vào khung. Sau đó cắt bỏ giấy thừa, bôi dầu và phơi nắng.
– Cuối cùng, một người họa sĩ sẽ khéo léo vẽ trên đó những bức tranh thiên nhiên sinh động và rực rỡ.
Video cách làm ô giấy dầu ở Thái Lan
Theo NTDTV