Câu chuyện khỉ đánh cờ và bài học sâu sắc cho cuộc sống
Con người thường rất dễ bị lợi ích làm mê mờ, vậy nên, dù thông minh tài trí đến đâu, nếu như bị cám dỗ bởi những thứ phù phiếm trước mắt, thì có thể sẽ nhận phải kết cục thê thảm.
1. Khỉ đánh cờ
Trên cao nguyên Thanh Tạng, tại một đỉnh núi cao sừng sững mây mù che phủ có một cây cổ thụ ngàn năm tuổi. Mỗi ngày, đều có hai tiên nhân thường du ngoạn đến đây, ngồi ở dưới bóng cây đánh cờ với nhau.
Một con khỉ sống ở trên núi sâu này thấy vậy vô cùng thích thú, nên đã lặng lẽ trốn trên cây cổ thụ rình coi hai tiên nhân đánh cờ. Cứ ngày này qua tháng khác, con khỉ thông minh nhanh trí này, dần dần hiểu và biết cách chơi cờ, cuối cùng học được bí quyết và cả những chiêu thức đánh cờ độc đáo của cả hai tiên nhân.
Sau này, có người dân vô tình nhìn thấy hai tiên đánh cờ, liền về kể lại với những người ở trong thôn, thế là một số người thích cờ, đã rất tò mò, liền leo lên đỉnh núi cao hy vọng được xem các tiên nhân đánh cờ. Nhưng, tiên nhân lại tránh trần, tuyệt tục, nên khi người dân chưa kịp đến họ đã rời đi rồi.
Khi những người này leo lên đến chỗ gốc cây, thì chỉ nhìn thấy bàn cờ đang dở dang còn ở đó, rồi họ tò mò tìm cách giải thế cờ trên bàn. Con khỉ ở trên cây thấy vậy vô cùng ngứa nghề, không thể nhịn được, đã nhảy từ trên cây xuống, rủ những người dân trong núi này đánh cờ. Khả năng đánh cờ của con khỉ cực kỳ cao siêu, thần bí khó lường. Những người ở đó đều không phải là đối thủ của nó.
Sau khi tin tức được truyền đi, các cờ thủ ở khu vực đó, đã không ngại núi cao hiểm trở, đua nhau lên núi để so tài đánh cờ với con khỉ, nhưng kết quả tất cả đều thua.
Quan trưởng trong vùng thấy chuyện này rất kỳ lạ, liền dùng con khỉ này làm cống phẩm hiếm quý, mang đến kinh thành, kính dâng lên hoàng đế triều Minh. Hoàng đế mệnh lệnh cho các quan văn võ tướng trong triều, đến để tỷ thí cờ với con khỉ, nhưng không một ai có thể địch lại nó.
Sau đó hoàng đế hạ chiếu trưng cầu tất cả cao thủ cờ trong nước về cung. Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn các danh tướng cờ từ khắp nơi đã tiến về kinh thành, bọn họ lần lượt thi đấu với con khỉ, nhưng vẫn không ai có thể thắng nổi nó.
Trong lúc hoàng đế cảm thấy bất lực, thì những cận thần đã gợi ý nói: “Đại thần Dương Tĩnh, rất giỏi về cờ, mà lại còn là người trí tuệ phi phàm, sao bệ hạ không tìm ông ta đến thử?”.
Lúc đó Dương Tĩnh vì mắc tội nên đang phải ngồi tù, hoàng đế liền đặc xá cho Dưỡng Tĩnh ra khỏi tù, lệnh cho Dưỡng Tĩnh thi đấu một trận phân thắng bại với con khỉ.
Dương Tĩnh sau khi nhận lệnh, đã thỉnh cầu Hoàng đế ban cho ông một mâm đựng trái cây và mười mấy quả đào tiên, hoàng đế đồng ý. Trận đấu quyết định số phận của hai bên bắt đầu.
Dương Tĩnh để mâm trái cây ở bên cạnh mình. Sau đó, tâm khí bình hòa thi đấu với con khỉ. Khi con khỉ đi được vài nước cờ, liền nhìn vào những quả đào tươi, nắm tai gãi má thèm chảy cả nước miếng, làm cho nó không thể tập trung đánh cờ, kết quả đã bại dưới tay của Dương Tĩnh.
Cảm ngộ:
Con khỉ đã học được thuật cờ thần bí của tiên nhân, bách chiến bách thắng. Nhưng, dùng một mâm đào đặt ở chỗ đối diện với con khỉ, làm nó sao lãng không thể tập trung tinh lực đánh cờ, cuối cùng nhận thất bại.
Câu chuyện này cho chúng ta thấy, kỹ thuật không thể quyết định tất cả, trí tuệ có thể bù đắp chỗ thiếu khuyết, nắm được điểm yếu của đối phương, thì người kém cỏi cũng có thể đánh bại cao thủ. Mà người cao siêu nếu bị lợi ích trước mắt dụ dỗ, không chuyên tâm nhất trí, thì cũng có thể bị người kém cỏi đánh bại.
2. Sửa bếp dời củi
Có vị khách, đến nhà một gia chủ, thấy trên bếp nhà họ xây một ống khói rất thẳng, bên cạnh ống khói còn chất rất nhiều củi.
Vị khách đó nói với gia chủ: “Ông nên sửa ống khói thành cong, củi nên xếp cách xa ống khói một đoạn, nếu không như thế thì rất dễ xảy ra hỏa hoạn”.
Chủ nhân nghe nhưng không cho là đúng. Mấy ngày sau nhà của ông ấy quả nhiên bị cháy, tất cả những người trong thôn đều chạy đến giúp đỡ cứu hỏa, chỉ sau chốc lát ngọn lửa được dập tắt.
Xong chuyện, chủ nhà liền mổ trâu mở tiệc rượu cảm tạ hàng xóm, phàm là những ai hôm đó đã đến giúp đỡ đều được mời đến. Nhưng người khách trước đó khuyên ông sửa lại ống khói và để đống củi ra xa lại không được mời.
Cảm ngộ:
Nếu người chủ nhà này nghe lời vị khách kia ngay từ đầu thì hỏa hoạn đã không xảy ra, cũng không có buổi tiệc cảm tạ này. Phòng ngừa sự cố là vô cùng quan trọng, người ta thường chỉ coi trọng cứu chữa lại bỏ qua phòng ngừa.
Lê Hiếu biên dịch