Coca-Cola, Samsung rút quảng cáo, Zing ký kết mua bản quyền âm nhạc
Trước thông tin Coca-Cola và Samsung rút quảng cáo khỏi trang web nghe nhạc trực tuyến lớn nhất Việt Nam Zing MP3 vì lý do bản quyền trên trang web này, phía Zing đã lập tức có động thái khắc phục bằng cách ký kết với hãng thu âm Universal Music để mua bản quyền.
Coca-Cola, Samsung rút quảng cáo vì “nhạc lậu” trên Zing
Những ngày qua, hàng loạt các hãng tin lớn quốc tế đưa tin 2 “đại gia” là Coca-Cola và Samsung đã đồng loạt rút các quảng cáo đặt trên dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Zing MP3 vì những lo ngại về vấn đề bản quyền file nhạc trên trang web này.
Zing MP3 là một trong những trang web nghe nhạc trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam
Cụ thể, 2 công ty lớn này đã rút quảng cáo khỏi Zing MP3, trang web có lượng truy cập lớn thứ 6 tại Việt Nam hiện nay sau khi hãng tin AP đưa ra các cảnh báo các mối lo ngại từ địa phương và quốc tế về vấn đề bản quyền các file nhạc trên dịch vụ nghe nhạc trực tuyến này.
Ngoài Coca-Cola và Samsung, hiện còn rất nhiều những thương hiệu nổi tiếng khác đang đặt quảng cáo trên Zing bao gồm Canon, Yamaha, Intel, Colgate-Palmolive…
“Chúng tôi đánh giá cao sự tôn trọng và giá trị quyền sở hữu trí tuệ và chống lại các hành vi xâm phạm, chẳng hạn như sao chép và phân phối trái phép tài liệu có bản quyền”, Samsung trả lời hãng tin AP. “Theo đó, quảng cáo của chúng tôi trên Zing.vn đã được thu hồi”.
Coca-Cola cũng cho biết đã ngừng quảng cáo trên Zing khi đã “điều tra các vấn đề để đưa ra quyết định”.
Liên minh Sở hữu Trí tuệ Quốc tế trong năm nay đã từng cáo buộc Zing.vn là “đại diện của sự vi phạm bản quyền nổi tiếng”, đã lên tiếng hoan nghênh động thái của Coca-Cola và Samsung.
Trước đó, ngành công nghiệp âm nhạc tại Mỹ đã lên tiếng phàn nàn về các công ty nổi tiếng đang đặt quảng cáo trên các trang web chứa nội dung vi phạm bẩn quyền và đang cố gắng để yêu cầu các công ty này ngừng các quảng cáo như vậy.
Theo thống kê từ Alexa, dịch vụ theo dõi và đánh giá website thì hiện tại 20% lượng truy cập vào Zing đến từ các quốc gia bên ngoài Việt Nam, trong đó 60% lượng truy cập để download các nội dung từ Zing, trong đó có cả các bài hát vi phạm bản quyền.
Zing đạt được thỏa thuận quan trọng về bản quyền nhạc quốc tế
Trước những cáo buộc vi phạm bản quyền trên dịch vụ nghe nhạc trực tuyến của mình, hôm nay, Zing vừa lên tiếng khẳng định đã đạt được thỏa thuận cung cấp với hãng ghi âm nổi tiếng Universal Music dưới dạng phát nhạc trực tuyến và download có thu phí, đồng thời chuẩn bị ký kết hợp đồng tương tự với các hãng nhạc quốc tế khác.
Được biết, thỏa thuận đã được ký kết vào sáng ngày hôm nay, sau nhiều tháng đàm phán. Cũng theo thỏa thuận này, VNG (đơn vị chủ quản của Zing.vn) cam kết sẽ gỡ bỏ tất cả các truy cập từ ngoài lãnh thổ Việt Nam vào các bản thu âm của Universal Music trên Zing MP3.
Hai bên cũng thống nhất sẽ hợp tác để phát triển ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam, thông qua việc mời các nghệ sĩ quốc tế tới biểu diễn ở Việt Nam và đưa các nghệ sĩ Việt Nam ra biểu diễn ở nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Phi Hùng, đại diện của Universal Music Việt Nam làm việc trực tiếp với VNG trong thời gian đàm phán thì thỏa thuận là một bước tiến lớn để phát triển thị trường âm nhạc Việt Nam, cũng như đưa âm nhạc Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Trong khi đó, ông Vương Quang Khải, phó Tổng giám đốc VNG cho biết: “Thỏa thuận này sẽ giúp hàng triệu người dùng Việt Nam có thể tiếp cận rộng rãi đến những nghệ sỹ nổi tiếng thế giới như Lady Gaga hoặc Justin Bieber”.
Ông cũng khẳng định Zing sẽ sớm hoàn tất việc ký kết hợp đồng bản quyền với các cá nhân, tổ chức đang sở hữu bản quyền các bản ghi nhạc số cả trong và ngoài nước.
Bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), đánh giá việc Zing đạt thỏa thuận trên với Universal là điều rất có lợi cho người nghe nhạc trong nước. “Zing là một trong những website mua nhạc hợp pháp đầu tiên của RIAV, với số lượng bản quyền bài hát lớn nhất hiện nay. Việc VNG đàm phán thành công với đại diện các hãng nhạc lớn thế giới như Universal, đặc biệt là trong lĩnh vực download nhạc trả phí, sẽ mở ra nhiều mô hình kinh doanh mới và thay đổi thói quen sử dụng nhạc miễn phí của người dùng VN”.
T.Thủy