Cô gái Mỹ dành 10 năm để làm nên điều đặc biệt trên nóc nhà thế giới – Tây Tạng
Với đôi mắt sâu, mũi thẳng, tóc đen, đôi má ửng hồng, Yeshe Decheng trông giống như một cô gái Tây Tạng thực thụ. Nhưng ít ai đoán được rằng 10 năm trước, cô là một nữ sinh người Mỹ vừa tốt nghiệp đại học, bỡ ngỡ đặt chân tới vùng đất Tây Tạng. Và miệt mài trong suốt 10 năm ấy, Decheng đã làm nên một điều đặc biệt.
Cô gái Mỹ tuổi đôi mươi…
Yeshe Decheng là một cô gái người Mỹ gốc Tây Tạng. Mẹ của Decheng sinh trưởng và học hành ở Pháp. Bà là một học giả về tôn giáo, nhân chủng học, cũng là một nhà thiết kế và nhiếp ảnh gia, sau đó đã kết hôn với một người đàn ông Tây Tạng, chính là bố của Decheng.
Ông ngoại của Decheng là người Hy Lạp, là một doanh nhân giàu có với những trang trại và nhà máy rượu ở Pháp. Decheng được sinh ra ở Pháp, từ nhỏ sống ở trang trại cùng với ông ngoại, đoạn tuổi thơ tuyệt vời này đã ít nhiều ảnh hưởng đến cô.
Khi lớn lên, trong tâm trí cô vẫn luôn ghi nhớ lời mẹ dặn, rằng người ta sống không phải chỉ để kiếm tiền, mà quan trọng hơn là hãy tìm cho mình một điều gì đó có ý nghĩa để làm.
Từ thời thơ ấu, Decheng đã được đi du lịch cùng cha mẹ khắp châu Âu và châu Á, đến năm 18 tuổi cô trở về học đại học ở Hoa Kỳ. Năm 2006, cô tốt nghiệp đại học. Khi ấy, cô gái trẻ tuổi đôi mươi nhiều hoài bão có cả một tương lai rộng mở phía trước tại Hoa Kỳ, mảnh đất phồn hoa.
Tuy nhiên, Decheng đã quyết định một lần được trở về mảnh đất yêu dấu, quê cha và chính là Tây Tạng.
Trở về Tây Tạng
Trong đời người ta có vô số lần gặp gỡ, nhưng quay trở về Tây Tạng lần này đã thay đổi cuộc đời của Yeshe Decheng. Một ngày, cô cầm máy ảnh và đi dạo như mọi khi, bỗng có một cậu bé níu lấy áo của cô và nở nụ cười ngây thơ nhất. Nhìn thấy những con người chân chất ở nơi đây, những nụ cười hồn nhiên ấy đã chạm vào trái tim cô. Ngay lúc đó, lòng cô lắng xuống…
Ngày hôm sau, Decheng cố gắng hòa nhập với cuộc sống của người dân nơi đây, đi theo họ để tìm hiểu về vùng đất rộng lớn này. Khi cô nhìn thấy những chiếc khăn yak Tây Tạng với những sợi tơ mỏng manh, cô chợt nghĩ đến những thương hiệu nổi tiếng sang trọng như Hermes, LV… ở Hoa Kỳ. Cô thầm nghĩ, thật tuyệt nếu những chiếc khăn yak này được phổ biến khắp thế giới!
Và Yeshe Decheng can đảm đưa ra quyết định nhanh chóng, dưới nóc nhà của thế giới, cô thành lập xưởng dệt riêng cho mình, và lấy tên “Norlha”, với ý nghĩa là một kho báu.
Để đi những bước chân đầu tiên, cô mặc lên mình những bộ quần áo dày, và lang thang trên các cao nguyên như một du mục thực thụ. Gặp mỗi người dân làng, cô đều nở nụ cười và thuyết phục. Và kết quả một năm sau đó, cô đã thu nhận được những công nhân đầu tiên.
Món quà được Thần linh ban tặng
Decheng thành lập nhà xưởng Norlha, lấy nguyên liệu người dân địa phương dùng làm khăn yak, sử dụng phương pháp dệt truyền thống và thuốc nhuộm từ khoáng chất tự nhiên, làm ra những chiếc khăn quàng cổ và khăn choàng tuyệt đẹp.
“Norlha” là thuật ngữ Tây Tạng dùng để gọi chiếc khăn yak, nó cũng có ý là “món quà được Thần linh ban tặng”. Decheng giải thích: Đây không phải là một bản sao trực tiếp của các sản phẩm Tây Tạng, mà là mượn một số yếu tố của văn hóa Tây Tạng, và sau đó không ngừng tiếp tục sáng tạo.
Ngày nay ở vùng đất Tây Tạng, yak thực sự là một sản phẩm phổ biến. Các khu chăn nuôi ở đây đầu tư rất lớn trong việc nâng cao chăn nuôi bò yak, phát triển sản xuất sữa yak, dầu bơ và sản lượng thịt…
Để làm một chiếc khăn yak bằng tay là cả một quá trình đòi hỏi công phu. Đường kính lông bò yak rất bé, chỉ khoảng 20 µm, độ dài từ 3,4 đến 4,5 cm. Mỗi con bò nuôi 2 năm sau mới lấy được lông, và mỗi năm chỉ có thể lấy được 100g lông. Mỗi chiếc khăn yak mà xưởng của Decheng làm cần dùng đến ít nhất lông của 4 con bò yak, riêng chiếc khăn choàng cần phải dùng đến lông của 7 con bò yak.
Đưa sản phẩm khăn Yak ra thế giới
Trong năm 2007, xưởng khăn yak Norlha làm bằng tay đã chính thức được thành lập. Tại đây, một công nhân cần phải mất 4 ngày để hoàn thành một chiếc khăn. Bởi vì phải hoàn toàn dùng phương pháp dệt truyền thống, cho nên việc đào tạo nhân viên hết sức quan trọng, Decheng phải mất 6 tháng cho công việc này để có thể đưa Norlha chính thức bắt đầu đi vào hoạt động.
Thuốc nhuộm được Decheng nhập khẩu từ Thụy Sĩ. Đây là loại thuốc nhuộm được chiết xuất từ khoáng chất tự nhiên, nhằm giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường đồng cỏ. Để phát triển đa dạng các dòng sản phẩm, Decheng đã mời các chuyên gia dệt nổi tiếng từ Nepal, Ấn Độ, Myanmar về giảng dạy cho công nhân của mình.
Sản phẩm khăn yak của Decheng có màu sắc đơn giản tự nhiên, ví như màu đỏ gạch, xanh dương, xanh lá cây, vàng, nâu, xám… Decheng nói: Đây không phải là màu nhuộm, nó là những màu sắc đặc trưng của Tây Tạng, màu xanh của bầu trời, xanh của đồng cỏ, vàng của hoa, đỏ nâu của đền tự, nâu hặc trắng của đàn bò yak…
Khi quảng bá sản phẩm của mình, Decheng luôn cam kết rằng, cô sẽ lưu giữ mô hình dây chuyền công nghệ truyền thống như hiện nay, để giữ lại những nét đặc trưng của vùng cao nguyên Tây Tạng.
Hiện nay, các dòng sản phẩm của Norlha đã được đặt trang trọng bên cạnh các hàng hóa cao cấp của Hermès, LV, Balmain, Sonia Rykiel, Lanvin, Haider Ackermann và các thương hiệu nổi tiếng khác. Sau 10 năm miệt mài và không ngừng sáng tạo, Decheng đã đưa chiếc khăn yak Tây Tạng trở thành chiếc khăn có thương hiệu quốc tế, với giá từ vài trăm USD đến hàng ngàn Euro.
Cũng giờ đây, Decheng 33 tuổi, đã kết hôn và là mẹ của hai đứa con xinh xắn. Cô không còn là cô gái tuổi đôi mươi với nước da trắng nõn ngày xưa, mà trên khuôn mặt đã điểm chút sắc hồng của cao nguyên Tây Tạng. Nhưng đối với Decheng, cô không hề cảm thấy hối tiếc về quyết định của hơn 10 năm về trước, cô đã không sai lầm và tìm được hướng đi đúng đắn cho cuộc đời mình.
Theo epochtimes.com.tw