Nữ hoàng vọng cổ – Sầu nữ Út Bạch Lan qua đời
NSƯT Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935 , tại ấp Lộc Hóa, xã Lộc Giang, Đức Hòa, Long An. Bà được mệnh danh là giọng ca sầu nữ, sau thời gian điều trị căn bệnh ung thư gan, đã trút hơi thở cuối cùng lúc 22h55 ngày 4/11 tại nhà riêng, thọ 82 tuổi.
Chị Hạnh – người cháu ruột của NSƯT Út Bạch Lan cho biết, gia đình phát hiện bà bị bệnh ung thư gan từ đầu năm 2016, đã đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy hóa trị. Sau đó bà được đưa về nhà điều dưỡng, vẫn tiếp tục gắn bó với CLB Sân khấu Lạc Long Quân và CLB sân khấu Hoa Lan Trắng, biểu diễn các chương trình văn nghệ từ thiện.
“Không thể ngờ má tôi lạ đi đột ngột, thật đau lòng. Tang lễ sẽ cử hành tại chùa Xá Lợi, gia đình sẽ thông tin chính xác sau”, chị Hạnh đã khóc và cho biết.
Ngày 24/10, là suất tập cuối cùng của NSƯT Út Bạch Lan tại rạp Công Nhân, chuẩn bị diễn vở “Mẹ ngồi sàng gạo” (kịch bản: NSƯT Bắc Sơn). Tuy nhiên đến tối 27/10, gia đình đã báo tin bà không thể tham gia vì căn bệnh ung thư gan đã trở nặng, nghệ sĩ Cao Mỹ Châu (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) đã lập tức thay thế bà, thể hiện vai người mẹ trong vở diễn này, nhằm mục đích trao học bổng cho con em nghệ sĩ nghèo và công nhân sân khấu gặp hoàn cảnh khó khăn.
Từ ngày 28/10, gia đình đã đưa bà đi điều trị thuốc nam nhưng do căn bệnh đã biến chứng, bà suy yếu dần và trút hơi thở tại nhà riêng trong sự thương xót của người thân, đồng nghiệp.
NSƯT Út Bạch Lan sinh ra trong gia đình nghèo khó. Thưở đầu khởi nghiệp, bà cùng danh cầm Văn Vĩ đã tạo nên mối lương duyên để cả hai – người trở thành danh ca, người trở thành danh cầm.
NS Năm Cần Thơ là người phát hiện ra giọng ca trầm ấm, trữ tình của bà đã tìm đến chợ Bàu Sen mời bà và danh cầm Văn Vĩ về đài phát thanh Pháp Á để thu bài “Trọng Thủy – Mỵ Châu”, sau đó bà được ký hợp đồng làm việc cho đài với nghệ danh Bạch Lan. Nhưng để nhớ cái tên mà mẹ đã đặt, bà đã xin nhà đài gắn tên Út vào, từ đó bà chính thức bước vào nghề hát với nghệ danh Út Bạch Lan.
Vào những năm 1950, cặp diễn viên Út Bạch Lan – Thành Được đã làm rạng rỡ sân khấu Kim Chưởng. Bà và NS Thành Được đã làm nên thương hiệu của đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Bà kết hôn với nghệ sĩ Thành Được một thời gian thì cũng chia tay, bà lập đoàn hát Tân Hoa Lan và diễn với NS Thanh Tú.
Được xem là thế hệ kế tiếp của NSND Phùng Há, bà vẫn đang tiếp tục sự nghiệp của mình. Những năm tháng còn lại của đời mình; bà đã chọn vào cửa Phật, không phải xuống tóc quy y mà đêm gỏ mõ tụng kinh, ngày chọn sân chùa làm sân khấu, hát trích đoạn những vở tuồng về Phật để lấy tiền trùng tu, sửa chữa chùa chiền.
Từ cô bé hát rong thuở nào nơi vỉa hè góc chợ, bà đứng trên sân khấu và tỏa sáng rực rỡ. Giữa thập niên 50 (thế kỷ 20), sầu nữ Út Bạch Lan bắt đầu được báo chí và khán giả chú ý qua vở cải lương “Đồ Bàn di hận” trên sân khấu Thanh Minh.
Bà là tấm gương không ngừng khổ luyện trong diễn xuất, trau chuốt kỹ thuật ca ngâm, để những vai diễn của bà luôn được mới mẻ, đầy sáng tạo. NSƯT Út Bạch Lan đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả qua các vở diễn: “Dưới hàng phượng vĩ”, “Nước mắt kẻ sang Tần”, “Tình cô gái Huế”, “Thuyền ra cửa biển”, “Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ”, “Nước chảy qua cầu”, “Biên Thùy nổi sóng”, “Tình tráng sĩ”, “Nhớ rừng”….
Thành công nối tiếp thành công, bà được các hãng đĩa tranh nhau mời thu thanh đĩa đơn, đĩa tuồng đa dạng từ xã hội, cổ tích, sử Việt Nam đến Trung Hoa, Tây, Nhật… với số lượng nhiều nhất so với những danh ca khác. Vai chị Hằng (Vở “Con gái chị Hằng” – Hà Triều – Hoa Phượng) là vai vàng giúp bà đạt tới đỉnh vinh quang.
Hơn 60 năm gắn bó với nghề, bà là nữ danh ca có nhiều vai diễn để đời, được báo giới và công chúng đặt cho nhiều biệt danh như: “Đệ nhất đào thương”, “Nữ hoàng vọng cổ”, “Vương nữ sương chiều”, “Sầu nữ Út Bạch Lan”.
Theo NLD