Cô gái Iraq thuật lại 7 giờ nín thở dưới gầm giường trốn ISIS
“Họ sẽ giết chúng con mất”, Monaly nhắn tin cuối cùng cho cha Momika rồi điện thoại tối đen. Ở Erbil, cha Momika cầm điện thoại trong tay, bắt đầu khóc.
Căn phòng ngủ trong ký túc xá ở Kirkuk, thành phố do dân quân người Kurd kiểm soát ở Iraq, lát đá màu xám và đặt vài chiếc giường. Đây là nơi ở của Monaly Najeeb và 6 nữ sinh theo Cơ Đốc giáo, sau khi ISIS kiểm soát thành phố Mosul, khiến họ phải rời bỏ trường học, theo CNN.
Họ chuyển tới Kirkuk và bắt đầu lại việc học và cầu nguyện. Khu ký túc do nhà thờ quản lý trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các cô gái, cho tới 1 ngày cuối tuần trước.
Cơn ác mộng bắt đầu vào rạng sáng 21/10, Monaly, người tốt nghiệp ngành kỹ sư, nay làm giáo viên hướng dẫn cho những nữ sinh khác, kể lại.
Khoảng 4h, họ nghe thấy tiếng súng và tiếng nổ bên ngoài ký túc. 5 ngày trước, liên minh quân đội chính phủ Iraq và dân quân người Kurd mở đợt tấn công lớn đánh đuổi ISIS khỏi Mosul khiến Kirkuk, thành phố cách đó 160 km về phía nam trở thành mục tiêu trả đũa của ISIS.
Trước đó, Monaly từng biết tin ISIS đã tràn qua đại học của họ ở Mosul, thiêu rụi hàng nghìn quyển sách, đòi hỏi dạy và học theo chương trình Hồi giáo khắc nghiệt của riêng tổ chức này. Gia đình các cô gái phải từ bỏ quê cha đất tổ ở Qaraqosh, thành phố Cơ Đốc giáo lớn nhất Iraq, sơ tán đi nơi khác.
Giờ đây, trong căn phòng ký túc xá, một lần nữa họ phải đấu tranh để sống còn. Nhưng lần này, họ lựa chọn ở lại chứ không bỏ trốn.
Monaly và những người khác lấy chăn quấn quanh người để ngăn trúng đạn lạc. Một lát sau, họ nghe thấy tiếng người trong nhà bếp cạnh phòng và tiếng mở tủ lạnh, lục lọi ngăn kéo.
Họ chui xuống gầm giường, nín thở trốn vì không biết đó là quân đội Iraq hay phiến quân ISIS. Monaly muốn hét lên cầu cứu nhưng nếu cứ liều lĩnh mà nhận sai đối tượng, cô và bạn bè chắc chắn sẽ chết.
Vì thế, Monaly nằm im, hy vọng điện thoại của mọi người đều đặt chế độ im lặng. Nếu một người mắc chứng dị ứng nặng ho hoặc hắt hơi, mọi việc sẽ đi tong. Monaly nắm chặt chuỗi mân côi và cầu nguyện.
“Xin cha hãy giúp chúng con”, cô nhắn tin cho cha Roni Momika, một linh mục trẻ ở Erbil, người chịu trách nhiệm sơ tán các tín đồ Cơ Đốc giáo. “Cha có liên lạc với quân đội không?”
“Hãy cầu Đức mẹ đồng trinh Mary”, ông khuyên. “Người sẽ bảo vệ con”.
Các cô gái sợ hãi, co rúm người lại khi những người đàn ông rời bếp vào phòng ngủ. Lúc này, họ biết được đó là các tay súng ISIS qua tiếng nói chuyện. Vài tay phiến quân ngồi lên giường, bắt đầu ăn. Có kẻ lục tung túi xách của mấy cô gái lên, tìm thấy quần áo phụ nữ bên trong.
Monaly ngày càng lo lắng. Cô thường đọc được tin ISIS tra tấn và lạm dụng phụ nữ. Chúng đánh đập, hãm hiếp, buộc phụ nữ làm nô lệ. Giờ đây, những kẻ đó đột nhập vào nhà và biết có phụ nữ sống bên trong. Monaly không sợ chết bằng sợ bị hãm hiếp. Cô lạnh toát người khi nghĩ đến cảnh bị những kẻ ghê tởm đè lên thân.
Ngoài khu ký túc, cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn. Các tay súng ISIS nã súng hạng nặng vào liên quân Iraq, cố chiếm lấy những tòa nhà trọng yếu làm cứ điểm.
Phiến quân đưa người bị thương vào khu ký túc. Một người đàn ông được chuyển vào, nằm lên giường. Máu anh ta thấm qua đệm, nhỏ xuống người của bạn Monaly phía dưới.
Tuy nhiên, không người nào di chuyển hoặc gây ra bất kỳ tiếng động nào. Một tay súng ISIS lấy chăn đắp cho người bị thương. Hắn đã có thể lấy đi tấm chăn đang che chắn Monaly nhưng may thay lại chọn tấm khác. Hai người đàn ông ngồi bên phải cô, gần tới nỗi cô cảm giác được giày một người chạm vào mình.
Hơn 7 giờ trôi qua, pin điện thoại của từng người dần cạn, phương tiện duy nhất liên lạc với bên ngoài bị cắt.
“Họ sẽ giết chúng con mất”, Monaly nhắn tin cuối cùng cho cha Momika rồi điện thoại tối đen. Ở Erbil, cha Momika cầm điện thoại trong tay, bắt đầu khóc.
May mắn là điện thoại của một cô gái chưa kiệt pin. Họ nhận được tin hướng dẫn cách thoát ra ngoài.
Khi những người đàn ông trong phòng nhận điện thoại yêu cầu rời đi, các cô gái cũng chuẩn bị trốn ra ngoài thì Monaly lắng tai nghe và phát hiện có tiếng nước chảy trong nhà tắm. Cô biết các tay súng ISIS vẫn ở trong nhà. Họ lặng lẽ từ gầm giường bò ra, làm theo chỉ dẫn của cảnh sát Iraq, men theo lối cửa sau và chạy về phía bức tường cao 2,5 mét. Monaly dẫn đầu.
Thật may mắn là có một cái ghế dựng trước tường. Mấy người phụ nữ bước lên ghế, trèo qua tường. Một lát sau, các tay súng ISIS kích hoạt đai bom tự sát. Monaly nhìn thấy mảnh thi thể của họ khi quay lại ký túc hôm sau.
Ngồi trong nhà mới của gia đình ở Erbil, Monaly lặng lẽ thuật lại câu chuyện. Trong lúc nói, cô không ngừng lần chuỗi hạt mân côi.
“Tôi không rõ làm thế nào mà chúng tôi vẫn còn sống”, cô nói.
Anwar Omer Rasool, một sĩ quan cảnh sát ở Kirkuk, xác nhận Monaly mắc kẹt trong ký túc xá khi ISIS tấn công thành phố.
Monaly và các bạn đều cảm thấy mình được hàng loạt phép lạ cứu sống. Không ai ho hoặc hắt hơi. Không có điện thoại của ai đổ chuông. Trước bức tường cao có một cái ghế mà bình thường không có.
Monaly từng nhiều lần mất hy vọng khi gặp khó khăn trong đời nhưng giờ đây, cô đã vững tin hơn. Khi nhận phỏng vấn, Monaly yêu cầu giấu tên nhưng cuối cùng lại thay đổi.
“Tôi đã sẵn sàng”, Monaly nói. Cô muốn cả thế giới biết tới mình và những gì cô trải qua vì Monaly đã sống sót khỏi tay ISIS và không còn gì phải sợ.
Theo Vnexpress