Khi con hỏi “Nhà mình có nhiều tiền không?”, bạn sẽ trả lời như thế nào?
Khi con trẻ hỏi: “Nhà chúng ta có nhiều tiền không?”, thông thường các bậc bố mẹ phương Đông và phương Tây sẽ có câu trả lời khác nhau. Và điều trẻ hiểu được là gì? Sẽ ảnh hưởng đến tương lai sau này của trẻ ra sao?
Một đứa trẻ ngây ngô hỏi cha mẹ: “Nhà chúng ta có nhiều tiền không?”.
Cha mẹ nước Mỹ sẽ trả lời rằng: “Ba có tiền, nhưng con không có. Tiền của ba chính là nhờ nỗ lực phấn đấu mà có được. Sau này con cũng có thể nhờ lao động chăm chỉ mà có nhiều tiền”.
Cha mẹ Trung Quốc lại trả lời rất khác:
Cha mẹ Trung Quốc trả lời: “Nhà chúng ta có rất nhiều tiền, tương lai tất cả tiền này đều là của con”.
Con trẻ nước Mỹ nghe được điều gì?
Đứa trẻ nước Mỹ khi nghe cha mẹ nói như vậy thì sẽ hiểu rằng:
1. Ba của mình có rất nhiều tiền, nhưng đó là tiền của ba;
2. Ba có tiền là nhờ cố gắng làm việc mà được;
3. Mình muốn có tiền, thì mình cũng phải cố gắng làm việc chăm chỉ giống như ba vậy.
Tiếp nhận được những thông tin này, đứa trẻ liền sẽ cố gắng, cũng sẽ có rất nhiều ước mơ, cậu cũng muốn nhờ cố gắng mà được giàu có giống như ba mình.
Cha mẹ Mỹ truyền lại cho con cái không phải là tài phú vật chất, mà quan trọng hơn đó chính là tài phú tinh thần; tài phú tinh thần sẽ giúp con trẻ cả đời được lợi.
Tiếp đến chúng ta hãy xem, cha mẹ Trung Quốc trả lời như vậy, con cái sẽ hiểu như thế nào?
Đứa trẻ Trung Quốc nghe được điều gì?
Đứa trẻ Trung Quốc nghe ba nói như vậy thì hiểu rằng:
1. Ba của mình là người có nhiều tiền;
2. Nhà chúng ta có rất nhiều tiền;
3. Tiền của ba chính là tiền của mình. Vậy là mình không cần cố gắng học hành nữa, có thể suốt ngày vui chơi đi thôi!
Người cha Trung Quốc này truyền cấp cho con mình chỉ là tài phú vật chất, không có tài phú tinh thần làm chỗ dựa. Thế là, sau này khi đứa trẻ lớn lên tiếp nhận của cải của cha mẹ, không biết quý trọng và cố gắng, chính là giống như câu cổ ngữ “Phú không quá ba đời”.
Chúng ta không phải cố ý dựa vào ví dụ tương đối này để so sánh hai loại giáo dục khác nhau, tuy nhiên có một điểm khiến cho các bậc cha mẹ phải lưu tâm:
Giáo dục cho con trẻ về quản lý tiền bạc là rất quan trọng
Khi đứa trẻ hỏi “nhà chúng ta có nhiều tiền không?”, câu trả lời của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời con trẻ. Giáo dục trẻ về tiền bạc cần bắt đầu từ nhỏ, chứ không phải là bảo con trẻ không cần quan tâm đến tiền.
Rất nhiều bậc cha mẹ cho rằng giáo dục trẻ nhỏ không coi trọng tiền, và đây là một phẩm chất tốt. Điều này không sai, nhưng cần minh xác rằng, giáo dục trẻ không coi trọng tiền mục đích căn bản là giúp trẻ giảm thiểu tâm ganh đua so sánh và hư vinh, chứ không phải là khiến đứa trẻ không cần tiền. Hơn nữa, lại càng không khiến trẻ chỉ biết ngồi mát ăn bát vàng, biến trẻ thành “loài gặm nhấm”.
Các bậc cha mẹ nên giáo dục trẻ nhỏ về quản lý tiền bạc như thế nào?
1. Không nên áp đặt trẻ cách tiết kiệm tiền
Phương pháp quản lý tiền có rất nhiều loại, nhưng đa số trẻ chỉ biết một loại tiết kiệm ở ngân hàng. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ thử các cách quản lý tiền khác nhau.
2. Cha mẹ trao đổi với trẻ về cảm giác khi mua sắm
Cha mẹ cần khuyến khích trẻ chi tiêu hợp lý. Ví như để trẻ đến siêu thị mua đồ ăn vặt yêu thích của mình, đồ chơi, đồ dùng học tập, thậm chí quần áo… Sau mỗi lần trẻ chi tiêu như vậy, cha mẹ nên trao đổi với trẻ một chút về cảm giác khi mua sắm. Ví như hỏi trẻ lần này chi tiêu như vậy có cần thiết không, có hợp lý không, có hài lòng không? Giúp trẻ từ đó hình thành được việc lựa chọn phương án đúng đắn và học cách xả bỏ ham muốn của mình.
3. Giúp trẻ có cảm giác an toàn về tiền bạc
Trên thực tế, đối với trẻ nhỏ mà nói, cảm giác an toàn đối với tiền là vô cùng trọng yếu, nhưng các bậc cha mẹ lại không mấy chú trọng phương diện này.
Khi trẻ nhỏ chưa biết cách chi tiêu tiền, thì tiền đối với trẻ sẽ tạo thành căng thẳng và sợ hãi. Nếu cha mẹ cũng tỏ ra lo lắng về tiền bạc, cả ngày than vãn, trẻ nhỏ lớn lên 10 năm trong cảnh như vậy thì trong lòng nhất định sẽ bị nhét đầy áp lực, không cách nào tập trung học hành và phát triển.
Vậy nên trước khi con trẻ trưởng thành, cha mẹ cần lấy ngữ khí kiên định nói cho con biết: “Cha mẹ nhất định sẽ đảm bảo cho con ăn học đến nơi đến chốn, con không cần phải lo lắng. Nhưng lớn lên, con phải tự mình nỗ lực làm ra tiền của cho mình”. Cam kết này đối với trẻ nhỏ là rất quan trọng.
Giáo dục con cái quản lý tiền bạc không chỉ là dạy trẻ cách chi tiêu tiền, mà quan trọng hơn là cấp cho trẻ một cảm giác an toàn từ nội tâm. Giáo dục trẻ quan niệm đúng đắn về tiền bạc, chính là một khoản đầu tư tốt nhất trong cuộc đời. Các bậc cha mẹ tuyệt đối không thể không lưu tâm!
Bảo An, theo cmoney.tw