5 Loại dừa có giá trị nhất Việt Nam
Dừa lùn, dừa sáp, dừa in chữ nghệ thuật, dừa thắt eo, dừa bánh tét là những loại dừa không chỉ có “hình thức” độc đáo mà còn có “nội dung” cũng hết sức đặc biệt.
Dừa thắt eo tạo hình hồ lô
Khác với bưởi, dưa hấu thì việc tạo hình hồ lô cho trái dừa gian nan hơn rất nhiều do dừa có xơ, vỏ cứng, láng nên việc dùng lực ép eo vô cùng khó khăn. Sau thời gian dài cố công thử nghiệm, anh Huỳnh Thanh Tâm (ngụ ấp Phú Nhơn, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đã tạo hình thành công dừa hồ lô.
Anh Tâm cho biết, suốt 2 năm qua, việc tạo hình hồ lô trên trái dừa đã gặp hàng chục lần thất bại, có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc. Tuy nhiên, vì tâm huyết với trái dừa và muốn làm tăng thêm giá trị cây trồng truyền thống của quê hương Đồng Khởi nên anh đã cố sức nghiên cứu và kết quả đã thành công.
Ngoài đặc điểm trái có xơ, vỏ rất cứng khiến việc dùng lực ép eo vô cùng khó khăn thì việc trái dừa không tròn đều mà có đến 3 cạnh, vỏ lại trơn, láng cũng khiến công đoạn đặt khuôn ép eo đúng vị trí cũng rất phức tạp. Phải thật am hiểu về sự phát triển của loại cây trái này mới làm được.
Dừa có chiều cao khiêm tốn nhất
Không như cây dừa ta truyền thống trồng phổ biến ở địa phương có chiều cao lên đến hàng chục mét, giống dừa này “siêu lùn” với chiều cao tính từ mặt đất lên đến buồng trái chỉ khoảng 1m. Đặc biệt, khi thu hoạch không cần leo trèo mà đưa tay ra cũng có thể hái được dừa.
Cá biệt rất nhiều cây có buồng trái sà xuống chỉ cách mặt đất nhỉnh hơn 0,5m, khiến không ít người đã phải ngạc nhiên khi lần đầu nhìn thấy giống dừa mới độc đáo này. Được biết, giống dừa lùn này chính là giống dừa dứa Thái Lan. Sở dĩ gọi là dừa dứa là vì cơm của giống dừa này có mùi thơm như trái dứa.
Dù là giống mới du nhập về và được trồng trên vùng đất có thời tiết khắc nghiệt “nóng lắm, mưa nhiều” như Quảng Ngãi, thế nhưng chất lượng nước và cơm của giống dừa dứa này ngọt, thơm không kém gì so với khi được trồng ở miền Nam. Giá bán mỗi trái dừa dứa này chỉ khoảng 10.000 đồng/trái.
Dừa tạo hình đòn bánh tét
Dừa tạo hình đòn bánh tét có từ 6-7 khoanh đều rất đẹp mắt. Theo đó, trái dừa hình tròn đã bị “hô biến” thành đòn bánh tét với chiều dài cân bằng từ đầu đến cuối trái.
Đặc biệt, mỗi buồng dừa chỉ có thể chọn 2 trái để tạo hình, những trái còn lại sẽ cắt bỏ hết để cây tập trung dinh dưỡng nuôi các trái được chọn.
Đặc biệt, cha đẻ của loại dừa đòn bánh tét độc, lạ này không phải ai xa lạ mà chính là anh Huỳnh Thanh Tâm, người đã dày công “sáng tác” ra loại dừa hồ lô ở trên. Tuy đã nghiên cứu, thử nghiệm thành công nhưng anh Tâm cho biết chỉ sản xuất vài trái để giới thiệu ra thị trường. Anh Tâm tiết lộ: “Do đây là sản phẩm hoàn toàn mới nên tôi muốn để mọi người xem, đánh giá như thế nào. Nếu thị trường chấp nhận, ủng hộ, tôi sẽ mở rộng quy mô”.
Được biết, thời gian từ khi ép khuôn đến khi hoàn thành phải mất từ 2,5 – 3 tháng với tỷ lệ thành công chỉ khoảng 30%, mỗi trái dừa tạo hình đòn bánh tét đặc biệt này có giá bán lẻ khoảng 750.000 đồng.
Dừa sáp Cầu Kè
Dừa sáp có đặc điểm cơm rất dày, mềm xốp nên còn gọi là dừa đặc ruột. Ngoài ra, dừa sáp cũng có một lượng nước rất ít, có đặc điểm sền sệt và có mùi thơm rất đặc trưng.
Ông Thạch Phu My – Chủ nhiệm Hợp tác xã dừa sáp xã Hòa Tân (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) cho biết, dừa sáp giống được bán với giá từ 800.000 – 1 triệu đồng/cây. Loại dừa này chỉ phát triển tốt, cho tỷ lệ trái sáp cao khi trồng trên vùng đất huyện Cầu Kè, nhất là ở xã Hoà Tân. Vì vậy, đây là loại cây đặc sản chỉ có ở huyện Cầu Kè mà không nơi nào khác có được.
Trái dừa sáp không tự lên mầm, phát triển thành cây dừa sáp giống. Trước đây để có cây trồng, người dân phải ươm giống từ trái dừa không sáp trên cây dừa sáp – mỗi cây dừa sáp chỉ cho khoảng 30-40% trái là sáp.
Dừa sáp có giá dao động từ 80.000 đến 130.000 đồng/trái (được bán tại huyện Cầu Kè), trong khi đó dừa thường chỉ từ 30.000- 60.000 đồng/chục (12 trái).
Dừa in chữ chìm nghệ thuật
Để có thể sáng tác ra loại dừa in chữ nghệ thuật này, chủ nhân “chế” ra nó cho biết, anh đã phải trải qua 20 lần thất bại mới tới thành công.
Được biết, để có những trái dừa in chữ hình nghệ thuật như thế này không phải loại dừa nào cũng có thể làm được mà chỉ có thể sử dụng dừa xiêm xanh. Dừa xiêm xanh đến 3 tháng tuổi là có thể bắt đầu ép khuôn. Việc ép khuôn thành công hay không tuỳ thuộc vào việc chọn trái và đặt khuôn đúng vị trí.
Trong khi giá trái dừa xiêm xanh bình thường chỉ khoảng từ 3.500-6.000 đồng/trái thì những trái dừa in chữ chìm được ép khuôn từ trái dừa xiêm xanh sẽ có giá bán thành phẩm khoảng 300.000 đồng/trái. Được biết, những trái dừa in chữ nghệ thuật này có thể vận chuyển, bảo quản, giữ được trong khoảng thời gian 1 tháng.
Theo Dân Việt