Sau Anh, chính khách Hà Lan và Pháp cũng muốn bỏ phiếu rời EU
Ngay khi dân Anh bỏ phiếu chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), một số chính khách tại Hà Lan và Pháp cũng yêu cầu 2 nước này có các cuộc bỏ phiếu tương tự.
Tại Hà Lan, người đứng đầu nhóm chống nhập cư – Geert Wilders kêu gọi nước này hãy tổ chức một cuộc bỏ phiếu tương tự nước Anh.
Theo các thăm dò, ông Wilders đang là ứng viên sáng giá cho cương vị thủ tướng Hà Lan. Ông Wilders khẳng định nếu đắc cử vào tháng 3/2017 ông sẽ kêu gọi thực hiện cuộc bỏ phiếu rời EU.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Wilders nói: “Chúng tôi muốn toàn quyền chịu trách nhiệm về chính sách nhập cư của mình, tiền của mình, biên giới của mình và đất nước của mình. Càng sớm càng tốt, Hà Lan phải có cơ hội lên tiếng về tư cách thành viên của mình trong EU“.
Theo cuộc thăm dò của kênh truyền hình Een Vandaag, 54% người dân Hà Lan muốn có cuộc bỏ phiếu để quyết định rời hay ở lại EU. Cử tri Hà Lan đã 2 lần lên tiếng mạnh mẽ đòi rời khỏi EU. Làn sóng này càng mạnh hơn từ tháng 4 khi hầu hết người Hà Lan phản đối hiệp định ký kết giữa Ukraine với EU.
Ông Wilders nói thêm: “Đây là lúc để bắt đầu lại, tự lực trên sức mạnh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Nếu trở thành thủ tướng, tôi sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu để quyết định có rời EU hay không. Hãy để người dân Hà Lan quyết định“.
Còn tại Pháp, đảng cực hữu Mặt trận dân tộc cũng kêu gọi Pháp hãy tổ chức bỏ phiếu để quyết định rời hay ở lại EU. Florian Philippot, quyền lãnh đạo Mặt trận dân tộc nói: “Cuối cùng, quyền tự do của người dân sẽ thắng! Chúc mừng người Anh“.
Trong khi đó, Paolo Dardanelli – Quyền Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Liên bang tại Đại học Kent nhận đinh, khả năng Brexit sẽ kích thích các nước khác ở châu Âu theo chân khó là vấn đề ngay tức thì nhưng Brexit “chắc chắn sẽ gieo hạt giống nghi ngờ“.
“Đan Mạch và Thụy Điển sẽ là những nước cần được chú ý đến“, Dardanelli viết. Vì 69% người Thụy Điển tin rằng sẽ có thêm nhiều nước rời EU hậu Brexit (Anh rời khỏi EU), 66% người Đan Mạch có cùng cảm nghĩ.
Theo Tuổi Trẻ