Những màu sắc tương phản ở Bắc Kinh
Sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại, sự đối lập giữa nhu cầu bảo tồn và phát triển là điều dễ nhận thấy ở thủ đô của Trung Quốc.
|
Phát triển chóng mặt nhưng vẫn phải nỗ lực để duy trì các di sản văn hóa truyền thống, Bắc Kinh mang đến những hình ảnh tương phản giữa hiện tại và xưa cũ. Trong ảnh là công viên Phan Gia Viên ở quận Triều Dương, nơi mỗi sáng hàng nghìn người già cả sống trong các khu chung cư cao tầng quanh đó đi tập thể dục. |
SOHO New Town ở trung tâm thương mại của Bắc Kinh với thiết kế và vật liệu của thời hiện đại. Trong vòng hai mươi năm qua, vô số cao ốc đã mọc lên ở thủ đô của Trung Quốc. Các tòa chung cư và văn phòng – nằm lọt giữa các đường vành đai – như tạo nên khu rừng bằng bê tông, kính và thép. |
Cách không xa các cao ốc kính thép là những ngôi nhà một tầng mang nét kiến trúc cổ với mái tường cong duyên dáng. Vỉa hè ở khu phố cổ rất nhỏ, không đủ chỗ cho những xe hơi hiện đại ghếch lên. Dọc các con phố còn lưu giữ các hutong (ngõ nhỏ), hàng đoàn xe lớn nhỏ chở khách du lịch xếp dài dặc. |
Đi sâu vào các khu phố cũ, bạn có thể bắt gặp những vườn kiểu Trung Quốc truyền thống. Mặt nước phẳng lặng in bóng những cây cầu cong cong nối các lầu thưởng nguyệt mang đến cho ta cảm giác thanh tĩnh, cách biệt với không khí ồn ã của phố xá. |
|
Cánh cổng của một ngôi nhà trong hutong. Những ngõ nhỏ luôn là đề tài nóng trong các cuộc chiến giữa nhu cầu bảo tồn và phát triển ở Bắc Kinh. Trong những thập niên phát triển mạnh vừa qua, rất nhiều ngõ nhỏ như thế này đã được san ủi để mở đường cho các dự án cao ốc văn phòng hoặc chung cư. Một số ít hutong còn giữ lại được đang trở thành những điểm thu hút du khách, nhất là khách nước ngoài, đến tìm hiểu về lối sống của thị dân Bắc Kinh trước kia. |
Trên nền một khu buôn bán sầm uất cũ nay là phố đi bộ, quảng trường và cao ốc thương mại. Chợ đồ lưu niệm ở Vương Phủ Tỉnh mang đầy màu sắc rực rỡ của các đồ thủ công và món ăn Trung Quốc. Nó lọt thỏm giữa những biển quảng cáo sáng choang và dãy đèn neon của khu mua sắm cao cấp với các nhãn hàng hiệu đến từ phươn tây ở kế bên. |
Trong khu phố cổ, những chiếc ô tô đắt tiền như Buick và Merc chen giữa các xe thô sơ của người lao động. Đi dạo quanh thành phố trong chiếc thùng của xe đạp điện cải tiến này cũng là một trải nghiệm hiếm có. Giá thuê chiếc xe này kèm với người lái khoảng 40 tệ (130 nghìn đồng) mỗi giờ. Người làm nghề lái xe đạp điện thường là dân nghèo hoặc người nhập cư đến từ các tỉnh khác. |
|
Phong trào làm khóa tình yêu du nhập từ châu Âu lan đến tận Vạn lý Trường thành, công trình phòng thủ cổ xưa có từ đời Tần. Những lỗ châu mai trên thân tường thành, nơi các binh sĩ chiến đấu xưa kia, nay trở thành chỗ cho các đôi trai gái khẳng định tình yêu. Trong ảnh là một đoạn trường thành ở phía bắc Bắc Kinh. |
Giống như các ốc đảo giữa một thành phố hiện đại ồn ào và đông đúc, các bảo tàng và vườn cổ ở Bắc Kinh cho ta những thời khắc tĩnh lặng và yên bình để chiêm ngưỡng tài khéo của người xưa. Trong ảnh là một bức tượng Phật có từ đời Tống, niên đại từ năm 906 đến khoảng 1200, đặt tại bảo tàng quốc gia Trung Quốc. |
Nghệ thuật truyền thống của Trung Quốc còn được lưu lại trong thời hiện đại ngay trên đường phố. Người đàn ông này sáng nào cũng ngồi viết thư pháp để bán bên một công viên ở ngoại ô. Ông cho biết có ngày bán được chữ có ngày không, nhưng vẫn thích bán chữ để “vui và khỏe”. |
Khu Art Zone 798 là nơi các nghệ sĩ đường phố sáng tạo và kiếm sống. Đây vốn là một khu công nghiệp-quân sự từ thời những năm 1950 và 60. Trong quá trình đô thị hóa, các nhà máy xí nghiệp trong khu này được chuyển dần ra xa khỏi Bắc Kinh. Từ giữa những năm 90, các nghệ sĩ đề nghị được trưng dụng khu đất để phát triển các ý tưởng nghệ thuật đương đại. Trong ảnh, một nghệ sĩ đường phố vẽ chân dung khách qua đường bằng than chì. Giá mỗi bức vẽ như thế này là 50 tệ, nhưng bạn cũng có thể mặc cả khi họ “ế khách”. Tại Art Zone, các đồ lưu niệm như mô hình người máy, ô tô, xe máy được các thợ cơ khí chế tác từ sắt thép, phản ánh một thời công nghiệp nặng lên hương giữa thế kỷ trước, được bán rất nhiều. |
Thanh Mai
(vnexpress.net)