Đã nghèo khổ lại có đứa con đần độn, người mẹ cuối cùng đã vỡ nhẽ vì sao
Con người không phải chết là hết, mọi thiện ác trong từng kiếp sống đều được lưu ghi lại theo nhân quả báo ứng, cho dù kiếp này không thể hoàn báo thì kiếp sau cũng phải trả. Dưới đây là câu chuyện như thế.
Ở một ngôi làng nhỏ miền núi nọ có một gia đình neo người nghèo khổ, chỉ có hai mẹ con tựa vào nhau mà sống. Trên khuôn mặt khắc khổ của người mẹ ấy lúc nào cũng rầu rĩ. Cậu con trai hơn 10 tuổi, hàng ngày lúc cười lúc khóc, ngay cả đi tiểu tiện cũng lại bê lên uống. Chứng kiến con trai ngây ngốc như vậy, nỗi lòng của người mẹ chẳng khác nào bị kim đâm.
Người mẹ lương thiện ấy chấp nhận thực tại nhưng trong lòng vẫn không khỏi băn khoăn than thở: “Rốt cuộc không biết kiếp trước mình đã làm gì mà kiếp này phải khổ sở như vậy? Bản thân thì phải chịu dày vò như thế này?”.
Càng quan tâm chăm sóc con trai, nhìn con ngây ngốc so với chúng bạn, bà lại càng cảm thấy thống khổ và phiền não vô cùng. Bà tự xét thấy mình không hề làm điều gì ác hại ai, mà lại phải chịu cảnh này, cho nên đâm ra chán nản, than trách ông trời sao bất công với mình.
Hôm ấy có một lão hòa thượng đi ngang qua ngôi làng ấy. Người mẹ liền đến và bày tỏ nỗi ấm ức của mình với lão hòa thượng hỏi: “Thưa ngài, không hiểu tôi đã làm việc gì mà kiếp này số tôi khổ sở như vậy?”.
Vị lão hòa thượng nhìn người mẹ khổ sở và nói: “Nữ thí chủ, xin đừng oán trách trời đất. Người xưa có câu: ‘Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu’.
Con trai của thí chủ ở kiếp trước là một người vô cùng thông minh. Nhưng đáng tiếc là sự thông minh của anh ta lại dùng sai chỗ. Anh ta buôn bán thuốc phiện, nha phiến được rất nhiều tiền nhưng cũng khiến nhiều người thân tàn ma dại, nhiều gia đình tan cửa nát nhà, vợ chồng ly hôn, con cái mồ côi cha mẹ. Hại người tức là hại mình, cuối cùng anh ta cũng bị nghiện mà chết”.
Người mẹ nghe thấy vị hòa thượng nói như vậy thì không cam lòng hỏi lại: “Nếu đúng như ngài nói, thì kiếp trước cậu ta đã phải chịu quả báo mà chết rồi, sao kiếp này lại…”
Lão hòa thượng thở dài một tiếng rồi nói: “Bởi vì tội nghiệp mà cả đời anh ta tạo ra là vô cùng nhiều, cho nên phải trả trong nhiều kiếp luân hồi mới hết được. Hơn nữa, nha phiến con trai thí chủ buôn bán cũng khiến nhiều người rơi vào cảnh điên loạn, lúc tỉnh lúc mơ. Đó là tội nghiệp quá lớn trời đất không dung thứ. Vì thế kiếp này đầu thai làm người chỉ để trả nghiệp báo, thành người đần độn đầu óc không khác gì súc vật, những thứ bẩn thỉu nhất cũng đưa vào miệng”.
Người mẹ vô cùng đau đớn nói: “Đứa con tội nghiệp của tôi bị quả báo như vậy thật đáng thương, không biết đến khi nào mới dứt. Vậy còn tôi thì sao? Tôi làm gì nên tội để bị đày đọa thế này, vì sao tôi không được hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn, sinh ra đứa con thông minh hơn?”.
Lão hòa thượng dừng lại một lát nhìn người mẹ khốn khổ kia rồi lại thở dài một tiếng trong im lặng. Một lát sau ông mới nói: “Về phần thí chủ, kiếp trước thí chủ là kẻ đồng lõa với anh ta. Cho dù kiếp trước thí chủ không phải là người chủ, người quyết định nhưng thí chủ lại hỗ trợ giúp đỡ anh ta làm việc ác hại người.
Nhân quả được phân thành nghiệp riêng và nghiệp chung. Nghiệp riêng là cá nhân đó tự mình tạo nghiệp thì tự mình gánh lấy, tự làm tự chịu. Còn nghiệp chung chính là cả nhóm cùng nhau tạo nghiệp thì cùng nhau nhận lấy báo ứng. Bởi vì nghiệp này mà nhân duyên kiếp này giữa hai người lại tiếp tục. Thí chủ kiếp này làm mẹ để cùng hoàn trả cái nghiệp chung này!”.
Người mẹ nghe xong tự lẩm bẩm trong miệng rằng: “Xem ra không phải là số phận bất công, đừng đỗ lỗi oán trách ai, tất cả là lỗi của mình… tự oán trách mình thôi…!”
Từ câu chuyện có thể thấy được rằng, thiện ác có báo quả thật là như hình với bóng, không hề có điểm nào sai chạy. Nhân quả không phải là không có báo, chỉ là chưa đến lúc mà thôi!
Theo Daikynguyenvn / minhbao